Định hướng phát triển
Thứ bảy 30/11/2024
Kiềm chế lạm phát: Khó cũng phải làm
 

Việc kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2011 không quá 7% như Nghị quyết của Quốc hội rất khó khăn. “Nhưng khó cũng phải quyết tâm thực hiện”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.
Tuần sau, Tổng cục Thống kê mới công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 1.2011, tuy nhiên, với những diễn biến giá cả trên thị trường, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, mức tăng CPI tháng 1 sẽ thấp hơn tháng 12.2010 nhưng vẫn ở mức khá cao, ước tăng 1,5-1,8%, thấp hơn mức tăng 1,98% của tháng 12.2010.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Võ Hồng Phúc, việc kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2011 không quá 7% như Nghị quyết của Quốc hội rất khó khăn. “Nhưng khó cũng phải quyết tâm thực hiện”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.
Cùng với Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính là một trong những cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc kiềm chế lạm phát, vì vậy Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng tỏ ra rất thận trọng khi đưa ra nhận định: “Kiềm chế lạm phát tối đa không quá 7% trong năm nay là bài toán vô cùng phức tạp”.
Cụ thể, chỉ tính đến các yếu tố khách quan, nhiều dự báo cho thấy, CPI thế giới năm 2011 có xu hướng tăng cao hơn so với năm 2010 do nhiều nguyên nhân như kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng phục hồi mặc dù tốc độ tăng trưởng có thấp hơn so với năm 2010 (theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 thấp nhất cũng đạt 3,1%, nhiều khả năng tăng 3,3 - 4%).
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như trên, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2011, CPI của các nước phát triển tăng 1,3% còn tại các nước đang phát triển tăng 5,2%. Nhưng nhiều khả năng CPI thế giới sẽ tăng cao hơn dự kiến do Nhật Bản bơm ra thị trường 61 tỷ USD, Mỹ cũng tung ra thị trường 600 tỷ USD để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
“Giá dầu thô hiện tại đã tiến gần đến mốc 100 USD/thùng, so với cùng kỳ năm ngoái, giá hàng hoá phi nhiên liệu tăng 15%; lương thực tăng 25%... nếu cả Mỹ và Nhật Bản cùng quyết tâm “giải cứu nền kinh tế” thì giá nguyên, nhiên, vật liệu sẽ tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến việc kiềm chế CPI của Việt Nam do nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc cũng đồng nghĩa với việc nhập khẩu lạm phát. Đáng lưu ý là, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối phó với lạm phát, nợ chính phủ và bong bóng bất động sản, một khi Trung Quốc thực hiện các giải pháp mạnh để đối phó với những bất cập của nền kinh tế chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế nước ta.”, ông Ninh lo ngại.
Trở lại với tốc độ tăng CPI năm 2010. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đây là năm CPI diễn biến khá bất thường: CPI tăng rất cao trong quý 1, tăng nhẹ trong 5 tháng tiếp theo và tăng mạnh trở lại kể từ tháng 9. Và kết thúc năm, CPI “chốt” lại ở con số 11,75% - phá vỡ mục tiêu tăng không quá 7% mà Quốc hội đã đặt ra, thậm chí còn vượt xa con số tăng 8% được Chính phủ đặt ra hồi tháng 8 và mục tiêu CPI tăng dưới 2 con số được Chính phủ đặt ra hồi tháng 11.
Những nguyên nhân chính gây sức ép lên CPI trong năm qua, theo ông Hoàng, là do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 16,18%, trong đó lương thực tăng 17,96%; thực hiện xã hội hoá giáo dục, hầu hết các địa phương đều điều chỉnh tăng học phí khiến chỉ số giá nhóm hàng giáo dục tăng mạnh (tăng 19,3%); giá xăng dầu nhập khẩu tăng bình quân hơn 28%; khí hoá lỏng tăng 32,6%; dược phẩm tăng 27%; giấy tăng gần 20%... so với năm 2009.
“Ngoài ra, năm qua, giá vàng biến động mạnh (tăng tới 32%) đã tác động trực tiếp tới việc tăng giá tài sản có giá trị lớn, lâu bền và gây tác động tâm lý tới các mặt hàng hoá khác. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng tăng chậm trong 7 tháng đầu năm sau đó tăng mạnh vào những tháng cuối năm đã tăng lượng tiền trong lưu thông. Việc dừng hỗ trợ lãi suất 4% đối với khoản vay ngắn hạn của gói kích cầu năm 2009 kể từ ngày 1.1.2010 khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng. Việc dừng miễn giảm giãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số lĩnh vực… cũng gây tác động đáng kể lên việc kiềm chế lạm phát năm 2010”, ông Ninh phân tích thêm.
Năm 2011 một số áp lực lên lạm phát không còn (như dừng hỗ trợ lãi suất, miễn giảm giãn các loại thuế, tăng học phí…), tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc kiềm chế lạm phát vẫn còn hết sức nan giải, kể cả việc loại bỏ những nhân tố khách quan gây ra lạm phát như giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng do nhu cầu.
Giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam hiện thấp hơn 4.000 - 6.000 đồng/lít so với các nước có chung đường biên giới; giá điện, than, nước sạch, vận chuyển hành khách công cộng… chưa theo giá thị trường. “Giá cả nguyên liệu đầu vào thiết yếu của nền kinh tế không tuân theo quy luật thị trường đã làm méo mó hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều ngành kinh tế. Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ đối với đối tượng chính sách, người nghèo bằng các chính sách khác chứ dứt khoát không bao cấp tràn lan. Phải để thị trường định giá cả hàng hoá, cho dù đó là những hàng hoá đầu vào của nền kinh tế”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo.

“Vì mục tiêu kiềm chế CPI nên năm 2010 phải giữ giá một số mặt hàng, nhất là điện và xăng dầu. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện cơ chế giá thị trường vẫn tiếp tục thực hiện. Cụ thể, trong năm nay, vào thời điểm thích hợp, giá điện, than, nước sạch, đất đai, tài nguyên, cước vận tải hành khách bằng đường sắt, đường hàng không, các dịch vụ công quan trọng như y tế, giáo dục… sẽ thực hiện theo đúng lộ trình”, ông Ninh cho biết và lo ngại: “Giá cả các mặt hàng thiết yếu bị kiềm chế quá lâu, như chiếc lò xo bị nén quá lâu, khi điều chỉnh, nếu không cẩn trọng sẽ tác động rất mạnh tới thị trường”./.

 
Theo Dangcongsan.vn
 print   send mail
Các tin đã đăng