1. Đặc điểm lưu vực trên hồ chứa
Công trình thủy điện Hua Chăng được xây dựng trên suối Hua Chăng thuộc địa bàn xã Trung Đồng và thị trấn Tân Uyên. Suối Hua Chăng là nhánh suối cấp 1 của sông Nậm Mu, suối được bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên Sơn với cao độ đầu nguồn suối khoảng 2600m đến 2800m. Hua Chăng nhập lưu với Nậm Mu ở cao độ khoảng 500m, tổng diện tích đến điểm nhập lưu khoảng 115km2. Phần thượng lưu của suối lòng suối rất dốc, độ dốc bình quân đoạn đầu suối lên đến 19.9%, càng về hạ lưu lòng suối thoải dần và nhập lưu với sông Nậm Mu.
Vị trí tuyến đập nằm cách huyện Tân Uyên 7km về phía Bắc, cách Than Uyên 35km về hướng Đông Bắc, cách Tam Đường 40km về hướng Tây Bắc. Lưu vực Hua Chăng nằm ở phía Bắc của phân khu Tây Bắc, ở vùng biên giới giáp với tỉnh Lào Cai. Do lưu vực nằm ở sườn Tây Bắc của dãy núi cao nằm chắn bên phần Đông Nam của lưu vực nên các suối nhánh tập trung nhiều bên bờ trái suối.
Bảng đặc trưng hình thái lưu vực tại vị trí tuyến công trình thủy điện Hua Chăng:
Vị trí
|
Toạ độ
|
F (km2)
|
L (Km)
|
åL (Km)
|
Js (‰)
|
Jd (‰)
|
Kinh độ
|
Vĩ độ
|
Tuyến đập
|
103o49'24"
|
22o 11'25"
|
25,9
|
5,023
|
19,2
|
1,99
|
4,98
|
Nhà máy
|
103o47'07"
|
22o 10’44"
|
35,8
|
5,023
|
19,2
|
1,99
|
4,98
|
Trong đó:
F : Diện tích lưu vực L : Chiều dài sông
Js : Độ dốc lòng sông Jd : Độ dốc lưu vực
Lưu vực trên thủy điện Hua Chăng nằm sâu trong lục địa thuộc vùng giữa của phân khu Bắc Tây Bắc bên sườn Tây của dãy Hoàng Liên Sơn. Lưu vực thuộc vùng núi cao trên 1.000m ở phía bắc của khu Tây Bắc tiếp giáp với biên giới Việt Trung. Ở đây chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới vùng cao, thời tiết có phần ôn hòa như vùng ôn đới nhưng vẫn thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa.
2. Không khí lạnh và nắng nóng lưu vực
Đặc điểm địa hình và vị trí địa lý của lưu vực đã quyết định những nét khác biệt về khí hậu của khu vực so với các vùng khác của Tây Bắc. Khí hậu của khu vực lưu vực được phân chia làm hai mùa rõ rệt: Mát mẻ về mùa hè, các tháng nóng nhất kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, mùa đông thì giá lạnh, nhiệt độ có thể xuống thấp dưới 00C, các tháng lạnh nhất là tháng 12 đến tháng 1.
3. Bão, áp thấp nhiệt đới lưu vực
Do ảnh hưởng của địa hình, hướng gió thịnh hành chung cho toàn khu vực là hướng Tây Bắc. Trong năm có hai mùa gió phân biệt gió mùa đông thường từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với hướng gió chủ yếu là hướng Đông Bắc mang không khí lạnh và khô, gió mùa hè với hướng gió thịnh hành là gió mùa Tây và Tây Nam xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10.
Về độ ẩm tương đối trung bình với mức dao động trong khoảng 75% đến 90% và thay đổi không nhiều giữa các vùng đã phản ánh rõ nét đặc điểm của vùng nhiệt đới mùa nóng và mùa ẩm. Ở đây độ ẩm tương đối nhỏ nhất xảy ra vào tháng 3 là 10%.
