Văn phòng UBND tỉnh
Thứ sáu 29/11/2024
Quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển CCVC lãnh đạo, QL các phòng, ban, trung tâm
 
Văn phòng UBND tỉnh Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, trung tâm trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu.
     
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 183/QĐ-VPUBND ngày 01/7/2014 của Văn phòng UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển công chức, viên chức các phòng, trung tâm trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh.
 
  
QUY ĐỊNH 
Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, trung tâm trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 372  /QĐ-VPUBND
ngày 13  tháng 11   năm 2018 của Chánh Văn phòng UBND tỉnh)
      
PHẦN I
BỔ NHIỆM
 
Chương I
NGUYÊN TẮC CHUNG
   
Điều 1. Nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ
1. Tập thể lãnh đạo Văn phòng xem xét, quyết định một cách dân chủ trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên, nhất là người đứng đầu.
2. Phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của các phòng, ban, trung tâm và căn cứ vào phẩm chất đạo đức, năng lực, sở trường của công chức, viên chức và tiêu chuẩn chức danh.
3. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan.
 
Điều 2. Trách nhiệm và thẩm quyền bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý
Trong phạm vi thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ:
1. Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng đề xuất nhân sự và nhận xét, đánh giá công chức, viên chức được đề xuất. Nếu người được đề xuất bổ nhiệm là công chức, viên chức công tác tại Văn phòng UBND tỉnh thì phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc tương đương; đối với nhân sự được đề xuất bổ nhiệm từ nơi khác thì phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên.
2. Tập thể lãnh đạo cơ quan Văn phòng thảo luận; nhận xét; đánh giá công chức, viên chức; quyết định bổ nhiệm.
3. Cá nhân, tập thể đề xuất bổ nhiệm công chức, viên chức; phòng Hành chính – Tổ chức; tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về đề nghị, thẩm định, quyết định của mình, cụ thể:
- Cá nhân, tập thể đề xuất: Chịu trách nhiệm chính về nhận xét, đánh giá phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác; ưu, khuyết điểm… và ý kiến đề xuất bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
- Phòng Hành chính – Tổ chức: Chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, đề xuất nhân sự bổ nhiệm.
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh: Chịu trách nhiệm đối với quyết định bổ nhiệm cán bộ.
4. Trường hợp tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh giới thiệu 02 người có số phiếu ngang nhau thì chọn nhân sự do Chánh Văn phòng giới thiệu để thực hiện quy trình bổ nhiệm và quyết định bổ nhiệm.
 
