Ngày 03/8, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Quyết định số 893/QĐ - UBND phê duyệt Chương trình quốc gia về An toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
|
Mục tiêu tổng quát của chương trình là cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về an toàn – vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn thân thể và tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự bền vững quốc gia.
Cụ thể, trung bình hàng năm: Giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người, tăng 5% cơ sở, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động; tăng thêm 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động; trên 200 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, 200 người làm các nghề, công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và 50 cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp được hỗ trợ huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.
Theo chương trình, đến năm 2015 sẽ có trên 20 làng nghề, 200 hợp tác xã, 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ được phổ biến thông tin phù hợp về an toàn vệ sinh lao động; 100% người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động; 100% số vụ tại nạn lao động chết người được điều tra xử lý. Ngoài ra, các hoạt động của chương trình còn nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động…Cụ thể Chương trình thực hiện sẽ gồm 7 dự án;
Dự án 1 là nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động;
Dự án 2 cải thiện điều kiện lao động trong doanh nghiệp, tập trung giảm thiểu tai nạn lao động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng điện;
Dự án 3 tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn;
Dự án 4 nâng cao chất lượng công tác bảo hộ lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
Dự án 5 tăng cường phòng, chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khoẻ người lao động;
Dự án 6 tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân;
Dự án 7 nâng cao nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về an toàn vệ sinh lao động.
Các hoạt động tổng kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá hiệu quả của chương trình theo từng dự án, UBND tỉnh giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý. Các cơ quan Sở Y tế, Công an tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh có tránh nhiệm phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện. Dự kiến ngân sách thực hiện chương trình là 5.495 triệu đồng, trong đó dự án 1 là 1.310 triệu đồng; dự án 2 là 570 triệu đồng; dự án 3 là 2.985 triệu đồng; dự án 4 là 4.340 triệu đồng; hoạt động quản lý giám sát 280 triệu đồng.