Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ sáu 29/11/2024
Kinh tế - Xã hội, AN-QP tỉnh Lai Châu 9 tháng đầu năm 2012.
 
1. Phát triển kinh tế.
 
Tổng sản phẩm (GDP) 9 tháng đầu năm ước đạt 1.040 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994), tăng 13,16% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khu vực nông – lâm  - ngư nghiệp tăng 6,5%, công nghiệp xây dựng tăng 16,9%, khu vực dịch vụ tăng 15%.
 
1.1. Sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản.
 
Triển khai kế hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản gặp một số khó khăn như: Đầu năm gặp khô hạn, rét đậm, dịch bệnh xuất hiện trên cây trồng, vật nuôi, các yếu tố đầu vào của sản xuất tăng cao như giống, vật tư, phân bón… UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành có giải pháp kịp thời khắc phục khó khăn, hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nên các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp hầu hết đều đạt khá và tăng so với cùng kỳ năm trước.
 
a. Về Nông nghiệp:
 
Sản xuất lương thực: Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 83.992 tấn, bằng 51% kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa gieo cấy 24.603 ha, thu hoạch 7.270 ha, sản lượng ước đạt 37.070 tấn, bằng 32% kế hoạch. Tổng diện tích cây ngô gieo trồng 20.070 ha, vượt kế hoạch 4%, đã thu hoạch 18.346 ha, sản lượng ước đạt 46,9 nghìn tấn, bằng 93,2% kế hoạch.
 
Công tác phòng trừ và dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng được theo dõi và bám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm phát sinh một số loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa, ngô như: rầy, đạo ôn, rệp, bọ xít... với tổng diện tích bị nhiễm sâu bệnh 8.072 ha, phòng trừ 6.311 ha.
 
Cây ngắn ngày: Đã trồng 1.272 ha lạc; 1.401 ha đậu tương; 1.062 ha cây bông (trong đó: dự án bông của công ty bông Miền Bắc trồng 283 ha, đạt 40% kế hoạch, dân tự trồng 788 ha).
 
Cây công nghiệp dài ngày: Thu hái 15.787 tấn chè búp tươi, đạt 84% kế hoạch. Ngay từ đầu năm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động làm đất và chuẩn bị giống, nên diện tích chè trồng mới đạt 136 ha, vượt 36% kế hoạch và tăng 98 ha so với năm trước. Trồng mới 1.025 ha cây cao su, đạt 103% kế hoạch; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn, tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam về phát triển cây cao su trên địa bàn 2 huyện Tân Uyên, Than Uyên; chuẩn bị trồng mẫu khoảng 10 ha cây cao su tại huyện Than Uyên. Trồng mới 200 ha cây thảo quả, đưa diện tích thảo quả trên địa bàn toàn tỉnh lên 5.170 ha.
 
Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc ước đạt 318.936 con, bằng 88% kế hoạch, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; gia cầm ước đạt 912,3 nghìn con, bằng 82% kế hoạch; tổng sản lượng thịt hơi ước đạt 4.596 tấn, bằng 49% kế hoạch. Do ảnh hưởng của thời tiết, vệ sinh môi trường chăn nuôi của một số hộ nông dân đã phát sinh bệnh lợn tai xanh, tụ huyết trùng... ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, làm 1.147 con mắc bệnh; chữa khỏi 316 con, chết và tiêu hủy 831 con. Các cơ quan chức năng đã khoanh vùng, dập bệnh, không để lây lan trên diện rộng, đến nay tình hình dịch bệnh đã cơ bản ổn định.
 
b. Sản xuất lâm nghiệp:
 
Công tác phát triển lâm nghiệp: Tập trung giao khoán, chăm sóc, trồng mới rừng. Đến nay chăm sóc 2.320 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh 40.755 ha; trồng mới 1.786 ha rừng, đạt 120% kế hoạch, trong đó: Rừng phòng hộ 239,6ha, đạt 30% kế hoạch; trồng rừng sản xuất 1.546,7ha, vượt kế hoạch 127%.
 