Do đó bão ở lưu vực này rất ít khi xảy ra thường chỉ xuất hiện áp thấp nhiệt đới vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm nhưng cũng ảnh hưởng không đáng kể đến việc sản xuất của nhà máy thủy điện Hua Chăng.
4. Tình hình mưa trên lưu vực
Lưu vực thủy điện Hua Chăng thuộc vùng núi cao là một trong những vùng mưa lớn ở phía Bắc của phân khu Tây Bắc cùng với tâm mưa Sa Pa, Hoàng Liên Sơn. Sự phân bố mưa chịu tác động mạnh của địa hình. Lượng mưa trung bình dao động vào khoảng từ 2.800 mm đến 3.200 mm.
Qua số liệu nghiên cứu nhiều năm, mưa ở lưu vực Hua Chăng được phân thành hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9 với tổng lượng mưa mùa mưa chiếm khoảng 78% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau với tháng có lượng mưa ít nhất trong năm là tháng 1. Lượng mưa bình quân khu vực theo tính toán là 2.800 mm
5. Đặc điểm dòng chảy trên lưu vực
Trong khu vực Bắc Tây Bắc có 3 trung tâm mưa lớn là Mường Tè, Sìn Hồ và Hoàng Liên Sơn do đó dòng chảy sinh ra từ mưa ở khu vực này đều lớn hơn các vùng khác của phân khu Tây Bắc. Các đặc trưng dòng chảy tại tuyến đập Hua Chăng theo như tính toán là Y0 = 2325mm; Q0 = 1,9 m3/s; M0 = 73,7 l/s.km2.
III. ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG ĐẬP, THIẾT BỊ VẬN HÀNH VÀ HOẠT ĐỘNG XÓI LỞ, TÁI TẠO BỜ HỒ CHỨA
1. Chất lượng đập
Nhà máy thuỷ điện Hua Chăng đưa vào vận hành từ tháng 01 năm 2018, đập công trình có kết cấu Bê tông cốt thép, hình thức đập Chiron tràn tự do có quy mô nhỏ. Qua kiểm tra đánh giá về tình trạng của đập thủy điện trước mùa lũ năm 2017 kết quả như sau:
- Độ lún nền, lăng trụ, các vùng chuyển tiếp và các chi tiết của đập: Không có hiện tượng lún.
- Biến dạng ngang của đỉnh đập và đập tràn: Không có hiện tượng biến dạng.
- Tình hình và chế độ thấm của thân đập, vai đập và nền đập: Không có hiện tượng thấm.
Kết luận: Đập thủy điện Hua Chăng đủ điều kiện làm việc bình thường, tin cậy và an toàn.
2. Đánh giá thiết bị vận hành đập
Qua kiểm tra các thiết bị vận hành đập, việc chuẩn bị vật tư dự phòng phục vụ vận hành cho các thiết bị nâng hạ, kết quả như sau:
- Thiết bị xả đáy: Vận hành tốt đảm bảo an toàn.
- Hệ thống thiết bị nâng cửa van xả đáy: Vận hành tốt.
- Hệ thống cấp điện chính cho vận hành cửa van xả đáy: Vận hành tốt.
- Hệ thống cấp điện dự phòng cho vận hành cửa van xả đáy: Vận hành tốt.
Kết luận: Thiết bị vận hành đập đảm bảo vận hành an toàn.
3. Đánh giá về hoạt động xói lở
Đập công trình thủy điện Hua Chăng đặt trên nền đá gốc được xây dựng kết cấu bê tông cốt thép nên việc xói lở bờ hầu như không xảy ra.
IV. DỰ KIẾN CÁC TÌNH HUỐNG MẤT AN TOÀN ĐẬP CÓ THỂ XẢY RA VÀ GIẢI PHÁP XỬ LÝ
1. Tình huống lún sụt, sạt một phần nền tiếp giáp với mái hạ lưu đập và vai đập có ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của đập
Khi xảy ra tình huống lún sụt, sạt một phần nền đập và vai đập có ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của đập, nhân viên trực vận hành nhà máy ngay lập tức dừng chạy máy phát điện và nhanh chóng báo cáo cho lãnh đạo Công ty, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão nhà máy thủy điện Hua Chăng.
