Sau hơn hai năm thực hiện, bộ mặt nông thôn ở Lai Châu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang xuất hiện ngày một nhiều, niềm vui hiện rõ trên gương mặt của những người dân ở các xã, thôn, bản trên khắp địa bàn tỉnh.
Để nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tỉnh Lai Châu đã ưu tiên hàng đầu cho công tác tuyên truyền, vận động. Theo đó, tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến huyện, thị xã, 100% các xã triển khai nội dung chương trình NTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống vãn hóa ở khu dân cư” tới toàn thể đảng viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Tổ chức lễ phát động thi đua “ Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Chưa bao giờ phong trào làm đường giao thông, chỉnh trang bộ mặt nông thôn và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư lại phát triển mạnh đến vậy, đã lan tỏa đến tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Tại các địa phương nhân dân đã đoàn kết, đồng lòng tham gia đóng góp tiền của, ngày công để mở đường, xây dựng tường nhà, cổng ngõ, chỉnh trang nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi.
Nhân dân có quyền quyết định việc tổ chức thực hiện và cách thức đóng góp nên hầu hết bà con đều thống nhất góp tiền thuê máy móc và mua vật liệu để đổ bê tông đường liên thôn, vừa làm vừa trực tiếp giám sát nên phần lớn các công trình do nhân dân thực hiện đều bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Các địa phương tiêu biểu đi đầu trong phong trào làm đường giao thông nông thôn là Thị xã Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường, huyện Than Uyên. Tại xã San Thàng, thị xã Lai Châu đến nay đã xây dựng được 86 tuyến đường với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Ở thôn Tây Sơn xã Mường So, huyện Phong Thổ các hộ dân cũng đã sẵn sàng hiến hàng trăm mét đất, tham gia đóng góp hơn 1.000 ngày công lao động và hơn 120 triệu đồng để làm cứng hoá giao thông nội thôn.
Có được thành công này là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương đã biết nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân. Phát huy vai trò của các đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng bản, cán bộ mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội trong việc gương mẫu đi đầu thực hiện, nhất là việc đóng góp, hiến đất, giải phóng mặt bằng phục vụ cho xây dựng, chỉnh trang nông thôn mới.
Bởi đây là những người trực tiếp với dân, gần gũi và hiểu khá rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân từ đó có phương thức tuyên truyền, vận động hiệu quả. Hình thức tuyên truyền được dựa trên những việc làm cụ thể phù hợp với thực tiễn nên đã phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả đạt được.
Nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân nên Lai Châu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 92/96 xã được phê duyệt quy hoạch chung nông thôn mới, 92/96 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 2 xã đang xây dựng, 81/96 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được 4 mùa trong năm; 797/1.001 thôn bản có đường xe máy đi lại thuận tiện, xây dựng, tu sửa nâng cấp 297 công trình thủy lợi, 84,3% xã có điện lưới, trên 65% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 93% số xã trên địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động, 61% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông; 40,7% trung tâm xã được kết nối internet. Xây dựng 690 phòng học các cấp, 351 nhà công vụ, với tổng số vốn đầu tư là 274. 433 triệu đồng, đào tạo nghề cho 7.478 người lao động, tỷ lệ đói nghèo khu vực nông thôn giảm từ 38,88% năm 2011 xuống còn 33,87% năm 2012; lương thực bình quân đầu người năm 2011 đạt 429kg/người/năm và năm 2012 đạt 433kg/người/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2011 đạt trên 175,4 nghìn tấn; năm 2012 đạt trên 177,2 nghìn tấn, tăng 1.800 tấn so với năm 2011; đến 31/08/2013 ước tổng sản lượng lương thực đạt 120.760 tấn, đạt 67,4% so với kế hoạch tăng 36.290 tấn so với cùng kỳ năm 2012.
Hiện nay, tất cả các huyện trong tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm đầu tư, trung tâm dạy nghề của tỉnh đã phối hợp mở nhiều lớp đào tạo nghề như: sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi thú y...
Về y tế, tất cả các xã đều đạt tiêu chí tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế. Việc chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương luôn được quan tâm, thực hiện tốt.
Mặc dù quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu vẫn còn nhiều lúng túng, song với sự quyết tâm cao các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã và đang từng bước tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn các xã trong quá trình thực hiện. Tập trung các nguồn lực cho các xã điểm để sớm đạt các tiêu chí về nông thôn mới. Tiếp tục vận động tuyên truyền huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, các tổ chức cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.