Ngày 28/3, UBND tỉnh ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND Về việc tăng cường phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Theo thông báo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO), từ cuối tháng 3/2013 đến 20/3/2017 đã có 1.342 người Trung Quốc bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó có 494 ca tử vong. Đặc biệt trong 3 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận 533 người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9, trong đó các tỉnh có chung biên giới với nước ta là Quảng Tây có 17 người bị nhiễm cúm A/H7N9 do tiếp xúc với gia cầm sống bán tại chợ và tỉnh Vân Nam có 02 người mắc bệnh. Hiện nay đang là giai đoạn thời tiết rất thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển, phát tán, lây lan, nguy cơ vi rút cúm gia cầm xâm nhiễm lây lan, tái phát trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Thực hiện Công điện hoả tốc số 427/CĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng chống vi vút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm vào Việt Nam. Để tập trung tăng cường triển khai các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống các chủng vi rút cúm gia cầm xâm nhiễm, lây lan vào địa bàn tỉnh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, môi trường sinh thái và đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Tổng Biên tập Báo Lai Châu; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả nội dung Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm xâm nhập, lây lan trên địa bàn tỉnh Lai Châu vàKế hoạch số 414/KH-UBND ngày 10/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về hành động phòng, chống dịch cúm A trên người tỉnh Lai Châu năm 2017, đồng thời tập trung triển khai quyết liệt một số nội dung sau:
1.Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
2. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người từ vùng có dịch cúm A/H7N9 nhập cảnh vào Việt Nam; có phương án xử lý triệt để ca bệnh khi phát hiện có bệnh nhân nhiễm vi rút cúm A/H7N9 tại tỉnh.
3. Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động đối với gia cầm và môi trường nhằm phát hiện sớm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.
4. Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn, UBND các huyện, thành phố quy định cụ thể, giám sát chặt chẽ khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống và tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi chợ; xây dựng phương án hoạt động của chợ và biện pháp xử lý khi phát hiện vi rút cúm A/H7N9 tại chợ.
5. Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Y tế tham mưu đề xuất UBND tỉnh tổ chức diễn tập tình huống theo kế hoạch ứng phó cúm A/H7N9 của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Y tế để chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch khi phát hiện vu rút cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Tổng Biên tập Báo Lai Châu; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan tổ chức triển khai ngay nội dung Công điện.