|
Cơ chế hải quan một cửa quốc gia là hệ thống tích hợp cho phép các bên tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nộp hoặc gửi thông tin và chứng từ chuẩn hóa tới một điểm tiếp nhận duy nhất - Ảnh minh họa
|
Cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm Cơ chế hải quan một cửa quốc gia gồm: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan Nhà nước ở địa phương có chức năng, nhiệm vụ cấp phép hoặc giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật (gọi chung là thủ tục hành chính) có liên quan đến việc thông quan hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu.
Đồng thời, thí điểm với các doanh nghiệp có hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu đã tham gia thủ tục hải quan điện tử đáp ứng các điều kiện thực hiện thí điểm Cơ chế hải quan một cửa quốc gia; Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai, thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
8 nội dung thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia
Theo Quyết định này, 8 nội dung thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia gồm:
1- Lựa chọn, công bố danh mục các thủ tục hành chính (TTHC) áp dụng thí điểm Cơ chế hải quan một cửa quốc gia;
2- Khai và tiếp nhận thông tin khai báo về các TTHC thông qua phương tiện điện tử;
3- Phản hồi thông tin và trả kết quả cho cơ quan, đơn vị thực hiện TTHC thông qua phương tiện điện tử kết hợp với việc trả hồ sơ giấy (đối với các thủ tục chưa công nhận hồ sơ điện tử);
4- Trao đổi thông tin về cơ quan, đơn vị thực hiện TTHC cũng như kết quả ra quyết định của các cơ quan, đơn vị thông qua phương tiện điện tử;
5- Thanh toán điện tử đối với các khoản thuế, phí và lệ phí thông qua hệ thống ngân hàng thương mại dựa trên thỏa thuận trao đổi và xử lý thông tin thu, nộp, thanh toán thuế, phí, lệ phí giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan và các Ngân hàng thương mại;
6- Chứng từ điện tử trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước với nhau trên hệ thống hải quan một cửa quốc gia trong việc thực hiện TTHC có giá trị pháp lý như chứng từ giấy;
7- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện trao đổi thông tin về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo Hiệp định ATIGA trong ASEAN và tiến tới công nhận C/O điện tử giữa các nước thành viên ASEAN;
8- Sẵn sàng trao đổi các thông tin cơ bản trên tờ khai hải quan với Hải quan các nước thành viên ASEAN theo khuân dạng thống nhất.
Thời gian, lộ trình thí điểm
Từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2012, xây dựng văn bản pháp lý, quy trình thủ tục; chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan một cửa quốc gia.
Từ tháng 1 đến tháng 12/2013, thí điểm thực hiện ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông vận tải và một số cơ quan Nhà nước ở địa phương thuộc các ngành tài chính, công thương và giao thông vận tải.
Từ tháng 1 đến tháng 12/2014, mở rộng thí điểm thực hiện ở các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan Nhà nước ở địa phương thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường.
Từ tháng 12/2014, tổng kết việc thí điểm và đề xuất phương án triển khai chính thức Cơ chế hải quan một cửa quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
Cơ chế hải quan một cửa quốc gia là hệ thống tích hợp cho phép:
- Các bên tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nộp hoặc gửi thông tin và chứng từ chuẩn hóa tới một điểm tiếp nhận duy nhất.
- Các cơ quan Nhà nước xử lý dữ liệu, thông tin và ra quyết định dựa trên hệ thống các quy trình, thủ tục thống nhất và đồng bộ; ra quyết định và gửi quyết định này tới hệ thống thỏa thuận cung cấp và trao đổi thông tin thống nhất giữa các cơ quan Nhà nước.
- Cơ quan Hải quan ra quyết định cuối cùng về việc thông quan, giải phóng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh căn cứ vào các quyết định của các cơ quan Nhà nước có liên quan được hệ thống chuyển tới kịp thời theo quy định về cung cấp dịch vụ công.
|