Công tác quản lý bảo vệ rừng: Công tác PCCCR, tuyên truyền bảo vệ rừng được các cấp, các ngành triển khai thực hiện tích cực bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên những tháng mùa khô vẫn xảy ra 24 vụ cháy rừng làm thiệt hại 53,6 ha (trong đó: Rừng trồng 9,3 ha, rừng tự nhiên 44,3 ha), 18 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng làm thiệt hại 595,2 ha. Công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản và xử lý vi phạm Luật BV&PTR tiếp tục được duy trì, phát hiện và xử lý 166/202 vụ vi phạm.
 
c. Về thủy sản: Tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch nuôi cá nước lạnh giai đoạn 2012 - 2020. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đánh bắt, khai thác thủy sản trên các hồ; chăm sóc nuôi vỗ chuyển hoá đàn cá bố mẹ để phục vụ cho quá trình sản xuất giống. Tổng diện tích ao nuôi ư­ớc đạt 605 ha. Sản lư­ợng khai thác và nuôi trồng ước đạt 1.205 tấn, tăng 244 tấn so với cùng kỳ năm trước; tổng thể tích nuôi cá nước lạnh 30.100 m3, sản lượng ước đạt 175 tấn, bằng 63% kế hoạch.
 
d. Về xây dựng nông thôn mới; phát triển chương trình, dự án nông nghiệp
 
Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng NTM; thực hiện lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án khác để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các xã. Đến nay đã có 6/7 huyện thị ban hành Nghị quyết về Chương trình XDNTM; phê duyệt quy hoạch chung 46/93 xã và đề án 9/93 xã; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch chung 21 xã và đề án xây dựng nông thôn mới 39 xã. Công tác lập, thẩm định quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới còn chậm, nguyên nhân do việc xác định theo các tiêu chí và nguồn lực của địa phương để xây dựng đề án gặp nhiều khó khăn.
 
Cùng với việc triển khai xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã thực hiện một số chương trình, dự án nông nghiệp như: Mô hình thí điểm đưa lúa Đông xuân lên vùng cao tại 2 xã Tả Lèng, Sơn Bình; dự án sản xuất lúa lai F1 tại huyện Tam Đường; phát triển vùng sản xuất rau màu, thực phẩm hàng hóa tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè.
 
1.2. Sản xuất công nghiệp
 
Sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, lãi suất có giảm nhưng vẫn còn cao, chi phí đầu vào tăng (đặc biệt là giá xăng, dầu tăng cao trong tháng 7 và tháng 8), hàng hóa tiêu thụ chậm... đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 172,4 tỷ đồng (giá cố định 94), bằng 61% kế hoạch, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do một số nhà máy thủy điện đưa vào hoạt động, trong đó: Khu vực kinh tế nhà nước đạt 26,4 tỷ đồng, bằng 39,2% kế hoạch, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 145,4 tỷ đồng, bằng 67,8% kế hoạch, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 0,64 tỷ đồng, bằng 64% kế hoạch, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè khô các loại 3.093 tấn, đạt 82,6% kế hoạch, tăng 13,6%; điện phát ra 33 triệu kwh, đạt 38,4% kế hoạch, tăng gấp 3,85 lần; nước máy sản xuất 2,2 triệu m3, đạt 61,4% kế hoạch, tăng 5,7%; xi măng 4.414 tấn, đạt 22,1% kế hoạch, tăng 3,86%. Sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Gạch xây dựng 48,6 triệu viên, đạt 65,9% kế hoạch, giảm 5,7%.
 
1.3. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ - ngân hàng
 
a. Thương mại, dịch vụ
 
Hoạt động thương mại, giá cả: Hàng hoá đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.926 tỷ đồng, bằng 86,8% kế hoạch, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Do giá xăng dầu, than, gas, điện, nước được điều chỉnh tăng dẫn đến tăng chi phí đầu vào của các sản phẩm làm cho giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng, như: lương thực, thực phẩm, xi măng, sắt thép xây dựng... Ước chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng 4,16% so với tháng 12 năm 2011. Công tác quản lý giá, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được các lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên, đã xử lý vi phạm 261 vụ, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật tịch thu ước tính trên 419 triệu đồng.
 
Xuất, nhập khẩu: Hoạt động xuất nhập khẩu đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 3,9 triệu USD, bằng 19,2% kế hoạch, giảm 26,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn đạt 2,886 triệu USD, đạt 23,6% kế hoạch, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: giá trị hàng xuất khẩu của địa phương ước đạt 2,1 triệu USD, đạt 29% kế hoạch, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước); giá trị hàng nhập khẩu ước đạt 0,98 triệu USD, bằng 12,3% kế hoạch, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm trước. Đã làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 29.673 lượt người, giảm 5,9%; 784 lượt phương tiện, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
 
Dịch vụ vận tải: Tổng doanh thu từ hoạt động vận tải 8 tháng đầu năm ước đạt 70,5 tỷ đồng. Vận chuyển hành khách ước đạt 630 nghìn người, vượt kế hoạch 2,3 lần; hành khách luân chuyển 16.451 nghìn lượt người.km, vượt kế hoạch 2,2 lần. Khối lượng hàng hoá vận chuyển 610 nghìn tấn, đạt 61% kế hoạch; khối lượng hàng hoá luân chuyển 17.499 nghìn Tấn.Km, đạt 63,7% kế hoạch.
 
