Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ bảy 30/11/2024
Bảo tàng Hồ Chí Minh Di sản thiêng liêng truyền tới mai sau
 

Mới đây, trên trang web Youtube có đăng tải đoạn phim Bác Hồ trả lời phỏng vấn của phóng viên Pháp. Bác trả lời bằng tiếng Pháp một cách khúc triết, tinh tế nhưng không kém phần dí dỏm. Tôi đọc hàng trăm trong số hàng nghìn lời bình luận về đoạn phim này. Và một niềm tự hào cứ dâng mãi trong tim. Điều đó đã khiến tôi tìm đến Bảo tàng Hồ Chí Minh thêm một lần nữa, dù đã không biết bao nhiều lần tôi đến nơi này…

 

Bảo tàng Hồ Chí Minh là điểm tham quan lý thú, bổ ích. Ảnh: CTV
 
Hiện vật về Bác đã nói lên tất cả
 
Tôi cảm thấy Bác gần gũi lắm. Hơi ấm của Bác như vẫn còn nơi cán bút, vương vấn trên lưng chiếc ghế mây, còn cả trên mặt bàn làm việc khi Bác tỳ hai khuỷu tay lên đọc báo… Sự gần gũi đó còn như một cảm xúc truyền thống của gia đình. Tôi đã nhiều lần hỏi cha (họa sĩ Lê Duy Ứng): Tại sao khi cảm thấy sắp hy sinh trên chiếc xe tăng bốc cháy, ba lại vẽ chân dung Bác Hồ? Cha tôi đáp: "Lúc đó ba thấy hình ảnh Người gần gũi, chan hòa, xúc động; lúc đấy ba như bẵng quên tất cả những ngày bom đạn nơi Thành cổ Quảng Trị, mấy tháng liền hành quân xuyên dãy Trường Sơn; quên cả tuổi thơ nơi quê nhà đầy thơ mộng; chỉ còn mỗi hình ảnh Bác". Tôi hiểu đó là cảm xúc mãnh liệt, thăng hoa nhất của cha. Bác Hồ hiện thân cho những điều tốt đẹp nhất.
Tôi từng được gặp họa sĩ Nguyễn Minh Châu, người trích máu vẽ bức tranh “Bác Hồ và thiếu nhi ba miền”. Ông cười rồi nói theo một cách rất miền Nam: Quý Bác quá mà chẳng biết làm thế nào thể hiện hơn được. Vậy đó, máu đã trở thành một họa phẩm thể hiện tình yêu mãnh liệt.
 
Tôi tự hỏi có nơi nào trên thế giới có một vị lãnh tụ được yêu mến như Bác của chúng ta?
 
Tôi đứng hồi lâu giữa phòng trưng bày với vô vàn kỷ vật về Bác. Tôi đi vào giữa hành trình đầy gian khổ nhưng cực kỳ vĩ đại của một người yêu nước, yêu đồng bào bằng sự rung cảm của trái tim lớn; sự tỉnh táo, uyên thâm của một trí tuệ lớn. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn bằng ánh mắt đầy xúc động. Chia sẻ những tình cảm đó với tôi có bác Nguyễn Huy Hoan, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chốc chốc bác Hoan lại nói về những hiện vật, bằng một lối thể hiện vô cùng yêu kính: "Hiện vật này đã nói lên nghị lực của Bác, cho người ta thấy rõ về mục tiêu giải phóng dân tộc của Người. Hiện vật này gắn với đời thường của Bác, ai cũng thấy Bác giản dị, gần gũi và thương Bác vô cùng. Hiện vật này thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của Người với người chiến sĩ... Hiện vật này...". Bác Hoan đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh sáu lần. Mỗi lần gặp là một kỷ niệm in hằn trong trí não. Bác Hoan có thể kể rõ nhiều chi tiết như thể đang thấy Bác Hồ ngồi đối diện: Từ chiếc cúc áo màu gụ tới khoảnh khắc Bác cười, chòm râu rung rinh những sợi bạc… Đó là những kỷ niệm thật hiếm có.
Giáo sư, nhà sử học Lê Mậu Hãn lại tìm được nhiều điều thú vị từ các tư liệu giàu tính sử liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cho tôi xem bút tích của Bác. Dòng chữ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công viết tháng 3 năm 1951. Ông nói: "Đối với khoa học lịch sử, đây là một chứng cứ quan trọng làm vững chắc thêm nhiều nhận định về lịch sử".
Tôi cho rằng Bảo tàng Hồ Chí Minh của ta đã thể hiện được kịch bản tái hiện lịch sử rất thành công. Kịch bản đó lôi cuốn, dẫn dắt người xem, biến người xem thành người đối thoại, dễ dàng tương tác với các tư liệu lịch sử. Hãy tưởng tượng, khi vào Bảo tàng, khách tham quan cảm nhận thấy một không khí đầm ấm thân thiết nhưng cũng trang nghiêm, rộng lớn. Kiến trúc hiện đại hài hòa với đường nét hoa văn dân tộc, không gian ánh sáng đẹp mắt. Mỗi bước đi ta như đang trải nghiệm theo con đường cứu nước của Bác. Kỷ vật được sắp xếp theo thời gian tuyến tính, người xem dễ dàng tiếp thu. Điều này đã được nhiều người ghi nhận trong sổ ghi cảm tưởng của bảo tàng. Không chỉ riêng người Việt Nam, cả những vị khách nước ngoài cũng nhận thấy điều đó.
 
