Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ bảy 30/11/2024
Cần tránh cách làm hình thức trong “chấm điểm” hiệu trưởng
 
Bộ GD-ĐT vừa có Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT ngày 8/4/2011 ban hành Quy định Chuẩn Hiệu trưởng trường Tiểu học với 4 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí. Đây là căn cứ để “chấm điểm” Hiệu trưởng.
 
Bộ Chuẩn này là tiếp nối bộ Chuẩn Hiệu trưởng trường THCS và THPT. Bên cạnh mặt tích cực, một số tiêu chí và cách thực hiện đánh giá theo kiểu chấm điểm này còn cần bàn thêm.
 
Nhiều tiêu chí chung chung, trùng lặp
 
Tiêu chí 1 “Phẩm chất chính trị” tuy rất đúng và cần thiết, nhưng hầu như chỉ có tính chất thủ tục, mang tính khẩu hiệu như: “Yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì lợi ích dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam”. Với tiêu chí này, chúng tôi cho rằng, bất cứ Hiệu trưởng nào cũng đạt điểm tuyệt đối.
 
Các tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp, lối sống tác phong, giao tiếp ứng xử (tiêu chí 2,3,4) thực chất là đã trùng lặp với nhau, vì khái niệm “đạo đức nghề nghiệp” của Hiệu trưởng đã bao hàm “lối sống, tác phong” và “giao tiếp ứng xử”; hoặc khái niệm “lối sống, tác phong” đã bao hàm “giao tiếp, ứng xử”.
 
Tiêu chí “Có lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc và môi trường giáo dục” rất trừu tượng, nghĩa là đánh giá thế nào cũng được, hoặc không có cơ sở để đánh giá.
 
Có yêu cầu Hiệu trưởng trường Tiểu học phải sống “giản dị”, chúng tôi cho rằng không thoả đáng, bởi vì đây là sự lựa chọn cá nhân, không liên quan đến đạo đức, năng lực công tác.
 
Tiêu chí 5 “Học tập, bồi dưỡng” hoàn toàn mang tính hình thức, bởi vì không ai đánh giá việc cá nhân Hiệu trưởng học tập bồi dưỡng ra sao, mà chỉ đánh giá qua kiến thức, hành động, hiệu quả thực tiễn. Việc Hiệu trưởng “tạo điều kiện” cho các GV, CBNV học tập bồi dưỡng cũng không rõ và không cần thiết, bởi vì đó là quyền của cá nhân mỗi GV, CBNV, và đã có đầy đủ các văn bản, quy định của nhà nước.
 
Tiêu chí “Trình độ chuyên môn” và “Năng lực nghiệp vụ sư phạm” có những yêu cầu chung chung như “Có kiến thức phổ thông về chính trị, kinh tế, y tế, văn hóa, xã hội liên quan đến giáo dục tiểu học”; hoặc có yêu cầu quá khó về ngoại ngữ, tiếng dân tộc.
 
Tiêu chuẩn 3 “Năng lực quản lý trường tiểu học” được chia thành 9 tiêu chí với 29 yêu cầu cụ thể. Thực chất, đây là việc “cụ thể hoá” những yêu cầu công tác hàng năm hay quyền và trách nhiệm của Hiệu trưởng, chứ không phải là các tiêu chí để đánh giá. 
 
Ví dụ yêu cầu: “Quản lý việc thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục của toàn trường và từng khối lớp” (tiêu chí 12) hay “Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các hoạt động dạy học, giáo dục và quản lý của nhà trường theo quy định” (tiêu chí 15) là thuộc trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng. 
 
Tiêu chuẩn 4 “Năng lực tổ chức phối hợp với gia đình học sinh, cộng đồng và xã hội” thực chất là một yêu cầu (hay tiêu chí) của tiêu chuẩn 3 (Năng lực quản lý). Bởi vì năng lực quản lý dĩ nhiên phải bao gồm cả hoạt động phối hợp với gia đình – xã hội để giáo dục học sinh.
 
Tiêu chuẩn, minh chứng quan trọng nhất lại...thiếu
 
 Mặc dù đã nói rõ hệ thống chuẩn hiệu trưởng bao gồm Tiêu chuẩn, Tiêu chí và Minh chứng. Nhưng nội dung Thông tư 14 lại không đề cập đến nội dung Minh chứng; trong khi đây là căn cứ quan trọng nhất để đánh giá Hiệu trưởng.
 