Dịch vụ du lịch: Để thúc đẩy phát triển du lịch, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh và đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch, mở rộng hoạt động liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc. Tổng lượt khách du lịch đạt 97.400 lượt khách, bằng 78,5% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu ước đạt 89,2 tỷ đồng, bằng 77,6% kế hoạch, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
 
Dịch vụ bưu chính, viễn thông: Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn luôn đảm bảo thông tin liên lạc, vận chuyển thư báo, tài liệu phục vụ các cấp chính quyền và nhân dân. Chín tháng đầu năm lắp đặt thêm 99 trạm BTS, nâng tổng số trạm BTS trên địa bàn toàn tỉnh lên 547 trạm BTS, tăng 99 trạm so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ Internet tiếp tục phát triển, 7/7 huyện, thị với 34 xã, phường, thị trấn có Internet băng thông rộng với tổng số 7.180 thuê bao, tăng 506 thuê bao so với cùng kỳ năm trước, đạt 90% kế hoạch.
 
b. Hoạt động Tài chính - Ngân hàng
 
 Tài chính: Tổng thu ngân sách địa phương 8 tháng ước đạt 4.472 tỷ đồng, bằng 99% dự toán, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 256 tỷ đồng, bằng 73% dự toán, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2011 (thu nội địa 254 tỷ đồng, bằng 73% dự toán). Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 2.438 tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi thường xuyên ước đạt 1.794 tỷ đồng, bằng 62% dự toán.
 
Hoạt động ngân hàng: Hoạt động của các chi nhánh ngân hàng cơ bản theo đúng định hướng chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước. Tổng huy động vốn đến hết tháng 9/2012 ước đạt 8.470 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cuối năm 2011, trong đó nguồn vốn huy động tại địa phương 2.141 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2011. Tổng dư nợ ước đạt 8.330 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cuối năm 2011. Lãi suất huy động và cho vay từng bước được giảm dần, nợ xấu toàn hệ thống nằm trong kế hoạch. Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP, các ngân hàng đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay về mức tối đa 15%/năm, tập trung giải ngân đối với 04 lĩnh vực ưu tiên, đến ngày 31/8/2012 có 311 doanh nghiệp, 58 hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh đã được vay vốn với tổng số tiền là 6.436 tỷ đồng.
 
1.4. Đầu tư XDCB nguồn NSNN:
 
Trong 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, ngay từ đầu năm đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2012 để quán triệt và hướng dẫn những điểm mới trong quản lý đầu tư xây dựng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành để triển khai thực hiện.
 
Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành như: Thông báo số 07/TB-UBND ngày 6/02/2012; Công văn số 116/UBND-TH ngày 20/02/2012 về hướng dẫn quy trình thẩm định nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn NSNN năm 2012 và các năm tiếp theo; Văn bản số 37/UBND-TH ngày 16/01/2012 về triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2012-2015 và năm 2012 đến các chủ đầu tư để đảm bảo các thủ tục theo yêu cầu; Văn bản số 656/UBND-XD ngày 11/6/2012 về quản lý thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2012 và quản lý vốn đối với công tác GPMB.
 
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản và giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị các chủ đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn bàn về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư và doanh nghiệp.
 
Một số kết quả đạt được cụ thể như sau:
 
Tổng huy động vốn đầu tư Nhà nước 9 tháng năm 2012 là 2.642.620 triệu đồng (bao gồm cả vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư là 74.250 triệu đồng); khối lượng thực hiện 1.709.883 triệu đồng, thực hiện giải ngân đến 15/9/2012 là 1.192.139 triệu đồng, bằng 45,1% kế hoạch. Trong đó: Vốn giao đầu năm: Kế hoạch giao 972.702 triệu đồng, giải ngân 498.387 triệu đồng, bằng 51,2% kế hoạch giao đầu năm; Vốn giao bổ sung trong năm: Kế hoạch giao 1.669.918 triệu đồng, giải ngân 693.751 triệu đồng, bằng 41,5% kế hoạch giao bổ sung trong năm.
 
Kết quả thực hiện theo nguồn vốn:
 
Vốn cân đối ngân sách địa phương: Kế hoạch giao 311.300 triệu đồng, khối lượng thực hiện 243.856 triệu đồng, giải ngân 154.575 triệu đồng, bằng 50% kế hoạch. Trong đó: giải ngân khối lượng hoàn thành 87.108 triệu đồng.
 
Vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương: Kế hoạch giao 1.066.500 triệu đồng; khối lượng thực hiện 627.229 triệu đồng, giải ngân 496.104 triệu đồng, bằng 46,5% kế hoạch.
 
