Ngày 17/3/2014, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 18/TB-UBND Thông báo kết luận của Đ/c Nguyễn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị triển khai kế hoạch Tài chính - Ngân sách năm 2014.
Sau khi nghe báo cáo của Sở Tài chính về tình hình thực hiện dự toán NSĐP năm 2013, một số giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện dự toán NSĐP năm 2014, ý kiến tham luận của Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, đồng chí Nguyễn Chương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến kết luận:
Về thực hiện nhiệm vụ năm 2013 của ngành Tài chính:
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã có nhiều cố gắng, quyết liệt khắc phục khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã giao năm 2013, góp phần quan trọng, thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và đã đạt được một số kết quả tích cực trên một số mặt công tác sau:
- Đã tích cực triển khai hướng dẫn, kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương về các cơ chế tài chính, chính sách.
- Đã tích cực tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh triển khai các chính sách của Trung ương trong các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, nông nghiệp và PTNT, giao thông vận tải…
- Về thu ngân sách địa phương:
+ Thông qua các chính sách của Nhà nước về thuế như: miễn, giãn, giảm, hoãn…đã góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhờ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, ổn định phát triển.
+ Đã chủ động đề ra nhưng giải pháp cụ thể từ đầu năm, tranh thủ kịp thời sự chỉ đạo của cấp trên, tích cực, chủ động chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu thuế, thu hồi nợ đọng thuế nhờ đó số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt cao so với dự toán giao đầu năm.
- Về chi ngân sách: Đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện theo dự toán giao về chi thường xuyên và chi đầu tư.
+ Đối với chi thường xuyên: Kiểm soát chi chặt chẽ, đúng nội dung, quy trình, quy định của phát luật.
+ Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư XDCB đạt cao nhất từ trước tới nay, đã tập trung đôn đốc và thu hồi các khoản tạm ứng XDCB từ năm 2011 trở về trước; đảm bảo thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư theo đúng quy định tại Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo điều hành của các Bộ, ngành TW.
- Về công tác thanh, kiểm tra: Đã phục vụ tốt các Đoàn thanh tra, kiểm tra trong năm 2013; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác tài chính nội bộ và thanh tra các đơn vị theo phân cấp quản lý; tích cực đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán, quyết toán và thu hồi nộp ngân sách.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong năm 2013, ngành Tài chính cần tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách, hạn chế tình trạng phát sinh bổ sung dự toán chi ngân sách; số chi chuyển nguồn dư dự toán, dư tạm ứng ở một số đơn vị còn cao…
Về nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 của ngành Tài chính:
Trên cơ sở các nhiệm vụ chung của ngành Tài chính Việt Nam trong năm 2014 là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2014, ngành Tài chính địa phương cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách đã ban hành trong nhiệm kỳ 2010-2015, các chính sách tài chính gắn với quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch trong từng ngành, lĩnh vực và chuẩn bị tham mưu đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức chi, các chính sách tài chính như: chính sách phục vụ chương trình xoá đói giảm nghèo, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chính sách đào tạo cán bộ công chức viên chức, chính sách đào tạo nghề…theo định hướng của Luật Ngân sách Nhà nước dự thảo sửa đổi, Luật Đầu tư công…cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII và thời kỳ ổn định ngân sách 2016-2020.
Về thu ngân sách:
- Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về thuế.
- Về công tác quản lý thuế:
+ Tăng cường công tác quản lý đăng ký kê khai thuế đối với các doanh nghiệp do địa phương thành lập, chi nhánh của các doanh nghiệp ngoài tỉnh, hoạt động vận tải trên địa bàn, các dự án thủy điện nhỏ và vừa…
+ Tích cực trong công tác đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, nhất là các khoản nợ đọng thuế từ các năm trước.
+ Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong công tác hoàn thuế.
Về chi ngân sách:
- Công tác xây dựng, lập, thẩm định dự toán phải kịp thời, đúng quy trình và đúng thẩm quyền.
- Kiểm soát chi phải chặt chẽ, đúng quy định; kịp thời phát hiện, phòng ngừa những vi phạm trong chi ngân sách; tăng cường hơn nữa kiểm soát chi tạm ứng, thu hồi tạm ứng.
Về quản lý tài sản, đất đai, khoáng sản:
- Triển khai thu tiền sử dụng đất, cấp quyền khai thác khoảng sản theo Luật Đất đai mới.
- Quản lý chặt chẽ trong quản lý, sử dụng tài sản, đấu giá, thanh lý…
Phối hợp với các ngành chức năng để chủ động đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá, kiểm soát giá cả thị trường trong đó chủ động về nguồn cung cấp hàng hóa, chính sách hỗ trợ của nhà nước, quản lý chặt chẽ việc đăng ký giá đối với các mặt hàng Nhà nước yêu cầu phải đăng ký.
Tăng cường hoạt động trong công tác thanh, kiểm tra bảo đảm các đơn vị dự toán thực hiện đúng quy trình, chấp hành đúng định mức, chế độ chính sách.
Về cải cách nền tài chính công: Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, nâng cao trách nhiệm của chủ tài khoản, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện công khai – minh bạch – kịp thời đúng quy chế, đúng pháp luật.