|
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng lao động,
đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
|
Năm 2011, dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn.
Để đẩy mạnh thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 (Đề án) trong năm nay và thời gian tiếp theo, Phó Thủ tướng đặt mục tiêu cho Đề án, năm 2011 phải dạy nghề cho khoảng 500.000 LĐNT, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo.
Đồng thời tiếp tục triển khai làm rõ mô hình thí điểm ở cấp tỉnh, huyện, xã và các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp; tiếp tục nâng tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng cho 7 chức danh chuyên môn ở xã.
Nhân rộng mô hình tỉnh, huyện, xã điểm về dạy nghề cho LĐNT.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là công bố các tiêu chí đánh giá và xét thi đua các địa phương, triển khai thực hiện đánh giá theo tiêu chí; khẩn trương phối hợp với các địa phương thực hiện triển khai xây dựng ở mỗi tỉnh ít nhất một trung tâm dạy nghề mẫu; nhân rộng kết quả mô hình tỉnh, huyện, xã điểm.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải phối hợp với các Bộ liên quan hoàn thành việc xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề của năm 2011 cho các đơn vị tham gia dạy nghề cho LĐNT, trong đó có việc xây dựng chương trình đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực thủy sản, đánh bắt xa bờ tăng kỹ năng nghề gắn với hiểu biết về an ninh, ứng xử ngoại giao, xử lý ảnh hưởng thời tiết, cứu nạn, cứu hộ trên biển.
Được biết, đến nay, sau 1 năm triển khai Đề án, đã có khoảng 345.000 LĐNT được đào tạo dạy nghề, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt khoảng 70%. Trong đó, công tác thí điểm triển khai Đề án ở 11 tỉnh điểm và các huyện điểm, 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới có hiệu quả rõ rệt.