Ngụ ngôn xưa kể rằng, có một anh nông dân muốn làm một cái cày để làm công việc đồng áng năng suất và đỡ vất vả hơn. Kiếm được một cây gỗ tốt, anh bèn mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo. Anh đang đẽo thì một người đi qua chê: "Anh đẽo thế không phải rồi, thân cày to quá". Anh nông dân nghe thấy có lý bèn làm theo. Một người khác đi qua lại bảo "Anh đẽo thế này không cày được đâu, cái đầu cày anh làm mảnh quá...". Nghe có lý, Anh bèn chỉnh sửa theo lời khuyên. Được một lúc lại một người đi qua nói "Anh đẽo thế không ổn rồi, cái cày anh làm dài quá không thuận tay". Anh nông dân gật gù, lại gọt bớt theo. Và cuối cùng hết ngày hôm đấy, anh nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, anh không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ tốt đã thành một đống củi vụn. Rất buồn nhưng cuối cùng anh đã hiểu một điều "Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến và kiên trì với con đường đã chọn".
Đó là câu chuyện ngụ ngôn "Đẽo cày giữa đường" nổi tiếng.
Việt Nam hiện đang trong một bối cảnh khó khăn, lạm phát tăng liên tục, trong khi năng lực sản xuất lại tỷ lệ nghịch với chi phí đầu tư qua việc chỉ số ICOR ngày một cao. Thắt chặt tín dụng được cho là một giải pháp tích cực với đa số khi giúp thị trường bớt nóng, trong khi có những nhóm lợi ích không quen ăn đồ "nguội" thì không thể vừa lòng.
|
Một cánh đồng tốt tươi rộng khắp sẽ cho hoa lợi đảm bảo đủ cơm ăn, áo mặc và nơi ở cho đa số. Chính sách tạo nên cả cánh đồng ấy, chứ không phải đẽo gọt những cái cày để một vài nhóm lợi ích thu hoạch.
|
Thật đáng mừng, trong cuộc họp báo công bố chủ trương của Chính phủ đầu tháng 7, Thủ tướng đã khẳng định "Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn phải được tiếp tục xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu"[1]. Đáng mừng, vì chính sách đã giữ nghiêm "hiệu lệnh", dù đứng trước những áp lực không nhỏ đòi "đẽo, gọt, nới" chỉ sau có một thời gian ngắn ban hành. Đáng mừng, vì Ngân hàng Nhà nước đã kiên quyết hơn, tránh cho chỉ thị kiểm soát tín dụng rơi vào tình cảnh như việc không thực hiện tới cùng quy định hạn mức vốn các ngân hàng thương mại cuối năm 2010, một hiện tượng khiến người ta quan ngại sự "lờn thuốc" pháp luật.
Cùng lúc, có lẽ muốn "đính chính" lại cái tiếng đã đề nghị "giải cứu" thị trường bất động sản, một ý kiến mới đây khiến thị trường vừa hoang mang vừa hoan hỉ, đại diện Bộ Xây dựng đã có phát ngôn đồng thuận theo chủ trương của Chính phủ. Theo đó, "thị trường bất động sản có xu hướng giảm nhưng khả năng thanh toán cũng như giá trị của bất động sản vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Các doanh nghiệp vẫn có khả năng thanh toán và trả nợ ngân hàng tuy lượng giao dịch có giảm sút".
Hơn nữa, cũng theo Bộ Xây dựng, "giá bất động sản có suy giảm nhưng giá ở thời điểm cuối tháng 5/2011 vẫn còn cao hơn tháng 1/2010 và vẫn cao hơn giá thành tạo lập nên bất động sản"[2]. Nhận định này hoàn toàn thực tế, khi chỉ cần lấy giá bán của những dự án khu vực Đặng Xá, Gia Lâm làm ví dụ. Năm 2009, hầu hết các dự án này được chủ đầu tư chào bán khoảng 5 triệu đồng/1m2 - một mức giá đã hàm chứa lợi nhuận của cả chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản. Và thực tế, chủ đầu tư đã bán xong hầu hết những lô đất này. Ở thời điểm "nóng rẫy" vài tháng trước, giá đất đã được hô tới 25 triệu đồng/1m2. Nhìn vào mức tăng giá ngót 500% trong hai năm, tương đương 20 lần lãi suất cho vay cao nhất hiện nay, có thể phỏng đoán khoản chênh lệch này hầu như đã nằm trong tay những nhà đầu tư trên thị trường.
Quay trở lại câu chuyện ngụ ngôn trên, nên thấy rằng mọi sự điều chỉnh đều cần có sự tỉnh táo đánh giá trên cơ sở xác định rõ mục tiêu muốn đạt được. Nền kinh tế giống như cánh đồng, nơi cấy hái mùa vụ của hàng triệu hộ gia đình. Một cánh đồng tốt tươi rộng khắp sẽ cho hoa lợi đảm bảo đủ cơm ăn, áo mặc và nơi ở cho đa số. Chính sách tạo nên cả cánh đồng ấy, chứ không phải đẽo gọt những cái cày để một vài nhóm lợi ích thu hoạch.