Định hướng phát triển
Thứ bảy 30/11/2024
TP Hồ Chí Minh hướng tới bước đột phá về công nghệ cao
 
(Chinhphu.vn) - TP Hồ Chí Minh đang tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển biến về chất theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học, công nghệ cao.

Công nhân của công ty Nidec đang làm việc tại Khu công nghệ cao TPHCM. - Ảnh: DĐDN

Thêm nhiều dự án lớn

Thời gian qua, tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế TP của các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học, công nghệ cao luôn tăng dần. Năm 2010, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 54,5% với tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung cả nước, nhất là các ngành dịch vụ cao cấp có lợi thế cạnh tranh, có chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Sau sự kiện các tập đoàn Intel (Hoa Kỳ), Sanyo, Nidec (Nhật Bản)… đầu tư vào TPHCM, phát triển những ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ tạo giá trị gia tăng cao với quy mô dự án hàng tỷ USD, bước sang năm 2011, tập đoàn sản xuất công nghệ cao hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ First Solar trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tái tạo tiếp tục đầu tư vào TPHCM dự án sản xuất các modul quang điện mặt trời với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD.
Dự kiến đầu năm Tân Mão, Công ty CP Cao su Thống Nhất (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) - được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu cả nước về ngành công nghiệp phụ trợ sẽ khánh thành nhà máy sản xuất phụ tùng cao su kỹ thuật cao tại Củ Chi…
Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) đã thu hút được các tập đoàn, công ty công nghệ cao có uy tín từ các khu vực phát triển công nghệ cao mạnh nhất thế giới của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật; tạo ra được “hình ảnh” SHTP, một địa chỉ đáng tin cậy trong thu hút đầu tư công nghệ cao.
Với hàng loạt dự án trong và ngoài nước đã và đang thực hiện của các tập đoàn lớn, dự án sản xuất chip điện tử của Trường ĐH Quốc gia TPHCM hay những kết quả đạt được bước đầu hoạt động của Công viên phần mềm Quang Trung, Khu nông nghiệp kỹ thuật cao, ngành y tế kỹ thuật cao…, có đủ cơ sở để tin rằng ngành công nghiệp TP sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở những năm tiếp theo.
Phấn đấu đạt mức trung bình tiên tiến của khu vực
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết, mục tiêu phát triển KHCN của TP đến năm 2020 là tạo bước phát triển đột phá nhằm nâng cao trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học, sáng tạo và đổi mới công nghệ; tăng tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của TP đạt mức trung bình tiên tiến trong khu vực đến năm 2020.
Từ đó, TP đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như nghiên cứu cơ sở khoa học để giải quyết những vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, nông thôn của một đô thị đang phát triển, trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa… nhằm xây dựng TP văn minh, hiện đại ngang tầm với các TP lớn trong khu vực
Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ để phát triển các sản phẩm trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ cao nhằm nội địa hóa công nghệ, tiến tới làm chủ và triển khai ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa công nghiệp và nông nghiệp, TP sẽ tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động KHCN theo hướng thị trường, gắn kết chặt chẽ KHCN với sản xuất, kinh doanh và đào tạo, trong đó DN đóng vai trò là trung tâm ứng dụng, đổi mới công nghệ, tiếp thu có chọn lọc các tri thức khoa học và công nghệ nước ngoài để phát triển các loại hình dịch vụ KHCN.
TP cũng sẽ tập trung vào các chương trình trọng điểm về công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ sinh học, tự động hóa, năng lượng và vật liệu mới, đưa vào hoạt động có hiệu quả các khu công nghệ cao, các KCN-KCX chuyên ngành, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu y tế kỹ thuật cao, vườn ươm DN công nghệ…
Ngoài ra, sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngang tầm với các nước trong khu vực, có chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả lực lượng trí thức khoa học- công nghệ trong và ngoài nước.
TP sẽ tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó tiếp tục “thông nghẽn” trong cải cách thủ tục hành chính vì hiện nay còn nhiều nơi, nhiều chỗ thực hiện vấn đề này chưa phải là tốt. Ông Lê Hoàng Quân lấy ví dụ, với dự án sản xuất các modul quang điện mặt trời công nghệ màng mỏng của First Solar, các thủ tục đầu tư được thực hiện chỉ trong 4 tháng, tạo được ấn tượng tốt ngay từ ban đầu với nhà đầu tư nước ngoài.


 
Theo Chinhphu.vn
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Kinh tế tư nhân có cơ hội mới   (04/02/2011)
  • Chấn chỉnh việc cấp GCN đầu tư dự án thép ở địa phương   (01/02/2011)
  • Nên cải biến cách ăn tết   (30/01/2011)
  • Thủ tướng chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện   (28/01/2011)
  • Tăng cường phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm   (27/01/2011)
  • Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân 2011   (25/01/2011)
  • Kiềm chế lạm phát: Khó cũng phải làm   (21/01/2011)
  • Cách nào Việt Nam thành nước có thu nhập cao?   (16/01/2011)
  • Trước mắt chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu   (15/01/2011)
  • Niềm tin triển vọng tươi sáng kinh tế Việt Nam năm 2011   (13/01/2011)
  • 7 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011   (11/01/2011)
  • Nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển KT - XH 2011-2020 và nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011   (03/01/2011)
  • Đưa đồng bào dân tộc thiểu số bắt nhịp hiện đại hóa đất nước   (21/12/2010)
  • Khai thác tiềm năng thủy điện: Cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế   (20/12/2010)
  • Nuôi trồng thủy sản - khai thác hiệu quả vùng ngập lòng hồ thủy điện   (20/12/2010)