 
Điều 3. Quy trình, thủ tục bổ nhiệm
Căn cứ số lượng quy định, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn trong quy hoạch; tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Đảng ủy cơ quan thống nhất về chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác đối với công chức, viên chức được bổ nhiệm.
1. Đối với nguồn nhân sự tại chỗ
Bước 1: Trên cơ sở chủ trương, Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức thảo luận, đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhân sự.
Bước 2: Tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Đảng ủy, trưởng các phòng, ban, trung tâm trực thuộc thảo luận, thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi đồng chí giới thiệu 01 người cho 01 chức danh; người nào đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị).
Bước 3: Tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của công chức, viên chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự tại bước 2 tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.
Nguyên tắc lựa chọn: Mỗi thành viên lãnh đạo Văn phòng giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở bước 2 hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; người nào đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị cán bộ lãnh đạo, quản lý và đảng viên (kết quả kiểm phiếu được công bố tại hội nghị).
Trường hợp nếu kết quả giới thiệu của tập thể lãnh đạo Văn phòng khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì tập thể lãnh đạo Văn phòng xem xét, quyết định trước khi tiến hành các bước tiếp theo.
Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; trưởng, phó các phòng, ban, trung tâm trực thuộc và đảng viên trong Đảng bộ về nhân sự bằng phiếu kín (được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt).
Trình tự lấy ý kiến:
- Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công chức, viên chức.
- Thông báo danh sách cán bộ do tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh giới thiệu (ở bước 3); tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác.
- Ghi phiếu lấy ý kiến (có thể ký hoặc không phải ký tên; kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị).
Bước 5: Tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh thảo luận và biểu quyết nhân sự.
a. Trình tự thực hiện:
- Phân tích kết quả lấy phiếu ở các hội nghị.
- Xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có).
- Lấy ý kiến bằng văn bản của Đảng ủy về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm.
- Tập thể lãnh đạo Văn phòng thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín (kết quả kiểm phiếu được công bố tại hội nghị).
b. Nguyên tắc lựa chọn: Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn giới thiệu, bổ nhiệm; trường hợp tập thể lãnh đạo Văn phòng giới thiệu 02 người có số phiếu ngang nhau (đạt tỷ lệ 50%), thì lựa chọn nhân sự do Chánh Văn phòng giới thiệu để quyết định. Trường hợp danh sách biểu quyết chỉ có 01 đồng chí thì phải đạt 2/3 số phiếu trở lên đồng ý giới thiệu thì mới được lựa chọn.
Căn cứ kết quả biểu quyết của tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Phòng Hành chính – Tổ chức hoàn thiện các thủ tục trình lãnh đạo Văn phòng quyết định.
2. Đối với nguồn nhân sự từ nơi khác
a) Trên cơ sở chủ trương về bổ nhiệm công chức, viên chức, Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng đề xuất nhân sự hoặc Phòng Hành chính – Tổ chức giới thiệu nhân sự.
b) Tập thể lãnh đạo Văn phòngthảo luận, thống nhất và chỉ đạo tiến hành một số công việc sau:
- Gặp công chức, viên chức được đề nghị bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác.
- Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan nơi công chức, viên chức đang công tác về chủ trương điều động; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan nơi công tác, nơi cư trú đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm; xác minh lý lịch của công chức, viên chức; hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm công chức, viên chức.
- Thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự (bằng phiếu kín). Nhân sự được đề nghị bổ nhiệm phải được 2/3 số phiếu trở lên đồng ý.
- Căn cứ kết quả biểu quyết của tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Phòng Hành chính – Tổ chức hoàn thiện các thủ tục trình lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh quyết định theo phân cấp.
Chương II
THỜI HẠN VÀ ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM
Điều 4. Thời hạn giữ chức vụ
Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm (60 tháng).
Điều 5. Điều kiện bổ nhiệm
1. Đảm bảo tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định hiện hành của Nhà nước và quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 09/5/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quy định điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với cấp Trưởng, Phó các đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lai Châu; không vi phạm quy định về những điều đảng viên, công chức không được làm.
2. Có hồ sơ, lý lịch cá nhân, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh.
3. Tuổi bổ nhiệm: Công chức, viên chức được bổ nhiệm lần đầu phải còn đủ tuổi để công tác được 5 năm (60 tháng).
4. Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
5. Công chức, viên chức bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 01 năm (12 tháng) kể từ khi có quyết định kỷ luật; bị kỷ luật cách chức trong vòng 01 năm (12 tháng) kể từ ngày có quyết định không được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn. Công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa được xem xét bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn.
 
Chương III
BỔ NHIỆM LẠI
 
Điều 6. Yêu cầu đối với việc bổ nhiệm lại
1. Khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định, phải xem xét có hay không bổ nhiệm lại.
Những công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý sau khi bổ nhiệm, vì những lý do cụ thể như: sức khỏe không đảm bảo, uy tín giảm sút, không phù hợp với điều kiện làm việc, sinh hoạt, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước… thì cần xem xét, thay thế kịp thời, không chờ hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm.
2. Việc bổ nhiệm lại được tiến hành từng bước, đúng quy định và yêu cầu của cơ quan, đảm bảo sự ổn định và hiệu quả thiết thực.
 
Điều 7. Điều kiện xem xét, bổ nhiệm lại
1. Hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn giữ chức vụ và vẫn đủ tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
2. Cơ quan có yêu cầu.
3. Đủ sức khỏe để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ cũ.
 
Điều 8. Thẩm quyền quyết định bổ nhiệm lại
1. Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh ra quyết định bổ nhiệm lại công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
2. Việc bổ nhiệm lại đối với những công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tính đến tuổi nghỉ hưu không còn đủ thời gian công tác 05 năm như sau:
- Trường hợp còn từ 02 năm công tác trở lên phải thực hiện quy trình bổ nhiệm lại theo quy định.
- Trường hợp còn dưới 02 năm công tác nếu đủ sức khỏe, uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh xem xét, quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ cho đến đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm lại.
3. Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý không được bổ nhiệm lại sẽ được bố trí công tác khác.
 
Điều 9. Thủ tục bổ nhiệm lại
1. Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý làm báo cáo tự nhận xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ.
2. Tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; trưởng, phó các phòng, ban, trung tâm và đảng viên trong Đảng bộ tham gia ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm (bằng phiếu kín) đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được đề nghị bổ nhiệm lại (thành phần như nêu tại bước 4, Điều 3 Quy định này).
3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh nhận xét, đánh giá và đề xuất ý kiến có bổ nhiệm lại hay không. Tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh thảo luận, xem xét, bỏ phiếu kín quyết định. Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được trên 50% số người được triệu tập ở các hội nghị đồng ý thì quyết định bổ nhiệm lại; trường hợp từ 50% trở xuống đồng ý thì Chánh Văn phòng UBND tỉnh xem xét, quyết định.
 
