Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ bảy 30/11/2024
“Lính thợ” Sông Đà đã trưởng thành
 
Trải qua 50 năm lao động và trưởng thành, nhiều công trình thuỷ điện đã được xây dựng bằng bàn tay người thợ Sông Đà như: Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang, Sê San 3, Bản Vẽ..., góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sau những thành quả ấy là sự vất vả, hy sinh của biết bao thế hệ “lính thợ” Sông Đà.
 
http://adm.laodong.com.vn:2010/Account/LogOn
 
Tự hào người thợ Sông Đà
 
Về Mường La vào những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có cơ hội tận mắt ngắm nhìn thuỷ điện Sơn La. Từ nhà điều hành nhìn sang, con đập chặn dòng Đà Giang hung dữ của thuỷ điện Sơn La sừng sững giữa đất trời Tây Bắc. Thuỷ điện Sơn La hôm nay về cơ bản đã hoàn thành và đưa vào phát điện tổ máy số 1 và số 2, góp phần cung cấp thêm gần 10 triệu kWh/ngày và đưa công suất của thuỷ điện Sơn La đóng góp mỗi ngày 20 triệu kWh vào lưới điện quốc gia là nhờ vào những bàn tay khối óc của những người thợ.
 
Thật vậy, thuỷ điện Sơn La đã cán đích trước thời hạn mà Quốc hội đề ra 2 năm, có được thành quả đó hẳn không biết bao giọt mồ hôi của những người thợ đã đổ xuống. Họ đã phải làm việc không quản ngày đêm chia làm 3 ca, bất chấp nắng mưa khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc và kể cả những ngày nghỉ lễ, tết.
 
Tại công trường thuỷ điện Sơn La và Lai Châu, chúng tôi đã gặp rất nhiều người thợ Sông Đà như Vũ Bá Lý - Cty CP Sông Đà 7, Nguyễn Tuấn Anh - Cty CP Sông Đà 8, kỹ sư Nguyễn Tuấn Phát, họ đều từ thủ đô lên Mường Tè với công trình thuỷ điện Lai Châu. Vũ Bá Lý - đội thi công cơ giới, cũng kinh qua nhiều công trình thuỷ điện - nói rằng, từ khi ra trường đến nay, anh toàn bám các công trường, khó khăn vất vả mãi rồi thành quen, thành nhớ và nó thành cái nghiệp bám vào thân không bỏ được. Vì vậy, về nhà được vài ba hôm lại nhớ công trường, nhớ anh em, lại tất tả lên với công trường.
 
Tình yêu công trường không chỉ dành riêng cho cánh mày râu, anh Tuấn Anh cho biết: Cứ tưởng đàn ông mới quen với mưa nắng công trường, nhưng với công nhân thuỷ điện, chuyện phụ nữ bất chấp thời tiết khắc nghiệt đắm say cùng thuỷ điện là chuyện thường thấy tại các công trình thuỷ điện nằm trên con sông Đà này. Thậm chí nhiều chị đắm đuối với các công trình thuỷ điện quên đi hạnh phúc của riêng mình.
 
Nguyễn Ngọc Quý - công nhân Cty cổ phần Sông Đà 8, mới 30 tuổi mà đã lăn lộn “chiến đấu” tại 4 công trình thuỷ điện lớn - cho biết: “Đã là “lính” thuỷ điện thì không ngại việc khó, vất vả khó khăn đã trở thành một thói quen, tuy nhiên có những thứ khó có thể quen ngay được, đó là khí hậu ở những vùng chúng tôi đến. Vậy mà “lính” thuỷ điện vẫn phải quen dần với cái nắng nóng, gió Lào của miền Trung, cái lạnh cắt da cắt thịt của núi rừng Tây Bắc.
 
Chỉ cần nghĩ ngày mai từ chính những công trình mình đang góp sức dựng xây dòng điện sáng sẽ được toả đi khắp trăm miền đất nước, cánh thợ chúng tôi quên hết mọi mệt mỏi hằng ngày”. Đáp lại những khó nhọc, hy sinh của công nhân thuỷ điện, đời sống công nhân trên các công trường đã dần được cải thiện. Cánh lính công trường đã có tivi xem tin tức hằng ngày, có thể vào mạng Internet sau mỗi giờ tan ca, đặc biệt con cái công nhân đã có trường để học ngay trên chính những công trường.
 
