Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ bảy 30/11/2024
Nghỉ hè – nỗi lo thường trực của phụ huynh
 
Cứ sau mỗi dịp kết thúc năm học, nhiều gia đình rơi vào nỗi lo thường trực không biết gửi con ở đâu trong suốt 2 tháng hè. Cho về quê, tìm lớp học thêm, lớp bán trú, các CLB… là những lựa chọn được nhiều phụ huynh quan tâm.
“Chẳng nhẽ cứ nhốt con trong nhà?”
 
Chị Thanh Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) than thở: “Tôi có 2 con nhỏ, đứa bé đang học nhà trẻ thì chỉ nghỉ 1 tuần rồi lại đi học hè nên cũng đỡ, còn đứa lớn học lớp 2 mới thật sự đáng ngại. Nhà không có người giúp việc, cũng không nhờ cậy được ai nên tôi đành để cháu trong nhà, đi làm thì khóa cửa lại, cách 1-2 tiếng lại gọi điện về xem cháu đang làm gì, nhắc cháu ăn uống, ngủ… Mới nghỉ hè được hơn 1 tuần mà cháu đã kêu chán vì không được đi đâu, quanh đi quẩn lại cũng chỉ xem tivi hoặc đọc truyện. Tôi đang tính đến việc hoặc gửi cháu về quê, hoặc tìm lớp học thêm hoặc CLB nào đó cho cháu tham gia”.
 
Quá tải tại một lớp học múa của Cung thiếu nhi. Ảnh: Linh Tâm
Quá tải tại một lớp học múa của Cung thiếu nhi. Ảnh: Linh Tâm
Thời điểm này, đến Cung thiếu nhi HN hay các Nhà văn hóa, cảnh thường thấy là phụ huynh chen chúc nhau đăng ký học cho con. Theo ghi nhận, những môn học “hot” trong dịp hè năm nay như hát, múa, giáo dục tổng hợp, vẽ… đã không còn lớp và đã được khóa sổ dù thời hạn tuyển sinh của Cung vẫn diễn ra liên tục trong dịp hè.
 
Nhiều phụ huynh không ngần ngại đăng ký cho con học liên tiếp 2 ca. Chị Hoàng Hà (quận Hoàn Kiếm) phân trần: “Mỗi ca học gần 2 tiếng đồng hồ, tôi không thể đưa con đi học, về cơ quan ngồi chốc lát rồi lại ra đón con được, vì thế tôi đăng ký cho cháu học 2 môn 2 ca liên tiếp. Ca thứ 2 kết thúc thì cũng đến giờ nghỉ trưa, tôi đến đón con rồi cho cháu về cơ quan mẹ ăn trưa, nghỉ ngơi buổi chiều ở đây. Mỗi tuần cũng chỉ học ở Cung thiếu nhi 3 ngày, 2 ngày còn lại tôi phải nhờ vả bà cụ gần nhà trông chừng giúp, buổi trưa cố gắng về nhà để trông con. Biết là bất tiện nhưng quả thật không còn cách nào khác, đành cố gắng cầm cự cho đến năm học mới”.
 
Trên một trang điện tử cá nhân, một phụ huynh đã viết một cách hài hước nhưng cũng rất chân thật: “Mùa hè dù ngắn ngủi cũng là khoảng thời gian lũ trẻ sẽ ở nhà, sẽ không có nhà trường lo cho chúng nửa ngày học trên lớp và nửa ngày bán trú ở trường hay ở một nhà dân nào đó có sự quản lý của cô giáo. Lũ trẻ ở nhà nhưng lũ người lớn vẫn phải đi làm. Vậy ai sẽ quản lý chúng 8 – 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày? Người giúp việc? Ông bà nội? Ông bà ngoại?... Chẳng lẽ bắt lũ trẻ ở nhà ngày này sang ngày khác? (chúng sẽ stress mất, lũ người lớn cũng thế thôi, thử ở mãi trong nhà một tháng mà xem). Suốt hai học kỳ chúng chẳng có đủ thời gian mà ngủ (nói gì đến chơi và tập luyện), nên các lớp năng khiếu là điều hiển nhiên lũ người lớn sẽ nghĩ ngay tới. Các lớp học bơi, võ, nhạc, hoạ, múa… rất hạn chế về số lượng ở các trung tâm thể thao quận, các cung văn hoá, nhà thi đấu được mở ra. Và cũng bởi sự cung không đủ cầu này mà một lần nữa, lũ người lớn lại quáng quàng dậy sớm, xếp hàng, chen lấn để đăng ký cho lũ trẻ con một lớp học năng khiếu hè.”
 