Sức lan tỏa sâu rộng
 

Khách tham quan Phòng trung tâm Bảo tàng Hồ Chí Minh
 
Công tác sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh có thể chia thành hai giai đoạn chính. Thời kỳ thứ nhất: Từ tháng 9-1969 đến tháng 5-1990, đây là thời kỳ công tác sưu tầm có nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, thu thập các tài liệu, hiện vật, hình ảnh tĩnh và động… Thời kỳ thứ hai: Từ ngày 19-5-1990 đến nay, đẩy mạnh hơn việc phát hiện, thu thập tài liệu, hiện vật để bổ sung, nâng cao chất lượng trưng bày, đáp ứng tốt hơn các hoạt động của Bảo tàng.
Đã có nhiều chuyến khảo sát, sưu tầm tài liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các trung tâm lưu trữ ở Liên bang Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Pháp, Anh…Đến nay, Bảo tàng đã sưu tập được 12 vạn hiện vật. Những hiện vật đó là vô giá và đang được Bảo tàng lưu trữ với điều kiện tốt nhất, làm nên hệ thống hiện vật phong phú, khá toàn diện về Người. Những hiện vật ấy không chỉ có ý nghĩa vật chất, nó còn là di sản tinh thần của Đảng, của dân tộc trao truyền tới mai sau.
Với nguồn tư liệu phong phú đó, Bảo tàng đã tổ chức nhiều triển lãm chuyên đề góp phần tích cực giới thiệu tới nhân dân về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh rất chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuyết minh. Và thực tế, đội ngũ cán bộ thuyết minh đã giúp cho những tài liệu, hiện vật trở nên hấp dẫn, lôi cuốn khách tham quan. Bảo tàng đã xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu tham quan là học tập tri thức, nghiên cứu khoa học, thưởng thức nghệ thuật trưng bày Bảo tàng. Có thể thấy ở đây các chuyên đề rất ấn tượng:  Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất;  Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân;  Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết dân tộc; Bác Hồ với thế hệ trẻ, công nhân; Bác Hồ với thương binh và gia đình liệt sĩ; Bác Hồ với phụ nữ; Bác Hồ với người cao tuổi…
Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành địa điểm lý tưởng để giảng dạy, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thiết thực và hiệu quả. Mỗi năm trung bình có khoảng 500 đoàn với tổng số 25.000 sinh viên đã được học tập tại Bảo tàng. Nhiều sinh viên sau khi được nghe cán bộ của bảo tàng thuyết minh, kết hợp với tri thức văn hóa, lịch sử, hiểu biết chính trị... đã trở thành những "hướng dẫn viên" tận tình của gia đình, anh em bè bạn và du khách bốn phương, mỗi khi có dịp thăm lại Bảo tàng.
Những nỗ lực phấn đấu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ thuyết minh của Bảo tàng được thể hiện qua những con số đầy thuyết phục: 25 triệu lượt khách, trong đó có hơn 4 triệu khách là người nước ngoài, trong số đó có nhiều vị nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước trên thế giới.
Khách tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng hiện vật mà còn được xem những cuộc triển lãm “phụ” rất ấn tượng như: Nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc về tác phẩm thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển lãm về Giắc Đuy-cơ-lô, người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Công tác trưng bày là một thế mạnh của Bảo tàng Hồ Chí Minh, xứng đáng là bảo tàng hàng đầu cả nước. Hệ thống trưng bày gồm: Một gian mở đầu, 6 tổ hợp hình tượng, phần tiểu sử với 6 trọng tâm, 28 mô-đun trưng bày, 49 sách điện tử, 8 điểm phim tư liệu, 8 gian trưng bày chuyên đề và một gian triển lãm nhất thời để trưng bày các cuộc triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn bộ tư liệu phân thành 21 loại tài liệu khác nhau và có thể dễ dàng khai thác trên máy vi tính. Phòng đọc của thư viện cũng có khoảng 6.700 tên sách.
Điều này lý giải cho rất nhiều công trình nghiên cứu đã được xuất phát từ Bảo tàng Hồ Chí Minh. Riêng hội thảo khoa học, đã có 50 cuộc; 16 đề tài khoa học cấp bộ; 17 đề tài khoa học cấp cơ sở; và 50 đầu sách đã được xuất bản.
Ngày sinh của Bác đang tới gần, mỗi người Việt Nam chúng ta luôn thấy tự hào về những di sản Bác đã để lại. Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người sẽ nâng bước chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
 
Theo QĐND.vn
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Giá xăng sẽ giảm hay tăng?   (14/05/2011)
  • Tréo ngoe thầy cô 'đua xe' đường núi   (14/05/2011)
  • “Lính thợ” Sông Đà đã trưởng thành   (13/05/2011)
  • Từ chuyện thiếu – thừa đường   (12/05/2011)
  • Tỷ lệ “chọi” cao nhất của ngành Y là 1/18   (12/05/2011)
  • UBND tỉnh họp bổ sung quy hoạch cụm thủy điện Nậm Ban, Tà Páo Hồ tỉnh Lai Châu   (12/05/2011)
  • Sắp tăng phí rút tiền ATM   (11/05/2011)
  • Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước   (10/05/2011)
  • Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2011   (09/05/2011)
  • Phát huy sức trẻ tại các huyện nghèo, khó khăn   (09/05/2011)
  • Trường THPT Lê Quý Đôn: Sẵn sàng bước vào mùa thi   (09/05/2011)
  • Lai Châu thực hiện tốt Quyết định 393/2005/QĐ-UBND của Uỷ ban dân tộc   (06/05/2011)
  • Cần tránh cách làm hình thức trong “chấm điểm” hiệu trưởng   (04/05/2011)
  • Lai Châu tiếp tục xóa đói, giảm nghèo theo hướng vững chắc   (04/05/2011)
  • Công bố giá sách giáo khoa năm học 2011-2012   (29/04/2011)