Minh chứng có ý nghĩa quan trọng, quyết định để đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng chính là chất lượng của sản phẩm giáo dục (học sinh).
 
Như vậy, trong Tiêu chuẩn quan trọng nhất đối với Hiệu trưởng trường TH có quá nhiều tiêu chí, yêu cầu trùng lặp, mơ hồ, không cần thiết, hoặc có tính hình thức nhưng lại thiếu một tiêu chí quan trọng nhất đó là hiệu quả công tác quản lý thể hiện ở chất lượng giáo dục.           
 
Vì có quá nhiêu tiêu chí và yêu cầu chung chung, hình thức, nên việc đánh giá Hiệu trưởng trường TH khó tránh khỏi xu hướng chung chung, hình thức. Sẽ không có gì bảo đảm Hiệu trưởng A hơn Hiệu trưởng B vài chục điểm đã là tốt hơn, giỏi hơn, khi mà tiêu chí về chất lượng giáo dục, tiêu chí quan trọng nhất, lại không có.     
 

Ảnh minh họa (www.trt.com.vn)

        


 
Dĩ nhiên để đánh giá chất lượng giáo dục không phải là chuyện dễ làm trong thời gian ngắn, lại phải xét đến yếu tố điều kiện, khả năng về đội ngũ, chất lượng đầu vào, điều kiện cơ sở vật chất...
 
Đã đành việc này khó, nhưng không thể không làm, vì chỉ có tiêu chí (minh chứng) này mới có tác động tích cực đến sự phát triển giáo dục và tương lai của thế hệ trẻ. Còn những tiêu chí đặt ra để phục vụ công tác thi đua khen thưởng hay đề bạt thì không cần thiết.
 
Trong quy trình đánh giá cũng còn có một “điểm mờ” chưa rõ. Đó là sau khi Hiệu trưởng tự đánh giá (cho điểm) thì đến tập thể cán bộ, GV đánh giá theo kiểu chấm điểm điền vào phiếu, rồi cơ quan quản lý tổng hợp đánh giá (chính thức, có tính quyết định).
 
Giả sử có độ “vênh” quá lớn giữa bản tự đánh giá của Hiệu trưởng và kết quả đánh giá của CB GV thì sẽ xử lý ra sao? Đây là điều mà Thông tư 14/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD – ĐT không nói rõ, và có thể dẫn đến những rắc rối trong thực tiễn.
 
Chúng tôi cho rằng, việc đánh giá Hiệu trưởng theo kiểu chấm điểm và dựa vào các tiêu chí có tính hình thức sẽ làm nặng thêm căn bệnh thành tích, đối phó. Thực tế triển khai việc đánh giá Hiệu trưởng trường THCS và THPT mấy năm gần đây cho thấy rõ điều đó.
 
Theo dantri.vn
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Lai Châu tiếp tục xóa đói, giảm nghèo theo hướng vững chắc   (04/05/2011)
  • Công bố giá sách giáo khoa năm học 2011-2012   (29/04/2011)
  • Học cách nói thật để yêu Tổ quốc mình   (29/04/2011)
  • Lại xảy ra động đất ở Lai Châu   (29/04/2011)
  • Bác tin đồn tăng giá xăng   (28/04/2011)
  • Định hướng cho con   (28/04/2011)
  • Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ và làm giàu từ rừng   (27/04/2011)
  • Báo động về chất lượng nhân lực ngành giáo dục   (27/04/2011)
  • Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật chào mừng ngày thống nhất đất nước   (26/04/2011)
  • Hỗ trợ gạo cho học sinh dân tộc ít người học bán trú   (26/04/2011)
  • Động đất tại Lai Châu   (26/04/2011)
  • Chất lượng đời sống văn hóa đã thực sự được nâng cao   (26/04/2011)
  • 'Đu dây' qua sông Nhuệ ở Hà Nội   (25/04/2011)
  • Tiếp nhận, xây dựng mô hình sản xuất và chế biến nấm hàng hóa tại địa bàn tỉnh   (25/04/2011)
  • Sẽ điều chỉnh tăng 350 dịch vụ y tế   (25/04/2011)