Khi nhận được thông tin, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão nhà máy thủy điện Hua Chăng thực hiện các nội dung sau:
- Báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Tân Uyên để có nắm bắt thông tin và có biện pháp giám sát, chỉ đạo.
- Trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường để xem xét đánh giá cụ thể, đưa ra các giải pháp thiết thực để xử lý bảo vệ đập, đồng thời huy động ngay các tổ chuyên trách phòng chống lụt bão, vật tư, phương tiện đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, phân công trực theo dõi.
- Cử người tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình lún sụt để có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời.
Sau khi hết mưa lũ, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão nhà máy thủy điện Hua Chăng chỉ đạo thực hiện các công việc sau:
- Kiểm tra tình trạng làm việc thực tế của đập nhằm phát hiện các hư hỏng để xử lý; đề xuất biện pháp và kế hoạch sửa chữa khu vực sự cố, khắc phục thiệt hại công trình bảo đảm an toàn lâu dài cho đập.
- Tổng hợp tình hình sự cố báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tân Uyên và các cơ quan chức năng liên quan.
2. Tình huống mất toàn bộ nguồn cấp từ hệ thống điện tự dùng nhà máy, từ lưới điện
Khi xảy ra tình huống mất toàn bộ nguồn cấp từ hệ thống điện tự dùng nhà máy và từ lưới điện, nhân viên trực vận hành nhà máy báo cáo trưởng ca đương phiên. Trưởng ca thực hiện các công việc sau:
- Báo cáo với lãnh đạo Công ty về sự cố mất toàn bộ nguồn cấp từ hệ thống điện tự dùng nhà máy và từ lưới điện.
- Gọi điện thoại đến trực ban Điện lực Tân Uyên, Công ty Điện lực Lai Châu, TBA 110kV Phong Thổ hoặc TTĐL Miền Bắc (A1) để tìm hiểu nguyên nhân mất điện, thời gian dự kiến có điện lại.
- Chỉ đạo, phân công nhân viên trực vận hành khắc phục sự cố.
Nhân viên trực vận hành thực hiện các công việc sau:
- Kiểm tra việc chuyển đổi nguồn ăcquy của hệ thống thông tin để đảm bảo thông tin thông suốt.
- Thực hiện chuyển đổi nguồn điện lưới sang nguồn tự phát của nhà máy. (Nguồn dự phòng diezen....)
- Cập nhật đầy đủ tình hình tại nhà máy vào sổ sách, nhật ký vận hành.
- Tổ chức kiểm tra nguyên nhân sự cố, nhanh chóng khắc phục, sửa chữa để sớm phục hồi nguồn cấp điện lưới.
- Tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thuỷ văn để chủ động ứng phó.
3. Tình huống xuất hiện mạch sủi tại khu vực mái hạ lưu đập, nền tiếp giáp với mái hạ lưu đập và vai đập; lún sụt và sạt lở mái hạ lưu đập ảnh hưởng tới ổn định, an toàn đập
Trong trường hợp nếu có xuất hiện mạch sủi tại mái hạ lưu đập, nền tiếp giáp với mái hạ lưu đập và vai đập; lún sụt và sạt lở mái hạ lưu đập ảnh hưởng tới ổn định an toàn đập thì giải pháp khắc phục đã nêu như ở tình huống 1.
4. Tình huống do ảnh hưởng của bão gây mưa to, gió lớn, gây sạt trượt đường giao thông khu vực công trình, mặt đường bị sạt lở, cây đổ, các phương tiện giao thông phục vụ vận hành và đi lại của Nhân dân địa phương không thể đi lại được
- Thông báo tình hình đường giao thông đến UBND huyện Tân Uyên, UBND thị trấn Tân Uyên, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tân Uyên bằng các phương tiện thông tin nhanh nhất để báo cho Nhân dân biết.