Chương trình MTQG: Kế hoạch giao 197.288 triệu đồng, khối lượng thực hiện 36.018 triệu đồng, giải ngân 39.565 triệu đồng, bằng 20% kế hoạch.
 
Vốn TPCP: Kế hoạch giao 619.773 triệu đồng, khối lượng thực hiện 806.302 triệu đồng, giải ngân 403.109 triệu đồng, bằng 65% kế hoạch.
 
Các nguồn vốn khác: Kế hoạch giao 447.759 triệu đồng, giải ngân 98.785 triệu đồng, bằng 22% kế hoạch.
 
Tình hình lập, phê duyệt các dự án chuẩn bị đầu tư năm 2012: Tổng số dự án giao chuẩn bị đầu tư do cấp tỉnh quyết định phê duyệt 50 dự án, đến nay đã có 12/50 dự án có quyết định đầu tư được duyệt với tổng mức đầu tư 321.615 triệu đồng; 11 dự án đã thẩm định trình UBND tỉnh, trong đó 10/11 dự án đã gửi thẩm định nguồn vốn và phần vốn; 06 dự án đang thẩm định, các dự án còn lại đang hoàn thiện hồ sơ dự án trình thẩm định.
 
Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư do cấp huyện quyết định đầu tư: UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn triển khai lập, phê duyệt theo hướng dẫn mới của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (gồm NQ 30a, CTMT giảm nghèo, QĐ 33, QĐ 134 kéo dài, QĐ 120).
 
Nhìn chung, Trong 9 tháng đầu năm, công tác đầu tư xây dựng cơ bản được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo đến các cấp các ngành. Tuy nhiên, nhận thức của một số chủ đầu tư về thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng dẫn mới (Chỉ thị 1792/CT-TTg) chưa đầy đủ, công tác chuẩn bị đầu tư chưa được các chủ đầu tư quan tâm thực hiện, tiến độ khảo sát lập dự án chậm, đến nay còn 21 dự án chưa trình phê duyệt dự án.
 
Những bất cập trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và hỗ trợ bồi thường tái định cư chưa được giải quyết triệt để; tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp tính đến hết 15/9/2012 đạt 45,1% (cùng thời điểm năm 2011 là 62,9% kế hoạch) giảm 18 điểm % so với cùng kỳ năm trước; việc thu hồi dư tạm ứng kế hoạch các năm trước chuyển sang năm 2012 chưa được các chủ đầu tư quan tâm thực hiện, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt song đến ngày 31/8/2012 vẫn còn dư ứng 491/1.031 tỷ đồng; việc quyết toán các dự án hoàn thành còn rất chậm đến 31/8/2012 còn 894 dự án chậm lập và nộp báo cáo quyết toán theo quy định; chế độ thông tin báo cáo của một số chủ đầu tư chưa đúng thời gian qui định, nội dung báo cáo còn hạn chế, thiếu thuyết minh hoặc thuyết minh sơ sài; chất lượng báo cáo thấp, không nêu rõ được kết quả đạt được, những tồn tại khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và các đề xuất các giải pháp, kiến nghị cần giải quyết.
 
1.5. Phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
 
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã phối hợp với  Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp khó khăn trong huy động vốn sản xuất, kinh doanh… số lượng đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư giảm mạnh so cùng kỳ năm trước; một số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể hoặc chuyển đổi ngành nghề. Kết quả:
 
Hoạt động đăng ký kinh doanh, cấp chứng nhận đầu tư: Đăng ký thành lập mới 46 doanh nghiệp, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; đăng ký hoạt động 11 chi nhánh và văn phòng đại diện, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh cho 73 doanh nghiệp; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 08 doanh nghiệp do làm ăn không hiệu quả. Tiếp nhận 08 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó: Đã cấp giấy CNĐT cho 03 dự án, giảm 89,7% so với cùng kỳ năm trước; cấp Giấy CNĐT điều chỉnh cho 01 dự án; thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của 12 dự án do vi phạm quy định của Luật Đầu tư.
 
Về công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước: Thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Phê duyệt bổ sung tăng vốn điều lệ cho 03 công ty cổ phần theo quy định. Hướng dẫn các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, lập hồ sơ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp về Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.
 
Kinh tế tập thể: Đến nay toàn tỉnh có 220 hợp tác xã, thu hút 2.162 xã viên và 1.762 lao động tham gia. Mặc dù được tỉnh tạo điều kiện vay vốn và hỗ trợ kinh phí đào tạo, song do hoạt động thiếu tính ổn định, hiệu quả hoạt động thấp, trình độ năng lực quản lý yếu nên có 13 HTX giải thể, giảm 2.875 xã viên và lao động so với cùng kỳ năm trước.
 