Chất lượng các lớp năng khiếu đến đâu?
 
Nhiều phụ huynh quan niệm: Đăng ký học tại các lớp năng khiếu, CLB của Nhà văn hóa, Cung thiếu nhi trong dịp hè chỉ là cái cớ để họ có chỗ gửi con, chứ không trông đợi nhiều rằng con sẽ trở thành thiên tài sau 2-3 tháng hè học tại đây.
 
Chị Thanh Hà tâm sự: “Thấy cháu nhút nhát, tôi đăng ký cho cháu vào lớp học giáo dục tổng hợp trong đó có học kỹ năng sống. Mấy lần đến lớp quan sát thấy, “kỹ năng sống” mà cháu được học cũng rất đơn giản, đứng dậy giới thiệu tên, nhà ở đâu… đều là những kiến thức cơ bản cháu đã được học ở trường rồi. Dù hơi thất vọng nhưng cũng tặc lưỡi, ngày hè con nghỉ mà mình không được nghỉ, nên cho con sinh hoạt ở lớp học cũng là lợi cho mình”.
 
Mặc dù đội ngũ giáo viên tại các Nhà văn hóa và Cung thiếu nhi đều là những người có trình độ và tâm huyết với nghề, yêu trẻ, nhưng với cách dạy đại trà trong những dịp hè này, họ không thể đầu tư quá nhiều công sức được. Một giáo viên khoa Mỹ thuật (Cung thiếu nhi Hà Nội) cho biết: “Phụ huynh đừng nên quá kỳ vọng rằng chỉ sau 1-2 tháng học tại đây, con mình sẽ trở thành thiên tài. Mục tiêu của việc dạy các môn học hè, môn năng khiếu cho các cháu nhỏ là hình thức để các cháu có chỗ đến sinh hoạt, vui chơi, đồng thời là để phát hiện tài năng ban đầu của các cháu. Nếu gia đình tiếp tục có những đầu tư để vun đắp tài năng ban đầu đó, có thể các cháu sẽ phát huy được năng khiếu của mình”.
 
Tất nhiên, với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, họ có thể tìm đến những Trung tâm tư nhân có chất lượng cao và tất nhiên, học phí cũng cao gấp 5-10 lần mức giá “bình dân” của các Nhà văn hóa.
 
Theo laodong.com.vn
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”   (08/06/2011)
  • Lai Châu triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ   (07/06/2011)
  • Hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2011   (06/06/2011)
  • Điều chỉnh thời gian báo cáo thí điểm chuyển mô hình của Tổ chức Phát triển quỹ đất   (03/06/2011)
  • Thu giữ nhiều sản phẩm giả mạo HP   (01/06/2011)
  • San Thàng điểm sáng trong giáo dục mần non   (29/05/2011)
  • Triển khai xây dựng bảng giá đất năm 2012 trên địa bàn tỉnh   (26/05/2011)
  • Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung kế hoạch 18 tháng của dự án giảm nghèo năm 2011   (25/05/2011)
  • Cấm cán bộ giáo dục, giáo viên, HS-SV hút thuốc lá   (24/05/2011)
  • Ngôi nhà thứ hai của Học sinh dân tộc vùng cao   (23/05/2011)
  • Lai Châu sau 4 năm thực hiện Quyết định số 32/2007/QĐ – TTg   (20/05/2011)
  • Cấp kinh phí xây dựng Bản đồ phát triển vùng chè tập trung   (20/05/2011)
  • Kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng ATTP tại cơ sở SXKD vật tư NN, sản phẩm nông, lâm, thủy sản   (20/05/2011)
  • Đoàn thanh niên công an tỉnh Lai Châu Làm tốt công tác đoàn   (18/05/2011)
  • Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011: Cẩn trọng với nợ công   (17/05/2011)