- Bố trí lực lượng cơ động túc trực tại các điểm hư hỏng xung yếu và các điểm ngập nước khi có lũ để sẵn sàng ứng phó, hướng dẫn giao thông và giải phóng mặt bằng hoặc đắp lại đường; những đoạn đường nguy hiểm chưa xử lý kịp cho cắm biển báo, đèn, dựng chướng ngại vật để báo hiệu hướng dẫn giao thông.
- Tổ cơ động dùng cuốc, xẻng, xà beng thông cống tiêu và rãnh thoát nước để đảm bảo tháo được lượng nước mưa, cưa cắt cây, bốc xúc, dọn dẹp và đắp tạm lại nền đường. Dọn dẹp, nạo vét và vệ sinh nền đường bị sạt, lở, đảm bảo giao thông thông suốt, không để ách tắc giao thông ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như cán bộ công nhân viên của nhà máy.
- Tình huống quy mô ảnh hưởng lớn vượt sức người, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão nhà máy thủy điện Hua Chăng chủ động tìm kiếm phương tiện cơ giới và báo cáo UBND huyện Tân Uyên và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Tân Uyên, Hạt quản lý đường bộ xin hỗ trợ để thực hiện thông đường.
5. Tình huống khác
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của các sự cố mà Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão nhà máy sẽ có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho công tác đảm bảo an toàn và vận hành phát điện của nhà máy thủy điện Hua Chăng.
V. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ VỀ NHÂN LỰC, VẬT TƯ, VẬT LIỆU DỰ PHÒNG, XE GẮN MÁY, THÔNG TIN LIÊN LẠC, ÁNH SÁNG VÀ PHỐI HỢP VỚI CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG, CÁC CHỦ ĐẬP VÀ TỔ CHỨC LIÊN QUAN
1. Công tác chuẩn bị về nhân lực
Công ty Cổ phần thủy điện Hua Chăng tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 04/2017/QĐHC-NMTĐ về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão nhà máy thủy điện Hua Chăng (có Quyết định số 04/2017/QĐHC-NMTĐ đính kèm).
Trong trường hợp xảy ra sự cố nguy hiểm sẽ huy động toàn bộ nhân lực Công ty và đề nghị hỗ trợ thêm lực lượng từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tân Uyên và các lực lượng chức năng liên quan.
2. Công tác chuẩn bị về vật tư, vật liệu dự phòng, dụng cụ, thiết bị, xe gắn máy, lương thực, thuốc men
Công ty đã chuẩn bị các loại vật tư, vật liệu dự phòng, dụng cụ, thiết bị, xe máy đầy đủ để phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão được để tại kho của nhà máy thủy điện Hua Chăng (Chi tiết tại Phụ lục đính kèm).
Đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thuốc men phục vụ cho 20 người trong 7 ngày đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra (Chi tiết tại Phụ lục đính kèm).
3. Công tác chuẩn bị về thông tin liên lạc, ánh sáng
- Hệ thống thông tin tại Nhà máy thủy điện Hua Chăng gồm: Điện thoại, máy bộ đàm cầm tay, Internet. Hệ thống này luôn đảm bảo liên lạc thông suốt giữa nhà máy với chính quyền và các cơ quan chức năng.
- Số điện thoại của vị trí trực phòng chống lụt bão và khi có lũ vượt qua phần đập tràn Nhà máy thủy điện Hua chăng như sau:
+ Trực trung tâm nhà máy: 02133.915.519; 0868.061.122
- Có hệ thống loa phóng thanh, còi thông báo lũ: lắp đặt còi thông báo xả nước phát điện tại nhà máy thủy điện đảm bảo hoạt động tốt.
- Về ánh sáng: Tại khu vực đập đầu mối và xung quanh nhà máy đã xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng ngoài trời đáp ứng đầy đủ công tác chiếu sáng vào ban đêm để kiểm tra mực nước và xử lý kịp thời nếu có tình huống xấu xảy ra.