1.6. Tái định cư các dự án thủy điện
 
Thuỷ điện Sơn La: Hoàn thành việc rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân TĐC theo Quyết định số 801/QĐ-TTg, đồng thời tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân. Chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai các dự án chuyển tiếp, thực hiện quyết toán các công trình hoàn thành. Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy mô, khối lượng và giãn tiến độ một số dự án để giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến quy hoạch tổng thể. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn ứng các phương án, dự án thành phần còn dư ứng, dư ứng quá hạn. Thực hiện giải ngân 26,5 tỷ đồng, luỹ kế giải ngân 2.279,5 tỷ đồng, đạt 98,3% kế hoạch.
 
Thuỷ điện Huổi Quảng, Bản Chát: Đã hoàn chỉnh hồ sơ rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể di dân TĐC thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện di chuyển 127 hộ của Thủy điện Bản Chát lên các khu TĐC Tà Hừa, Tà Mít; đến nay thủy điện Bản Chát còn 26 hộ của Bản Khì xã Tà Hừa mới di chuyển tạm lên điểm Huổi Khang – Lán Min, thủy điện Huổi Quảng còn 194 hộ chưa di chuyển do tập đoàn Điện Lực chưa bố trí đủ nhu cầu vốn. Thực hiện giải ngân 363 tỷ đồng, lũy kế giải ngân 2.022 tỷ đồng.
 
Thuỷ điện Lai Châu: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu TĐC Nậm Khao và Mường Tè, lập xong quy hoạch chi tiết khu TĐC Mường Mô, nâng tổng số khu TĐC đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết lên 4 khu; phê duyệt phương án bồi thường và thực hiện di chuyển 06 hộ dưới cos ngập 226 để phục vụ tiến độ ngăn sông đợt 1; phê duyệt dự án mặt bằng cụm, điểm TĐC trung tâm xã Can Hồ, đang tiến hành thẩm định dự án mặt bằng khu TĐC Mường Tè, Nậm Khao. Thực hiện giải ngân 7,1 tỷ đồng, luỹ kế đến nay giải ngân 53 tỷ đồng.
 
1.7. Công tác tài nguyên, môi trường
 
Về quản lý đất đai: Hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) tỉnh Lai Châu, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường; thẩm định quy hoạch sử dụng đất 05 huyện, thị và 02 thị trấn. Quyết định giao đất, thuê đất, gia hạn thuê đất, điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất cho 27 dự án với tổng diện tích 3.506,2 ha; thu hồi đất của 2.411 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích là 332,4 ha. Cấp 5.085 giấy CNQSDĐ trên địa bàn huyện Than Uyên và thị xã Lai Châu và giao đất cho 1.262 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích là 134,2 ha.
 
Về quản lý khoáng sản: Triển khai thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác vàng sa khoáng; kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ giao cho UBND tỉnh quản lý và cấp phép. Cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chuyển nhượng khai thác vật liệu xây dựng thông thường 03 dự án; thu hồi 02 giấy phép khai thác khoáng sản.
 
Về quản lý và bảo vệ môi trường: Hoàn thiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát động và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2012. Đánh giá tác động môi trường cho 05 dự án và xác nhận 104 bản cam kết bảo vệ môi trường. Cấp 02 giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước dưới mặt đất.
 
2. Về Văn hóa - Xã hội.
 
2.1. Giáo dục - Đào tạo.
 
Về Giáo dục: Tổ chức hội nghị tổng kết và đánh giá kết quả năm học 2011-2012, kết quả chất lượng giáo dục đều tăng so với năm học trước; tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển trường, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS, THPT và số học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng tăng khá so với cùng kỳ năm học trước. Công tác kiểm tra, thẩm định và công nhận trường chuẩn quốc gia được thực hiện thường xuyên, công nhận mới 09 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 35 trường, đạt 95% kế hoạch.
 
Công tác phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi được tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đến nay có 01/07 đơn vị (thị xã Lai Châu) và 42 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập Mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt 100% kế hoạch. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS ở 97/103 xã, phường, thị trấn (05 xã mới chia tách, chưa tổ chức công nhận).
 