PHẦN II
ĐIỀU ĐỘNG, LUÂN CHUYỂN
  
Chương IV
ĐIỀU ĐỘNG CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ VÀ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
 
Điều 10. Mục đích, yêu cầu
Việc điều động công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải căn cứ yêu cầu công tác, nhiệm vụ chính trị, quy hoạch cán bộ nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo nên sự đồng bộ trong đội ngũ công chức, viên chức.
 
Điều 11. Đối tượng, phạm vi, thẩm quyền và trách nhiệm
1. Đối tượng:Công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được điều động do yêu cầu công tác theo quyết định của tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.
2. Phạm vi:Điều động công chức, viên chức giữa các phòng, ban, trung tâm trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh.
3. Thẩm quyền:Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh quyết định điều động công chức, viên chức.
4. Trách nhiệm: Các phòng, ban, trung tâm trực thuộc và cá nhân công chức, viên chức điều động phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định điều động công chức, viên chức.
 
Điều 12. Quy trình điều động
1. Căn cứ quy hoạch cán bộ, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường công chức, viên chức, Phòng Hành chính – Tổ chức tham mưu lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý:
- Lập danh sách công chức, viên cần điều động trình lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh phê duyệt.
- Biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng công chức, viên chức.
2. Quy trình điều động: Thực hiện như trường hợp bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý từ nguồn nhân sự nơi khác; trường hợp điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn thì thực hiện quy trình như đối với bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý từ nguồn nhân sự tại chỗ quy định tại Điều 3 Quy định này.
  
Chương V
 
LUÂN CHUYỂN CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
 
Điều 13. Mục đích, yêu cầu
1. Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; tạo điều kiện cho công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ, có triển vọng; công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn, tạo nguồn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý lâu dài.
 
2. Kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.
3. Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và kết hợp với bố trí công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
 
Điều 14. Quan điểm, nguyên tắc
1. Công tác luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Văn phòng, Chánh Văn phòng và Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, chuẩn bị đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý kế cận.
2. Luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, thường xuyên, liên tục; phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp, bố trí, sử dụng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
3. Bố trí cân đối, hài hoà giữa luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý với việc phát triển nguồn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tại chỗ. Nói chung, chỉ luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển công chức, viên chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
4. Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác tốt; quan tâm lựa chọn, phát hiện công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ có năng lực nổi trội.
5. Việc luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải có kế hoạch cụ thể và có lộ trình từng bước thực hiện; đồng thời quản lý, giám sát đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển.
6. Việc xem xét, bố trí công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các phòng, ban, trung tâm trực thuộc gắn với trách nhiệm cá nhân của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển và kết quả nhận xét, đánh giá công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
 
Điều 15. Phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển
1. Đối tượng:Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch; trưởng các phòng, ban, trung tâm không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ.
2. Phạm vi:Luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý giữa các phòng, ban, trung tâm.
3. Chức danh bố trí luân chuyển
- Đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đã giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng.
- Đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện chủ yếu bố trí làm cấp phó.
 
Điều 16. Tiêu chuẩn, điều kiện
1. Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực và triển vọng phát triển; về cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí chức danh luân chuyển theo quy định.
2. Đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 09/5/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quy định điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với cấp Trưởng, Phó các đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
2. Có trong quy hoạch, có trình độ chuyên môn, đủ sức khoẻ công tác theo tiêu chuẩn chức danh.
3. Còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm) đối với nữ, 3 nhiệm kỳ (15 năm) đối với nam, tính từ thời điểm luân chuyển; cán bộ luân chuyển để bố trí không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp phải đủ thời gian công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ.
 
Điều 17. Thẩm quyền, trách nhiệm
1. Thẩm quyền: Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh quyết định luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
2. Trách nhiệm
- Lãnh đạo Văn phòng: Lãnh đạo xây dựng kế hoạch luân chuyển; thực hiện quy trình, thủ tục bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; quản lý, đánh giá, nhận xét, bố trí, phân công công tác đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý sau luân chuyển.
- Phòng Hành chính – Tổ chức: Tham mưu xây dựng kế hoạch luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; thực hiện quy trình, thủ tục; nhận xét, đánh giá, đề xuất, bố trí, phân công công tác đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý sau luân chuyển.
- Các phòng, ban, trung tâm và cá nhân công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
 