Cùng chúng tôi đi thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của công nhân tại thuỷ điện Sơn La, Nguyễn Mạnh Toàn - Phó GĐ Cty CP Sông Đà 5 - cho biết: “Hiện nay đời sống của người thợ Sông Đà đang ngày được cải thiện. Giờ NLĐ đã được ở trong những ngôi nhà khang trang với điện, nước đầy đủ và mỗi phòng có một tivi để NLĐ xem tin tức sau giờ làm việc”.
 
Cũng qua những công trường, nhiều tình yêu được chắp cánh nên vợ thành chồng. Nguyễn Mạnh Toàn cũng là một trong hàng nghìn cặp vợ chồng như vậy, gia đình anh đã bồng bế nhau đi hết công trường thuỷ điện này đến công trường thuỷ điện khác, từ Nam tới Bắc và giờ các con lớn thì về quê ở với ông bà để có điều kiện học hành tốt hơn. Do vậy, mỗi công trường ngoài việc lo lán trại, nhà ở cho công nhân còn phải lo cả việc xây dựng nhà trẻ, trường học để con em có điều kiện học tập tốt nhất và cũng là một phần động viên cha mẹ an tâm nơi công trường.
 

“Lính thợ” Sông Đà vượt mọi khó khăn vất vả, trưởng thành theo từng công trình.     Ảnh: Đ.Tiến

“Lính thợ” Sông Đà vượt mọi khó khăn vất vả, trưởng thành theo từng công trình. Ảnh: Đ.Tiến

 
Tiếp cận và làm chủ công nghệ
 
Để nâng cao năng lực thi công lắp máy từ nhiều năm qua, Sông Đà đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại của các nước có nền công nghiệp phát triển như: Nhật Bản, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Mỹ... Đặc biệt, trong quá trình thi công, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Sông Đà đã nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới mà các nước phát triển đang thi công như: Thi công hầm (NATM) của Áo tại thuỷ điện Yaly và hầm đường bộ đèo Hải Vân; thiết bị thi công bêtông dự lạnh tại Sê San 3, bêtông bản mặt tại thuỷ điện Tuyên Quang; bêtông đầm lăn tại thuỷ điện Sơn La và đang triển khai thi công, công nghệ bêtông đập vòm thuỷ điện Nậm Chiến, đây là công nghệ mới nhất lần đầu tiên được ứng dụng tại VN.
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Toàn thì qua thi công nhiều công trình, vừa làm vừa học, đến nay những người thợ Sông Đà đã làm chủ được  công nghệ mới trong thi công. Nếu trước đây, việc thi công các công trình như thuỷ điện Hoà Bình, Trị An... cần phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, thì đến nay, những người thợ Sông Đà đã hoàn toàn tự chủ trong điều hành, thiết kế, thi công và kể cả lắp đặt thiết bị tại các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp như: Sơn La, Bản Vẽ, Nậm Chiến, Tuyên Quang..., mà không cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Qua đó, đã nâng cao năng suất lao động.
 
Quá trình xây dựng và phát triển đến nay, Tập đoàn Sông Đà đã xây dựng được đội ngũ CNLĐ, kỹ thuật hùng hậu và tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh đa ngành nghề với quy mô và tốc độ phát triển mạnh, hoạt động trên khắp cả nước và vươn ra nước ngoài. Khó khăn nhất của các công trình thuỷ điện là khâu thiết kế, trước kia các công trình như Hoà Bình, Yaly thường do các chuyên gia Liên Xô thiết kế, nhưng nay Sông Đà đã tự thiết kế, qua đó đã chủ động được rất nhiều trong thi công, vì làm thuỷ điện thường phải thay đổi một số chi tiết trong thiết kế do trong quá trình thi công gặp những thay đổi về địa hình, dòng chảy...
 
Để có sự phát triển lớn mạnh, với định hướng phát triển đa dạng hoá ngành nghề, đa dạng hoá sản phẩm, không ngừng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng giá trị SXKD và phát triển ngành nghề của Sông Đà ngày càng lớn mạnh tại hơn 80 đơn vị trực thuộc, những người thợ Sông Đà hôm nay không chỉ thực hiện công tác xây lắp mà còn thực hiện nhiều ngành nghề khác nhau như xây lắp, sản xuất công nghiệp, tư vấn xây dựng, khai khoáng, dịch vụ tài chính, tin học... 
 