Công tác chuẩn bị năm học mới 2012-2013 được tập trung triển khai. Tổ chức mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học; tuyển chọn 1.064 giáo viên cho các cấp học, nâng tổng số giáo viên toàn tỉnh lên 9.747 người, tăng 605 giáo viên so với đầu năm học trước. Tổ chức tốt lễ khai giảng năm học 2012-2013. Toàn tỉnh có 417 trường, 6.047 lớp học, 6.045 phòng học, 114.606 học sinh, tăng 11 trường, giảm 116 lớp, tăng 463 phòng học, tăng 2.131 học sinh so với đầu năm học trước, trong đó tổng số phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 77% , tăng 4,5% so với cùng kỳ năm học trước.
 
Công tác đào tạo: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện theo kế hoạch, mở 45 lớp bồi dưỡng với tổng số 2.396 học viên. Tiếp tục duy trì quy mô đào tạo và tăng cường công tác tuyển sinh năm học 2012-2013 tại trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh, đến tháng 9/2012 có tổng số 1.502 sinh viên đang theo học.
 
2.2. Công tác y tế - chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được duy trì thường xuyên nhất là đối với người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Thực hiện đề án 1816 các bệnh viện Trung ương đã tổ chức 11 đợt và đưa 11 cán bộ lên tăng cường cho Lai Châu về chuyên môn, kỹ thuật góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ. Tổ chức khám bệnh cho 745,4 nghìn lượt người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điều trị nội trú 36,4 nghìn lượt người. Công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 90%.
 
Hoạt động quản lý dịch bệnh: Trong 8 tháng đầu năm xảy ra 08 vụ dịch bệnh vừa và nhỏ, tăng 05 vụ so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là bệnh tay, chân, miệng đã xảy ra rải rác tại 6/7 huyện, thị với 346 ca mắc; bệnh than xảy ra trên địa bàn huyện Than Uyên với 11 ca mắc, song không có trường nào hợp tử vong. Ngành y tế đã khẩn trương điều tra, xác minh, điều trị và triển khai các biện pháp bao vây, cách ly, không để bệnh lây lan ra diện rộng.
 
Các mục tiêu chương trình y tế Quốc gia: Các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc chương trình MTQG được tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ. Công tác tuyên truyền VSATTP được thực hiện bằng nhiều hình thức, tuy nhiên đã xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm với 21 người mắc, tử vong 06 người, nguyên nhân do ăn phải thực phẩm bị biến chất, chứa hóa chất và các độc tố tự nhiên gây ra.
 
Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh thực hiện, góp phần hạn chế tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng; trong 8 tháng đầu năm phát hiện 201 trường hợp nhiễm bệnh, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số người nhiễm HIV toàn tỉnh lên 2.369 người, trong đó số người nhiễm HIV chuyển AIDS 869 người, số người tử vong do AIDS 564 người.
 
Dân số, KHHGĐ: Công tác truyền thông về dân số KHHGĐ được thực hiện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn năm 2012 kết thúc đạt kết quả tốt, phát huy hiệu quả trong thực hiện công tác dân số KHHGĐ. Cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho gần 11,5 nghìn người, khám và quản lý thai nghén trên 24,7 nghìn người. Trong 7 tháng đầu năm có 6.212 trẻ sinh ra, trong đó sinh con thứ 3 trở lên vẫn tiếp tục tăng chiếm 22,7% trong tổng số trẻ sinh ra, tập trung ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
2.3. Công tác Văn hoá - Thể thao, Thông tin - Truyền thông
 
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở" được duy trì và phát triển, đã hoàn thành việc đăng ký xây dựng gia đình, thôn, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 100% kế hoạch. Phong trào văn nghệ diễn ra sôi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, kết quả: tổ chức 54 buổi biểu diễn, đạt 60% kế hoạch, đặc biệt là tổ chức thành công Hội thi văn nghệ quần chúng Công đoàn viên chức tỉnh lần thứ V, ngày hội Văn hóa thể thao dân tộc Mông huyện Than Uyên lần thứ 01…
  
Hoạt động thể dục, thể thao: Phong trào thể dục thể thao ở các đơn vị, địa phương tiếp tục phát triển. Tổ chức thành công nhiều giải thi đấu thể thao như: Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, giải bóng đá 7 người lần thứ VIII… Chín tháng đầu năm toàn tỉnh có 87.962 người tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, đạt 97% kế hoạch, tăng 16.477 người so với cùng kỳ năm trước; 9.124 gia đình thể thao, đạt 98,2% kế hoạch; 248 câu lạc bộ thể dục, thể thao, vượt 4% kế hoạch, tăng 03 câu lạc bộ so với cùng kỳ năm trước.  
 
