Định hướng phát triển
Thứ bảy 30/11/2024
Tăng cường phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
 
(Chinhphu.vn) - Cục Thú y cho biết, dịch tai xanh trên lợn và dịch cúm gia cầm cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, dịch lở mồm long móng vẫn còn diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm hai tỉnh mới là Hòa Bình và Nghệ An có dịch lở mồm long móng.
Ảnh minh họa

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 2 tuần qua (từ 11/1-25/1), đã có thêm 2 tỉnh phát sinh dịch lở mồm long móng là Nghệ An và Hòa Bình, đáng lo ngại là tại các địa phương đang có dịch vẫn phát hiện thêm gia súc bệnh, cụ thể:

Tại Lạng Sơn, từ ngày 4-22/1/2011, dịch lở mồm long móng đã được phát hiện ở 49 xã mới nâng tổng số xã có dịch lên 102 xã thuộc 11/11 huyện, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh đến là 3.360 con, trong đó chết và tiêu hủy 295 con (gồm 136 trâu, 11 bò và 148 lợn).
Tại Bắc Kạn, từ ngày 5-19/1/2011, dịch tiếp tục được phát hiện thêm tại 8 xã mới thuộc các huyện Na Rì và Ngân Sơn nâng tổng số xã có dịch lên 11 xã thuộc 3 huyện: Chợ Mới, Na Rì và Ngân Sơn. Tổng số gia súc mắc bệnh là gần 470 con trâu, bò và 31 lợn.
Riêng tại Nghệ An, dịch đã xảy ra tại xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp làm 12 con trâu và 8 con bò mắc bệnh. Tại tỉnh Hòa Bình, dịch lở mồm long móng xảy ra ở 6 xã gồm Yên Lập, Yên Thượng, Tây Phong, Xuân Phong, Bình Thanh và thị trấn Cao Phong làm 114 con bò mắc bệnh. Hai tỉnh trên đang triển các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Như vậy, tính đến nay cả nước còn 14 tỉnh là Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Phú Yên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An vàHòa Bình có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần yêu cầu, các tỉnh có dịch và tỉnh giáp ranh tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ; kiểm dịch nội địa cũng như qua biên giới; tăng cường giám sát chủ động đến tận hộ chăn nuôi nhằm quản lý tốt đàn gia súc mắc bệnh. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đề nghị, Cục Thú y sớm hoàn thiện dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn năm 2011-2015 để trình Bộ phê duyệt.
Thực tế cho thấy, dịch lở mồm long móng còn diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát là do các biện pháp phòng chống dịch ở một số tỉnh còn chưa quyết liệt, số trâu bò thả rông không được quản lý chặt chẽ còn nhiều.
Dịch lở mồm long móng xuất hiện tại 2 khu vực chính là miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung Tây Nguyên. Như vậy, các ổ dịch xuất hiện liên tiếp tại 2 khu vực này thời gian qua cho thấy dịch vẫn đang có dấu hiệu lây lan. Theo Cục Thú y, nguyên nhân chủ yếu là các hoạt động bán chạy gia súc, vận chuyển gia súc mang mầm bệnh bất hợp pháp, cộng với thời tiết lạnh cũng làm giảm sức đề kháng của gia súc.
Cục Thú y khuyến cáo các địa phương, trong điều kiện thời tiết vẫn còn rét đậm, rét hại cần tăng cường các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là giữ ấm cho đàn gia súc.
Liên quan đến công tác phòng chống rét, chống đói cho gia súc, Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTPT có Công điện ngày 25/1 yêu cầu Sở NNPTPT từ Thừa Thiên Huế trở ra trực và báo cáo thiệt hại do rét đậm rét hại trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão. 
Đồng thời yêu cầu, các tỉnh tiếp tục chỉ đạo và thực hiện phòng chống rét cho gia súc theo Công văn và Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT trước đó. 
Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các Sở NNPTNT thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT phối hợp cập nhật số liệu để Bộ có các biện pháp chỉ đạo và trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ thiệt hại do rét đậm rét hại vụ Đông Xuân 2010-2011.


 
Theo Chinhphu.vn
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân 2011   (25/01/2011)
  • Kiềm chế lạm phát: Khó cũng phải làm   (21/01/2011)
  • Cách nào Việt Nam thành nước có thu nhập cao?   (16/01/2011)
  • Trước mắt chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu   (15/01/2011)
  • Niềm tin triển vọng tươi sáng kinh tế Việt Nam năm 2011   (13/01/2011)
  • 7 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011   (11/01/2011)
  • Nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển KT - XH 2011-2020 và nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011   (03/01/2011)
  • Đưa đồng bào dân tộc thiểu số bắt nhịp hiện đại hóa đất nước   (21/12/2010)
  • Khai thác tiềm năng thủy điện: Cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế   (20/12/2010)
  • Nuôi trồng thủy sản - khai thác hiệu quả vùng ngập lòng hồ thủy điện   (20/12/2010)