Điều 18. Kế hoạch, quy trình, hồ sơ luân chuyển
1. Kế hoạch
Căn cứ quy hoạch cán bộ, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Kế hoạch phải làm rõ các nội dung cơ bản: Nhu cầu, vị trí luân chuyển; hình thức luân chuyển; thời hạn luân chuyển; dự kiến phương án bố trí công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý sau luân chuyển...
Trên cơ sở kế hoạch, lập danh sách công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển và nêu biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
2. Quy trình
Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, lãnh đạo Văn phòng tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của cơ quan; xây dựng kế hoạch luân chuyển.
Bước 2: Căn cứ vào kế hoạch, chủ trương luân chuyển, thông báo để các phòng, ban, trung tâm đề xuất nhân sự luân chuyển.
Bước 3: Tổng hợp đề xuất của các phòng, ban, trung tâm; Phòng Hành chính – Tổ chức tiến hành tham mưu rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến vị trí và nhân sự luân chuyển. Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.
Bước 4: Phòng Hành chính – Tổ chức thẩm định nhân sự và tổng hợp kết quả thẩm định báo cáo tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh. Tham mưu lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh trao đổi thống nhất với phòng, ban, trung tâm nơi công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đi và nơi công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đến về dự kiến chức danh và nhân sự luân chuyển; trao đổi với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dự kiến luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển.
Bước 5: Phòng Hành chính – Tổ chức trình lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh xem xét, quyết định và chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định và các công việc cần thiết khác). Trường hợp luân chuyển bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn thực hiện quy trình như trường hợp bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý từ nguồn nhân sự tại chỗ quy định tại Điều 3 Quy định này.
3. Hồ sơ luân chuyển: Tương tự như hồ sơ bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý theo quy định hiện hành.
 
Điều 19. Thời gian luân chuyển
Ít nhất là 3 năm (36 tháng), trường hợp đặc biệt do lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh xem xét, quyết định.
  
Điều 20. Nhận xét, đánh giá đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển
1. Tập thể lãnh đạo Văn phòng, Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác và uy tín; quá trình công tác và ưu, khuyết điểm của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; có kết luận về tiêu chuẩn chính trị theo Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng và xem xét, quyết định luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
2. Định kỳ 6 tháng, hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo Văn phòng , tập thể lãnh đạo phòng, ban, trung tâm, chi bộ nơi có cán bộ luân chuyển đến tiến hành nhận xét, đánh giá công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển theo các tiêu chí quy định; Phòng Hành chính – Tổ chức tổng hợp báo cáo tập thể lãnh đạo Văn phòng theo quy định.
3. Nhận xét, đánh giá khi hết thời gian luân chuyển
- Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển tự kiểm điểm về quá trình công tác trong thời gian luân chuyển.
- Tập thể lãnh đạo phòng, ban, trung tâm, chi bộ có công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển đến nhận xét, đánh giá công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển trong thời gian công tác.
- Tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh nhận xét, đánh giá về công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển.
4. Tập thể lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm về nhận xét, đánh giá và kết luận của mình đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển.
 
Điều 21. Kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm
Lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm, các chi bộ trực thuộc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển theo quy định; đề xuất khen thưởng, biểu dương đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý làm tốt và đề nghị có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với những cá nhân vi phạm.
Công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển phải kịp thời bố trí công tác khác cho phù hợp.
 
PHẦN III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
 
Điều 22. Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm trực thuộc có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định này.
  

 
Huy Dương
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín   (16/11/2018)
  • Nhập, đăng tải công khai hồ sơ Danh mục TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC   (08/11/2018)
  • Hướng dẫn một số nội dung tuyên truyền tháng 11/2018. Hướng dẫn về nâng cao chất lượng SH chi bộ   (05/11/2018)
  • Kiện toàn Hội đồng sáng kiến Văn phòng UBND tỉnh   (05/11/2018)
  • Kiện toàn Hội đồng Thi đua, khen thưởng Văn phòng UBND tỉnh   (05/11/2018)
  • Tham gia ý kiến vào dự thảo Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT: Phần mềm QLVB&ĐH điện tử tỉnh   (23/10/2018)
  • Nhập, đăng tải công khai Danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông vận tải   (18/10/2018)
  • Đánh giá thực hiện mua sắm tập trung   (15/10/2018)
  • Nộp hồ sơ sáng kiến năm 2018   (08/10/2018)
  • Ý kiến xem xét đề nghị xây dựng quyết định của UBND tỉnh   (08/10/2018)
  • Bàn giao lại nhà ở tạm cán bộ công chức HĐND-UBND tỉnh   (08/10/2018)
  • Một số nội dung tuyên truyền tháng 10/2018 và quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 07-QĐi/TW   (03/10/2018)
  • Tham gia ý kiến dự thảo VB sửa đổi, bổ sung QĐ số 38/2014/QĐ-UBND ngày 01/12/2014 của UBND tỉnh   (02/10/2018)
  • Đánh giá phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính tại UBND huyện Tam Đường   (24/09/2018)
  • Triển khai Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2018   (20/09/2018)