Ngày 07/4/2016, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND v/v triển khai thực hiện "Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường" năm 2016, cụ thể như sau:
Từ cuối năm 2015, dịch Cúm gia cầm A/H5N6 đã lần đầu tiên xảy ra 03 ổ dịch trên địa bàn tỉnh, qua giám sát sự lưu hành vi rút của cơ quan chuyên môn trong thời gian qua vẫn còn tồn tại vi rút cúm gia cầm A/H5N6 và xuất hiện chủng cúm gia cầm A/H5N1 tại chợ Đoàn Kết (thành phố Lai Châu); đầu năm 2016 rét đậm, rét hại xảy ra trên diện rộng đã làm trên 2.000 con gia súc, 1.400 con gia cầm bị chết; từ trung tuần tháng 02/2016 đến nay dịch Lở mồm long móng (LMLM) gia súc xảy ra tại 12 bản của 5 xã của huyện Phong Thổ và Tam Đường làm 296 con trâu, bò mắc bệnh đến nay vẫn còn nguy có tiếp tục lây lan. Mặt khác, hiện đang vào giai đoạn chuyển mùa, ảnh hưởng tới sức đề kháng của vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, phát triển. Vì vậy nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm, LMLM, bệnh dại tái phát và tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, bệnh gia súc, gia cầm và trên người; đặc biệt là công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường tự nhiên, dập tắt dịch LMLM tại Phong Thổ, Tam Đường; ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phát động: Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường năm 2016, đồng thời yêu cầu:
1. UBND các huyện, thành phố
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường năm 2016” trên địa bàn các huyện, thành phố, cụ thể như sau:
- Số tháng (đợt) thực hiện: 02 tháng (02 đợt).
- Thời gian thực hiện:
Đợt 1: 01 tháng, từ ngày 15/4/2016 đến 15/5/2016.
Đợt 2: 01 tháng, dự kiến trong tháng 10 hoặc tháng 11/2016 tùy theo tình hình dịch bệnh cụ thể hoặc theo phát động của Bộ Nông nghiệp và PTNT; thời gian cụ thể giao Sở Nông nghiệp và PTNT thống nhất và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện.
- Nội dung:
Đối với vùng đang có dịch LMLM và khu vực có ổ dịch cúm gia cầm năm 2015: Phát quang cây cỏ, quét dọn sạch sẽ khu vực chuồng trại, khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn; tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng trại, khu vực nuôi cách ly điều trị và vùng phụ cận ít nhất mỗi tuần ba lần.
Đối với cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm: Phát quang cây cỏ, quét dọn sạch sẽ khu vực chuồng trại, khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn; khơi thông cống rãnh trước khi tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường; tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng trại, khu vực nuôi nhốt và vùng phụ cận ít nhất mỗi tuần một lần; vệ sinh sạch sẽ phương tiện, dụng cụ vận chuyển sau mỗi lần vận chuyển, ra vào cơ sở chăn nuôi.
Đối với cơ sở ấp, ấp nở gia cầm, thủy cầm: Phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp, thu gom vỏ trứng sau khi ấp nở để tiêu hủy; phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng, giống và gia cầm mới ấp nở.
Đối với điểm giết mổ gia súc, gia cầm: Nơi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ và nơi giết mổ thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng ngay sau khi động vật được đưa đi giết mổ và sau khi thực hiện xong công việc; phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra khỏi điểm giết mổ; phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng, khơi thông cống rãnh trước khi phun khử trùng tiêu độc; tổ chức phun thuốc toàn bộ khu vực và vùng phụ cận ít nhất mỗi tuần một lần.
Đối với chợ có buôn bán gia súc, gia cầm: Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán gia súc, gia cầm và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ; phương tiện vận chuyển, lồng nhốt gia súc, gia cầm phải được khử trùng khi đưa vào và đưa ra khỏi chợ; những quầy bán thịt phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc khử trùng hàng ngày cuối mỗi buổi chợ.
Nơi công cộng, đường bản, ngõ xóm: Quét dọn, vệ sinh, phun tiêu độc ít nhất mỗi tuần một lần.
Đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị thu giữ: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện, dụng cụ dùng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị thu giữ; quét dọn và phun khử trùng khu vực nhốt, giữ động vật ngay sau mỗi đợt tiêu hủy; phân, rác thải phải được xử lý chôn hoặc đốt.
Đối với khu vực biên giới:
Khu vực cửa khẩu: Bố trí hố sát trùng với chiều dài hơn một vòng bánh xe để khử trùng bánh xe các phương tiện qua lại; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đưa vào trong nước tiêu thụ. Khu vực đường mòn, lối mở: Bố trí hố sát trùng với chiều dài hơn một vòng bánh xe để khử trùng bánh xe các phương tiện qua lại.
b) Tổ chức thực hiện
- Tuyên truyền, vận động các cơ sở, hộ chăn nuôi, cơ sở buôn bán, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, cơ sở ấp nở gia cầm, ban quản lý các chợ... có trách nhiệm vệ sinh cơ giới (phát quang cây cỏ, quét dọn vệ sinh, thu gom phân rác, chất độn chuồng đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh).
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập tổ, đội phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi của các hộ gia đình, các hộ có gia súc ốm, chợ buôn bán thực phẩm, gia súc, gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, thôn bản; việc phun tiêu độc, khử trùng chỉ được tiến hành sau khi đã thực hiện vệ sinh cơ giới.
Loại hóa chất sát trùng, cách tiến hành như đã áp dụng trong các lần vệ sinh tiêu độc, khử trùng trước đây.
- Kinh phí thực hiện: UBND các huyện, thành phố cân đối bố trí từ nguồn ngân sách huyện, thành phố để tổ chức triển khai thực hiện.
- Kết thúc mỗi đợt triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường năm 2016”, tiến hành sơ, tổng kết rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả triển khai thực hiện bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Thú y) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo công tác tổ chức triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường năm 2016” của các huyện, thành phố; đồng thời chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với UBND huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế, Trạm Thú y) tham mưu UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.
- Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này.
3. Sở Y tế
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo công tác tổ chức triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường năm 2016” của các huyện, thành phố; chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các cơ sở Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh lây lan từ động vật sang người tại cơ sở đặc biệt là dịch cúm gia cầm, đồng thời phân công cán bộ tham gia hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện.
4. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể: Phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện "Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường năm 2016" để phòng chống dịch bệnh.
5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu, Cổng thông tin điện tử tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới Nhân dân trong tỉnh nhận thức đầy đủ về công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh động vật phát sinh, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm; đặc biệt là thực hiện nội dung, yêu cầu của “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường năm 2016”.