Đó là nội dung chính của Công văn số913 /UBND-NC được UBND tỉnh ban hành ngày 22/5.
Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và UBND các huyện, thành phố phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, vai trò chỉ đạo, quản lý, điều hành của thủ trưởng các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là trong việc thực hiện “Đề án đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020”. Xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác đảm bảo ANTT, nhất là đối với trường hợp để xảy ra tình hình phức tạp về ANTT kéo dài. Tăng cường mối quan hệ phối hợp liên ngành trong đảm bảo ANTT. Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh trật tự ở cơ sở thì cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nơi đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết theo phương châm bốn tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý, giáo dục nhắc nhở cán bộ, công chức, công nhân viên, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ Bí mật Nhà nước, nội quy, quy chế làm việc, quy trình công tác… phòng ngừa, hạn chế tối đa việc cán bộ vi phạm pháp luật hoặc làm lộ, lọt Bí mật Nhà nước.
Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức đối thoại với Nhân dân, giải quyết kịp thời những bức xúc trong Nhân dân. Tiến hành rà soát những vụ tranh chấp, khiếu kiện tồn đọng, kéo dài (nhất là tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, chế độ chính sách) để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm số đối tượng cực đoan, chống đối, lợi dụng khiếu kiện để gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Chủ động phát hiện, ngăn chặn, phản bác các thông tin xấu, xuyên tạc, sai sự thật trên Internet, mạng xã hội…, kịp thời cung cấp thông tin chính thống để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận tư tưởng trong các tầng lớp Nhân dân. Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về dân tộc, tôn giáo đảm bảo các hoạt động tôn giáo trên địa bàn diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh chủ động phối hợp trong công tác nắm tình hình; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại đối tượng hoạt động gây phức tạp về ANTT (nhất là các đối tượng kích động, lôi kéo người dân tham gia hoạt động lập Nhà nước Mông ở khu vực biên giới; trong vùng đồng bào dân tộc Mông).
Các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng Công an tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Xác định đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, phải gắn công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên nêu cao vai trò, trách nhiệm trong PCTP để huy động các lực lượng tham gia toàn diện, sâu rộng vào công tác phòng, chống các tội phạm và tệ nạn xã hội.
Giao lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung tấn công, trấn áp tội phạm; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường... Thực hiện đồng bộ các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng công tác điều tra, khám phá tội phạm, kiên quyết không để lọt tội phạm, không để oan, sai. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tổ chức xét xử lưu động các vụ án phức tạp, nghiêm trọng nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh; UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai “Tháng hành động phòng, chống ma túy, tháng 6/2017”; “Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” (ngày 26 tháng 6). Tập trung tuyên truyền sâu rộng về hiểm họa của tệ nạn ma túy, nhất là tác hại của các loại ma túy tổng hợp (ma túy đá, cỏ mỹ ...), cần sa và các chất hướng thần mới để nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.
Nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT, quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thực hiện tốt cải cách hành chính và các giải pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong giải quyết các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho Nhân dân. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông. Đề ra các giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ lái xe; rà soát, khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết triệt để các “điểm đen” tai nạn.
Tăng cường phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Gắn việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với việc củng cố, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm, công khai hóa hành vi vi phạm pháp luật của các loại đối tượng, tệ nạn xã hội để người dân nâng cao ý thức tự cảnh giác trong quản lý, bảo vệ tài sản, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mình và mọi người, không tạo sơ hở để bọn tội phạm lợi dụng gây án.