Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ thông tin (CNTT) cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.
Ứng dụng CNTT giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, làm cho nội dung công tác quản lý nhà nước ngày càng minh bạch hơn, người dân dễ tiếp cận với thông tin và tri thức. Việc ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính (CCHC) trong các cơ quan nhà nước đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của doanh nghiệp và công dân.
Cán bộ, CCVC Văn phòng tham gia tập huấn Quy chế 42 của Chính phủ (quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên môi trường mạng)
Những năm qua Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu đã nghiêm túc triển khai thực hiệnthực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020; đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Từ đó đã giúp "Giải quyết công việc đúng luật, đơn giản, thuận lợi, công khai".
Để thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng UBND tỉnh đã triển khai, quán triệt, tuyên truyền kịp thời các văn bản của Trung ương, của tỉnh, cơ quan về công tác cải cách hành chính đến toàn thể CBCCVC và người lao động; lãnh đạo xây dựng Kế hoạch CCHC giai đoạn và hàng năm của cơ quan. Trong đó, tập trung vào 6 nội dung: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính. Đồng thời, tăng cường tối đa ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành của UBND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh; 100% văn bản gửi Chính phủ, Văn phòng Chính phủ được thực hiện dưới dạng điện tử thông qua ứng dụng chữ ký số. Duy trì và sử dụng có hiệu quả mạng thông tin nội bộ (mạng LAN) và phần mềm quản lý văn phòng trong trao đổi và xử lý công việc, triển khai mô hình một cửa điện tử theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn; nâng mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc phục vụ đạt tối thiểu 80%.
Ứng dụng CCTT trong cấp nhật văn bản tại Trung tâm TH-CB
Áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan. Văn phòng UBND tỉnh đã xây dựng 10 quy trình và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VN ISO 9001:2008 như: Xây dựng chương trình công tác của UBND tỉnh; Tổ chức họp UBND tỉnh; Xây dựng, triển khai và tổng hợp báo cáo thực hiện chương trình công tác của UBND tỉnh; Quản lý tài sản, trang thiết bị; Tạm ứng, thanh quyết toán; Giải quyết khiếu nại tố cáo…Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc, phục vụ UBND, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành.
Đồng chí Lê Thanh Hải - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo về chất lượng đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện công tác CCHC của Văn phòng UBND tỉnh: “Từ việc triển khai có hiệu quả công tác CCHC mà Văn phòng đã bố trí CCVC vào từng vị trí phù hợp với trình độ chuyên môn và năng lực, sở trường; tổ chức bộ máy cơ quan thường xuyên được kiện toàn và hoàn thiện theo chỉ đạo của cấp trên đảm bảo đúng với chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, xây dựng được đội ngũ CBCCVC có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong việc tham mưu”.
Những năm qua đơn vị đã tăng cường ứng dụng CNTT để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Việc ứng dụng CNTT tại Văn phòng UBND tỉnh đã giúp xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ để lưu trữ và tìm kiếm văn bản thuận lợi, nhanh chóng, chính xác. Toàn bộ quá trình xử lý văn bản đều được cập nhật trên mạng nên Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng và lãnh đạo các phòng có thể theo dõi, kiểm soát việc xử lý văn bản của từng cán bộ, công chức. Đặc biệt, Văn phòng đã trang bị thiết bị để áp dụng chữ ký số cho lãnh đạo và các cán bộ, công chức có liên quan.
Văn phòng UBND tỉnh cũng đã triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ nhiệm vụ, kế hoạch CCHC trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể là: Cải cách về thể chế; về tổ chức bộ máy; về công chức, công vụ; về hiện đại hóa nền hành chính; triển khai đầy đủ, đồng bộ các nội dung CCHC. Đến nay, 100% văn bản gửi nội bộ cơ quan đều được khai thác trên phần mềm phục vụ tốt nhu cầu tra cứu văn bản và đặc biệt hạn chế việc phô tô văn bản, tiết kiệm giấy mực. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản trước khi ban hành đã được thực hiện tốt. 100% văn bản của UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh trước khi ban hành đều được kiểm tra, rà soát về thể thức, kỹ thuật trình bày đảm bảo theo đúng quy định. Toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh đều được Văn phòng UBND tỉnh áp dụng hệ thống quy trình giải quyết công việc theo CTVN ISO 9001:2008. Việc áp dụng CTVN ISO 9001:2008 trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và kết hợp CNTT đã góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu CCHC. Các quy trình được cụ thể hóa, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, công chức. Qua đó, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mang lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30c/NQ-CP, hướng tới mục tiêu xây dựng “Văn phòng điện tử”, đồng chí Nguyễn Sỹ Cảnh - Quyền Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết về những giải pháp: “Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, phối hợp với các cơ quan chuyên môn rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp; Thực hiện nghiêm túc quy trình soạn thảo văn bản và ban hành văn bản Quy phạm pháp luật theo đúng quy định của Nhà nước. Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, ban hành chức năng, nhiệm vụ các phòng, bố trí CB,CCVC phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường. Thời gian tới, đơn vị cũng sẽ ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử, trước tiên là triển khai trong trao đổi thư điện tử, giấy mời họp và các văn bản, tài liệu phục vụ cho các cuộc họp trực tuyến”.
Trong thời gian tới Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong CCHC trong toàn tỉnh. Đặc biệt trọng tâm sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2016 - 2020, góp phần tích cực vào quá trình cải cách hành chính của toàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục tập trung rà soát, đơn giải hóa các thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công vụ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động, đặc biệt là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Triển khai tích hợp Mã số Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cùng các biểu mẫu tác nghiệp một cửa, một cửa liên thông lên Phần mềm một cửa điện tử. Ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thông tin quản lý cán bộ, công chức, viên chức tỉnh; Quy định quản lý sử dụng chứng thư số chuyên dùng trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh; Quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh để tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin.
Hoàn thiện Phiếu đánh giá, xếp loại mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh năm 2015. Phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh tin học hóa văn phòng và một số dịch vụ hành chính công trực tuyến.