Thông tin truyền thông, phát thanh truyền hình: Tập trung tuyên truyền, phản ánh các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh diễn ra trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tăng cường bổ sung thiết bị kỹ thuật cho các đài trạm phát lại đảm bảo duy trì tốt các hoạt động, diện phủ sóng và chất lượng ngày càng tốt hơn. Thực hiện tốt 07 cuộc Truyền hình trực tiếp; truyền dẫn phát sóng Truyền hình 15.820 giờ, đạt 88% kế hoạch; Phát thanh FM 67.570 giờ, đạt 85% kế hoạch; Phát thanh địa phương 2.961 giờ, đạt 75% kế hoạch; xây dựng 803 chương trình Phát thanh-Truyền hình; khai thác sử dụng 8.476 tin, 3.099 bài, phóng sự.
 
2.4. Các hoạt động chính sách xã hội
 
Công tác Dạy nghề - Lao động - Việc làm: Tiếp tục củng cố kiện toàn mạng lưới các cơ sở dạy nghề, đến nay toàn tỉnh có 14 cơ sở dạy nghề; tổ chức dạy nghề cho 2.480 lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, đạt 45% kế hoạch. Giải quyết việc làm mới cho khoảng 4.000 lao động, đạt 66% kế hoạch. Thực hiện cho vay vốn 40 dự án nhỏ với số tiền 8 tỷ đồng. Công tác xuất khẩu lao động được quan tâm đẩy mạnh thực hiện, đưa 60 người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 30% kế hoạch, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước, đang tổ chức học tiếng Hàn cho 43 người, giáo dục định hướng đi làm việc ở nước ngoài cho 120 người.
 
Công tác Bảo trợ xã hội - Người có công, xóa đói giảm nghèo: Công tác bảo trợ xã hội tiếp tục được đẩy mạnh; tặng 1.000 xuất quà với kinh phí 300 triệu đồng do Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam hỗ trợ cho các hộ nghèo ăn Tết; triển khai công tác hỗ trợ cứu đói giáp hạt năm 2012 cho các huyện, thị; cấp thẻ BHYT cho 154.887 người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng Bảo trợ xã hội. Giải quyết các chính sách cho người có công với Cách mạng theo quy định. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ đã tổ chức thăm hỏi và tặng 870 xuất quà cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng với tổng giá trị 162,5 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 01 nhà tình nghĩa cho người có công.
 
Cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc các chương trình như chương trình sắp xếp và ổn định dân cư, chương trình thực hiện Nghị quyết 30a, 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, học nghề... cho các hộ nghèo, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 38,88% xuống còn 35,38%.
 
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em: Tổ chức thăm hỏi và tặng 200 xuất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán năm 2012; hỗ trợ thường xuyên cho khoảng 450 trẻ mồ côi tại cộng đồng và duy trì nuôi dưỡng, giáo dục đặc biệt cho 90 trẻ; tổ chức khám sàng lọc tim bẩm sinh cho 60 trẻ. Vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh với số tiền 1,06 tỷ đồng.
 
Công tác cai nghiện ma túy: Đã tiếp nhận và tổ chức cai nghiện ma túy cho 264 đối tượng tại các Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội, đạt 61% kế hoạch; 100% đối tượng sau khi cai nghiện đều được quản lý tại gia đình và cộng đồng. Tiếp tục duy trì xây dựng 30 xã phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội; hiện toàn tỉnh có 17 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
 
2.5. Khoa học và công nghệ.
 
Hoàn thiện dự thảo Báo cáo lập “Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Lai Châu đến năm 2020”. Phê duyệt 10 danh mục các đề tài, dự án và tổ chức 09 Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh xét chọn, tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án thực hiện từ năm 2012; đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh 02 đề tài, dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi.
 
Hướng dẫn lập hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế cho sản phẩm “Máy tách hạt ngô liên hoàn”. Hoàn thiện hồ sơ dự án xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Chè Tân Uyên. Hướng dẫn 01 tổ chức đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Đề xuất với Cục Sở hữu trí tuệ bổ sung 07 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Tiến hành kiểm định 693 phương tiện đo các loại.
 
2.6. Công tác dân tộc, tôn giáo.
 
Công tác dân tộc: Các chương trình dự án và chính sách đối với đồng bào dân tộc, miền núi được các ngành, địa phương chú trọng triển khai thực hiện như: Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình sắp xếp ổn định dân cư … Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng bước đầu đã phát huy hiệu quả, phục vụ dân sinh, nhất là những công trình kênh mương thủy lợi, giao thông, nhà lớp học,…đã góp phần tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
 
Công tác tôn giáo: Tình hình tôn giáo và hoạt động tôn giáo cơ bản ổn định. Tỉnh đã cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tôn giáo do Ban Tôn giáo chính phủ tổ chức. Đã hoàn thành việc mở các lớp bồi dưỡng về công tác tôn giáo tại 07/07 huyện thị, đạt 100% kế hoạch. 
  
