Thầy cô “đua xe” đường núi là một lát cắt trong đời sống giáo viên miền núi nhưng nó cũng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục.
Lên miền núi Tây Bắc công tác lần này, tôi thực sự kinh ngạc trước “tài” đi xe máy của giáo viên. Chiếc xe khách lao ầm ầm mà chẳng thấm gì so với tốc độ của mấy chiếc xe máy rè rè muốn vượt. Anh phụ xe nói: “May mà đi muộn, nếu đi chuyến 6 rưỡi thì cứ chuẩn bị lo tránh các thầy các cô".
Cách đây trên chục năm, khi xe máy Tàu mới sang, trúng vụ ngô hoặc thảo quả là bà con dân tộc dư sức sắm một chiếc xe gắn máy Tàu. Động cơ thay cho bước chân người chân ngựa, lạ lắm! Vì thế các chàng chân đất đầu trần, phốc lên xe cứ thế là… phóng. Ban đầu cũng chẳng biết đâu là phanh.
Chuyện ấy xưa rồi. Giờ ngôi vị này dành cho các thầy cô giáo. Đường núi, muốn cũng không thể đi kiểu tằng tằng được. Con “ngựa sắt” không thể đi nước kiệu mà buộc phải phi nước đại. Chưa xuống hết dốc đã phải tăng ga để chuẩn bị đà lên con dốc tiếp theo. Nếu tốc độ xe cao thì việc lên dốc dễ dàng. Ngược lại, không đạt tốc độ, phải về số, rất hại xe và tốn xăng. Đó là lý do tại sao các thầy các cô không hề có ý định giảm ga, về số cho dù đang sầm sập đổ đèo.
Đường đèo ngoắt ngoéo liên hồi, đã đi nhanh thì vào cua phải mở rộng lái. Vì thế, xe máy chiếm phần đường của làn đối diện là chuyên đương nhiên. Mấy anh lái xe ô tô miền núi có thâm niên bảo, ở đây lái xe không chỉ bằng mắt, bằng tay mà còn phải bằng cả tai. Nghe tiếng xe máy vè vè khuất sau núi hay sau lưng thì liệu mà tìm chân phanh và chuẩn bị đánh lái nhường đường.
Năm ngoái, một cô giáo ở Yên Minh (Hà Giang) đi xe máy phía trước dẫn đường cho chúng tôi vào trường. Ngồi trên xe ô tô, thấy đuôi xe của cô ngoắt đi ngoắt lại mấy cái rồi mất hút. Chạy một thôi dài nữa đã thấy cô chống xe, vắt vẻo trên yên, miệng nhấm nhấm cọng cỏ kiên nhẫn chờ.
Hôm rồi ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), mờ sáng, mấy cô giáo đã có mặt ở huyện lỵ đón vào thăm trường. Chẳng lẽ nam nhi ngót nghét 70kg lại để chị em đèo, sao tiện, nên giành lấy tay lái. Đi được hơn cây số, chị em đuổi xuống hết, nói đi thế này có mà đến trưa. Thế là đành lúi cúi xuống xe và… ôm cho chặt.
Khiếp nhất là qua đoạn cầu khỉ dân tự bắc. Cầu là hai cây rừng đặt song song, bề ngang bằng hai bàn tay xòe. Không thể dắt vì lấy đâu ra chỗ đặt chân, chỉ có nước nhắm mắt lao. Thế mà không cô nào ngã mới tài!
Thi thoảng, để trấn an, cô giáo cười lớn như bị cù, nói anh cứ yên tâm…! Chắc ôm chặt quá nên cô nhắc khéo? Biết vậy, nhưng cũng không dám (và chẳng dại ) rời tay khỏi eo cô, ngộ nhỡ ngã xuống… vực thì sao?
Nhiều lý do để thầy cô có cái cớ biểu diễn “nghệ thuật” đi xe đường núi. Đó là đường xá tốt hơn, một chiếc xe máy cũng không quá đắt. Đi sớm không được vì sương mù. Chậm chút lại không kịp giờ lên lớp. Học sinh không thấy cô bỏ về ngay.
Thầy cô giáo ở Tây Bắc hôm nay đến từ nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Tây, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Phú Thọ… Lên Tây Bắc, họ chưa thể quen ngay với điều kiện sống thiếu thốn trong bản. Do đó giáo viên thường ở khu vực trung tâm. Trường nào xe máy đến được và không quá xa thì sáng đi chiều về chứ không ở lại.
Những nơi heo hút nhất ở Tây Bắc đã có thầy giáo cô giáo. Mừng đấy! Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn. Phục tài đi xe đường núi của cô giáo, nhưng suy cho cùng, âu cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Nếu gác tình yêu nghề nghiệp sang một bên thì sự nỗ lực cho mưu sinh quả thật ghê gớm! Sáng, thầy cô lên lớp, sương núi phủ trắng lông mày lông mi như ông già Noel; chiều về, ngoáy lỗ mũi thấy bụi đỏ quạch, tưởng chảy máu cam. Sức trẻ giúp họ vượt qua tất cả. Nhưng sức trẻ đâu ở lại mãi cùng các thầy các cô?
Hiệu phó một trường tiểu học, quê Hưng Yên, sau 7 năm lên Điện Biên lập nghiệp đã dựng được căn nhà sàn 200 m vuông rất đẹp. Thấy cơ ngơi bề thế, tôi hỏi việc định cư lâu dài. Anh cười nhẹ, ánh nhìn vươn ra khỏi dãy núi trước mặt.