|
Khuyến khích các dự án phát triển điện gió
|
Tại cuộc họp sáng nay, 28/2, Bộ Công Thương cho biết hiện ứng dụng điện gió ở Việt Nam mới ở dạng ban đầu, với tổng công suất lắp đặt khoảng 9 MW, trong đó 7,5 MW đã nối lưới nhưng chưa có giá bán. Các turbin nhỏ quy mô gia đình (150-200 W) chủ yếu lắp đặt ở khu vực ngoài lưới.
Đầu tư điện gió ở Việt Nam còn chưa phát triển do nhiều khó khăn từ điều kiện tự nhiên, thời tiết, công nghệ và đặc biệt là suất đầu tư cao dẫn tới giá thành, giá bán điện cao.
Suất vốn đầu tư điện gió thế giới cũng như ở Việt Nam còn khá cao, mức dao động lớn. Mức cao nhất là 2,77 triệu USD/MW, thấp nhất là 1,77 triệu USD/MW và trung bình là 2,2 triệu USD/MW.
Hiện đang có 21 dự án điện gió quy mô nối lưới đang được nghiên cứu triển khai, phổ biến có công suất 30MW, loại turbin 1,5 MW. Các dự án này tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định và Lâm Đồng - những tỉnh có tiềm năng điện gió với công suất thiết kế khoảng trên 2.000 MW.
Tuy nhiên việc cấp phép, triển khai đến nay vẫn tự phát, do thiếu quy hoạch cụ thể cũng như việc bổ sung quy hoạch điện lực chung của địa phương và khu vực.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cơ chế mới phải làm rõ những cơ chế ưu đãi cụ thể, giúp nhà đầu tư tính toán, triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam có tính khả thi cao. Đưa ra các chính sách hỗ trợ giá điện thu mua, thuế, đất đai… và đặc biệt là việc tạo Quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường– một trong những nguồn thu quan trọng để hỗ trợ sản phẩm năng lượng tái tạo như điện gió nối lưới.
Đặc biệt, cơ chế sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư điện gió nói riêng cũng như các dự án năng lượng tái tạo nói chung, tạo cơ sở để các địa phương, các khu vực quy hoạch được các nguồn năng lượng mới, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch điện lực bao trùm.