|
Rau xanh là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất tại các chợ. Ảnh: Xuân Ngọc |
Tại Hà Nội, trong chợ Mơ tạm trên đường Kim Ngưu, giá các loại thịt lợn, bò, gà, cá đều tăng 10-20% so với cuối tháng 6. Chẳng hạn mỗi lạng thịt rọi và gối có giá 11.000 đồng, thịt vai 13.000 đồng, nạc thăn 14.000 đồng. Các loại thịt bò có mức bán 15.000-22.000 đồng một lạng tùy thịt giẻ sườn, bắp hay thăn. Cá chép, cá quả được bán từ 55.000 đồng trở lên cho mỗi cân. Gà làm sẵn có giá từ 65.000-85.000 đồng mỗi kg tương ứng với gà công nghiệp, gà mía hay gà ta.
Tăng giá mạnh nhất là các loại rau, củ. Mỗi mớ rau mồng tơi từ 4.000 lên 6.000 đồng, đỗ xanh tăng gần 4 lần từ 6.000 đồng lên 20.000 đồng mỗi kg. Cà chua, dưa chuột, cải xanh, cải ngọt, bắp cải, su hào...cũng tăng giá nhưng ở mức nhẹ hơn, 1.000-3.000 đồng mỗi đơn vị (mớ hoặc kg).
Hầu hết các chủ kinh doanh đều lý giải giá tăng cao như hiện nay là do không đủ nguồn cung. Theo họ, mưa nắng thất thường khiến rau cỏ không sống được, người trồng mất mùa, người kinh doanh cũng khó khăn.
Chị Huyền, bán rau tại cổng chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, giá tăng nhưng phải tranh nhau mới nhập được hàng. "Sau mấy hôm mưa bão, rau cỏ dập nát hết. Rồi mấy ngày nay, nắng chang chang, nhà nào có giữ được thì cũng héo hết, lấy đâu ra hàng mà bán", chị Huyền nói.
Nguồn cung khan hiếm, giá cả tăng cao, người tiêu dùng lại càng khốn đốn. Đứng lựa mấy lạng thịt lợn tại chợ Mơ tạm, bác Hóa (Lạc Trung) than mang tiền đi chợ dạo này như mất cắp, do chưa được mua mấy thứ đã nhẵn túi. Bác kể: "Lương hưu chưa lên, thịt thà mỗi ngày mỗi tăng, không ăn không được, bấm bụng mua thì chẳng đủ tiền sống cả tháng".
|
Tại TP HCM, ngoại trừ thịt heo, trứng gia cầm, rau củ quả sáng nay dao động nhẹ. Ảnh: B.H. |
Tại TP HCM, giá thịt lợn tại một số chợ sáng nay tăng mạnh, đắt hơn tuần trước 5.000 một kg. Sườn heo lên 130.000 đồng; đùi, ba rọi, cốt lết chốt giá 110.000 -115.000 đồng, tùy lượng mua và thời điểm mua (đầu giờ sáng hay giữa trưa).
Các loại trứng tiếp tục đứng mức cao. Trứng vịt 33.000 - 34.000 đồng một chục. Trứng gà có giá "mềm" hơn, nhưng cũng tới 23.000- 24.000 đồng vỉ 10 quả, đắt hơn tuần trước 2.000-3.000 đồng. Do trứng vịt tăng giá mạnh (thương lái Trung Quốc sang gom hàng) nên theo một số tiểu thương, người dân có xu hướng chuyển sang dùng trứng gà nhiều hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến sức mua trứng gà nhích lên, đẩy giá trứng tăng theo.
Giá tăng nhưng lượng tiêu thụ giảm. Chị Trang, tiểu thương chợ Thị Nghè than thở: "Trước kia, tầm 12h là bán hết hàng, còn mấy bữa nay chợ ế, thịt đầy bàn, có khi 14h mới dọn hàng".
Trong khi một số mặt hàng rau, củ, quả, gia cầm ở Hà Nội tăng giá mạnh thì tại TP HCM lại có xu hướng giảm.
Thịt gà giảm 5.000 đồng mỗi kg, nhiều loại rau củ quả xuống 500-2.000 đồng so với hơn tuần qua. Đậu xanh, đậu phộng cũng rẻ hơn nửa tháng trước 4.000-5.000 đồng một kg.
Tại các siêu thị, các loại thực phẩm vẫn có chiều hướng giữ giá hoặc chỉ tăng đôi chút. Hiện nay, một số sản phẩm còn được bán rẻ hơn tại các chợ như thịt nạc vai 40.500 đồng cho 3,5 lạng thịt nac vai, rẻ hơn gần 500 đồng mỗi lạng so với các chợ dân sinh; rau mồng tơi có giá 4.500 đồng mỗi mớ 350 gram; cà xanh được bán 4.500 đồng cho túi nửa cân, rẻ hơn tới 4.000 đồng mỗi kg so với chợ đầu mối...
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Nhất Nam sở hữu chuối siêu thị Fivimart (ở Hà Nội) cho biết, hiện giá các loại thực phẩm tươi sống tại siêu thị vẫn giữ giá do đều nằm trong danh mục nhóm hàng thiết yếu.
Bà Hậu cũng đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng là vào những thời điểm giá cả trên thị trường bấp bênh như hiện nay thì người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm tại những địa điểm có áp dụng chương trình bình ổn giá, vừa không lo tăng giá, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP HCM) cung cấp, giá các mặt hàng nông sản ở chợ đầu mối tương đối ổn định, chỉ dao động nhẹ. Bên cạnh một số loại tăng nhẹ 1.000-2.000 đồng (bầu, bí, cà chua, bó xôi, cải thảo Đà Lạt...) thì vẫn có loại sụt giảm (củ cải, khoai tây, xà lách...).
Hiện lượng hàng về chợ trên 3.000 tấn một đêm, nhưng sức mua của các chợ lẻ có phần giảm so với trước. Trong khi đó, hàng về các tỉnh, vùng xa có xu hướng tăng lên. Mặc khác, do chi phí vận chuyển tăng cao khi đưa hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ nên giá bán tới tay người tiêu dùng đã đắt đỏ hơn nhiều so với giá bán ngay tại chợ đầu mối.