3. Lĩnh vực Quân sự - An ninh - Đối ngoại
 
 3.1. Công tác Quân sự địa phương
 
Tổ chức triển khai nghiêm túc chỉ thị, mệnh lệnh về công tác sẵn sàng chiến đấu; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nắm và quản lý chắc tình hình trên địa bàn, sẵn sàng bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ, tết.
 
3.2. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội
 
An ninh nội địa, an ninh biên giới cơ bản ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tăng cường, tai nạn giao thông đã giảm ở cả 3 tiêu chí.
 
3.3. Công tác đối ngoại
 
Quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam -Trung Quốc và một số tỉnh phía Bắc nước CHDCND Lào, các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tiếp tục được duy trì và phát triển. Hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”, tỉnh đã có nhiều hoạt động như: Tổ chức 06 đoàn cấp cao của tỉnh với 52 người sang thăm và làm việc tại 3 tỉnh Bắc Lào; tổ chức đêm giao lưu văn hóa - văn nghệ chào mừng năm đoàn kết hữu nghị Việt – Lào; phát động cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” trong toàn tỉnh.
 
4. Công tác xây dựng chính quyền; cải cách hành chính
 
Công tác xây dựng chính quyền: Tổ chức thành công cuộc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tại các đơn vị hành chính mới được chia tách, thành lập; hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện và một số xã, phường mới. Phê duyệt danh sách và tổ chức đưa 36 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ Đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 5 huyện nghèo. Phê chuẩn kết quả bầu cử bổ sung Phó chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ nhiệm kỳ 2011-2016. Tổ chức hội nghị giới thiệu nguồn cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện, sở, ngành và tương đương nhiệm kỳ 2015-2020. Tổ chức lớp tập huấn kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND cho 60 người.
 
Công tác dân vận chính quyền: Trong 9 tháng đầu năm, các hoạt động về tăng cường công tác dân vận của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được thực hiện theo hướng sát cơ sở, từng bước đổi mới phương thức hoạt động. Chính quyền các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các đoàn thể, đã chú trọng nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện triển khai lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ, cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, gia đình văn hoá, thôn, xã văn hoá và cơ quan văn hoá, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
 
Công tác cải cách hành chính: Hướng dẫn 06 đơn vị và các xã, phường, thị trấn tiếp tục chỉnh sửa bổ sung đề án một cửa cho phù hợp với các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Toàn tỉnh có 14/21 sở, ngành, 7/7 huyện, thị xã, 100/103 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện mô hình một cửa và một cửa liên thông, tăng 12 xã, phường, thị trấn so với cùng kỳ năm trước. Đến nay đã có 17 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đạt TCVN ISO 9001:2008 và tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 vào hoạt động của 40 cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2012.
 
5. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, bổ trợ tư pháp
 
Công tác thanh tra, Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo,Công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí được tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên.
 
Công tác bổ trợ tư pháp: Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật 218 cuộc đến các thôn, bản trên địa bàn tỉnh cho 21.619 lượt người. Hoạt động hoà giải ở cơ sở được tập trung thực hiện, với 1.133 tổ hòa giải, 5.098 hòa giải viên đã tiến hành hoà giải thành 68/123 vụ việc, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, qua đó làm giảm thiểu tình trạng khiếu kiện ở cơ sở. Thực hiện trợ giúp pháp lý 457 vụ việc, cho 457 đối tượng.
 
Nghiêm Đẳng
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Tình hình thực hiện các quy định về quản lý vốn đầu tư và kế hoạch đầu tư XDCB 2012 của các chủ đầu   (02/10/2012)
  • Kinh tế - Xã hội tỉnh Lai Châu tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2012   (05/09/2012)
  • Ngày 31/8 sẽ diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ   (22/08/2012)
  • Phát triển Kinh tế - Xã hội tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2012   (06/08/2012)
  • Kinh tế - Xã hội, QP - AN 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2012   (29/06/2012)
  • Kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu tháng 4 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 năm 2012   (07/05/2012)
  • Kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II/2012   (05/04/2012)
  • Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh   (29/02/2012)
  • Đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở năm 2011   (20/02/2012)
  • Kinh tế - Xã hội tỉnh Lai Châu tháng 01 năm 2012.   (13/02/2012)
  • Lai Châu ban hành Kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính 2012   (10/02/2012)
  • Lai Châu đón Xuân vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.   (31/01/2012)
  • Đảm bảo cho nhân dân đón Tết Nhâm Thìn 2012 vui tươi, an toàn, tiết kiệm   (15/01/2012)
  • Sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.   (11/01/2012)
  • Đẩy mạnh quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường   (09/01/2012)