4. Công tác phối hợp với chính quyền địa phương
a)Lấy ý kiến góp ý sự đồng thuận của chính quyền địa phương đối với phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập
Phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập công trình thủy điện Hua Chăng đã được gửi đến UBND tỉnh Lai Châu, UBND huyện Tân Uyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu để xin ý kiến đóng góp và hoàn thiện phương án.
b) Kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương khi xảy ra tình huống mất an toàn đập
Đối với Công ty Cổ phần thủy điện Hua Chăng tỉnh Lai Châu:
- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du đập thủy điện Hua Chăng;\
- Tổ chức vận hành hồ chứa thủy điện Hua Chăng theo đúng quy định vận hành đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu phê duyệt.
- Hàng năm rà soát Phương án Phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập công trình thủy điện Hua Chăng; sửa đổi, bổ sung những nội dung không phù hợp trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
- Hàng năm thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão nhà máy thủy điện Hua Chăng nhằm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn đối với Nhà máy Thủy điện Hua Chăng.
- Xây dựng kế hoạch cảnh báo, cảnh giới tại những nơi có khả năng ngập lũ, có nước chảy xiết để hạn chế Nhân dân đi lại, sản xuất trong mùa mưa lũ.
- Tăng cường công tác tuyên truyền cho Nhân dân tại những khu vực lân cận nhà máy thuỷ điện về quy trình vận hành, phương án bảo vệ đập, kế hoạch tích nước và xả lũ trong mùa mưa lũ để người dân chủ động phòng tránh.
- Hàng năm, tổng hợp công tác phòng chống lụt bão của nhà máy báo cáo UBND tỉnh Lai Châu, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, UBND huyệnTân Uyên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tân Uyên và các đơn vị chức năng liên quan khác.
Đối với Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; chính quyền địa phương:
- Gửi các Công điện chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống lụt bão khi bão lũ sắp xảy ra cũng như các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống lụt bão của Trung ương và UBND tỉnh Lai Châu kịp thời cho Công ty.
- Thông báo kịp thời tình hình ngập lụt hạ du.
- Khi nhận được thông báo sự cố mất an toàn đập của Công ty, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu triển khai ngay các biện pháp đối phó phù hợp với từng tình huống nhằm hạn chế tác hại do sự cố đập gây ra.
5. Công tác tổ chức thu thập, quan trắc và phối hợp với tổ chức dự báo khí tượng thủy văn về các thông tin, dự báo khí tượng thủy văn, thông số liên quan đến công tác vận hành hồ (dòng chảy về bể, mức nước bể chứa, ...)
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão nhà máy thủy điện Hua Chăng có trách nhiệm cập nhập diễn biến về mực nước, dòng chảy tại lưu vực hồ chứa hàng giờ để có biện pháp ứng phó kịp thời đối với trường hợp mực nước đột ngột dâng cao ở mức báo động và dòng chảy thay đổi đột ngột đặc biệt là trong mùa mưa.
Thường xuyên cập nhập thông tin về dự báo thời tiết qua ti vi, đài, cũng như các thông báo từ trạm khí tượng thủy văn Sa Pa, Bình Lư để có phương án ứng phó kịp thời đối với các diễn biến xấu của thời tiết.
6. Công tác thông tin, phối hợp với các chủ đập có liên quan trên lưu vực hồ chứa
Trên lưu vực suối Hua Chăng, phía hạ lưu công trình thủy điện Hua Chăng có 01 nhà máy thủy điện mini Na Chăng - công suất 330kW. Công trình thủy điện này không có hồ chứa, không có khả năng cắt giảm lũ, hoạt động độc lập và không bị ảnh hưởng bởi chế độ vận hành của công trình thủy điện Hua Chăng.
7. Công tác thông tin, báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
Công ty Cổ phần thủy điện Hua Chăng tỉnh Lai Châu thường xuyên duy trì liên lạc và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định và khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, các cơ quan chức năng liên quan.
Các lệnh, ý kiến chỉ đạo, kiến nghị, trao đổi có liên quan đến việc vận hành và phòng chống lụt bão hồ chứa thủy điện Hua Chăng đều phải được thực hiện bằng văn bản.