Ông Dương Khánh Toàn - TGĐ Tập đoàn Sông Đà - cho biết: “Nhận thức rõ nguồn nhân lực, trong đó lực lượng cán bộ quản lý có trình độ và kinh nghiệm, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao là nhân tố quan trọng, quyết định cho sự phát triển của mình; đặc biệt là yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực cần đáp ứng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước và trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Đến nay, Tập đoàn Sông Đà đã có đội ngũ CBCNLĐ hùng mạnh với gần 30.000 người, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, vận hành và tổ chức thi công xây dựng”.
 
Mỗi công trình là một mốc son
 
Từ dấu mốc ban đầu là thuỷ điện Thác Bà, sau 50 năm biết bao công trình thuỷ điện lớn, nhỏ trong và ngoài nước được xây dựng qua đôi bàn tay của người thợ Sông Đà như: Hoà Bình, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Sê San 3, Sê San 4, Sơn La và Sê Ca Mẳn tận bên nước bạn Lào... Việc chế ngự được các dòng sông hung dữ, xây dựng và đưa các nhà máy thuỷ điện vào vận hành cung cấp điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước là một điều vô cùng quan trọng.
 
Nhưng quan trọng hơn cả là việc trị thuỷ được các dòng sông, chống lũ về mùa mưa, điều hoà nguồn nước tưới tiêu về mùa khô phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu sông. Trong quá trình xây dựng đã mở đường, quy hoạch vùng định canh, định cư cho bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con.
 
Theo kỹ sư Nguyễn Tuấn Phát – Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án thuỷ điện Lai Châu - mỗi công trình thuỷ điện được xây dựng trên các dòng sông của Tập đoàn Sông Đà đều ghi dấu những mốc son chói lọi được ghi vào lịch sử. Nếu công trình thuỷ điện Hoà Bình không chỉ là dấu ấn đối với một con người cụ thể, mà là dấu ấn của cả thế hệ, đó có thể gọi là dấu ấn của tuổi trẻ Việt Nam, của những công nhân ngày đêm thức ngủ cùng thuỷ điện, thì trên công trình thuỷ điện Sơn La ai cũng biết công trình được hoàn thành trước 2 năm so với nghị quyết Quốc hội đề ra và làm lợi cho Nhà nước cả nghìn tỉ đồng... Để có những mốc son như vậy là nhờ chính bàn tay, khối óc của những người thợ. Chính những người công nhân đã làm nên những công trình đi vào lịch sử, có thể nói sau 50 xây dựng và trưởng thành, các công nhân thuỷ điện đã lớn mạnh thực sự.
 
Theo laodong.com.vn
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Từ chuyện thiếu – thừa đường   (12/05/2011)
  • Tỷ lệ “chọi” cao nhất của ngành Y là 1/18   (12/05/2011)
  • UBND tỉnh họp bổ sung quy hoạch cụm thủy điện Nậm Ban, Tà Páo Hồ tỉnh Lai Châu   (12/05/2011)
  • Sắp tăng phí rút tiền ATM   (11/05/2011)
  • Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước   (10/05/2011)
  • Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2011   (09/05/2011)
  • Phát huy sức trẻ tại các huyện nghèo, khó khăn   (09/05/2011)
  • Trường THPT Lê Quý Đôn: Sẵn sàng bước vào mùa thi   (09/05/2011)
  • Lai Châu thực hiện tốt Quyết định 393/2005/QĐ-UBND của Uỷ ban dân tộc   (06/05/2011)
  • Cần tránh cách làm hình thức trong “chấm điểm” hiệu trưởng   (04/05/2011)
  • Lai Châu tiếp tục xóa đói, giảm nghèo theo hướng vững chắc   (04/05/2011)
  • Công bố giá sách giáo khoa năm học 2011-2012   (29/04/2011)
  • Học cách nói thật để yêu Tổ quốc mình   (29/04/2011)
  • Lại xảy ra động đất ở Lai Châu   (29/04/2011)
  • Bác tin đồn tăng giá xăng   (28/04/2011)