Bù đắp để bảo đảm hoạt động của bệnh viện
Lần tăng giá này chỉ tập trung vào những danh mục chưa được điều chỉnh giá tại Thông tư 14 ban hành năm 2005 và Thông tư 03 ban hành năm 2006. Theo tính toán của Bộ Y tế, số dịch vụ được điều chỉnh giá lần này chiếm khoảng 12% trong tổng số dịch vụ y tế hiện có, còn lại đa số dịch vụ y tế quy định tại Thông tư 03 vẫn được thu theo giá cũ.
Giải thích về việc tăng giá 350 dịch vụ, Bộ Y tế cho rằng do được xây dựng từ năm 1995 theo nguyên tắc chỉ tính một phần các chi phí trực tiếp nên phần lớn các dịch vụ này mới chỉ thu từ 30-50% chi phí trực tiếp tính theo thời giá của 16 năm trước. Đến nay, khi tính toán đủ các chi phí trực tiếp, đầu vào như điện, nước, xăng dầu, thuốc, vật tư, hóa chất…, giá đã tăng lên rất nhiều.
Hơn nữa, viện phí hiện nay đang thu theo phí dịch vụ, người bệnh sử dụng dịch vụ nào trả tiền dịch vụ đó, bao gồm tiền khám bệnh, tiền ngày giường điều trị nội trú; hàng trăm loại dịch vụ chiếu, chụp, xét nghiệm để chẩn đoán bệnh và hàng ngàn loại phẫu thuật, thủ thuật khác nhau. Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, nói: Do hầu hết các bệnh viện (BV) đã được giao thực hiện tự chủ tài chính nên kinh phí để bảo đảm các hoạt động thường xuyên của BV phải được thu và bù đắp từ nguồn viện phí.
Mức thu tính theo khung giá
Trong số 350 dịch vụ dự kiến sửa đổi lần này, có 220 dịch vụ, kỹ thuật tăng 2-2,5 lần là các dịch vụ không thường xuyên và thường rơi vào nhóm các dịch vụ y học dân tộc, châm cứu.... Khoảng 70 dịch vụ có mức tăng từ 7-10 lần.
Việc điều chỉnh khung giá lần này vẫn theo nguyên tắc thu một phần viện phí. Đó là khung giá chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp và các chi phí hành chính trực tiếp phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị... Các khoản đã được ngân sách Nhà nước chi thì không tính và thu viện phí, do vậy viện phí chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương của cán bộ, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bộ Y tế cũng khẳng định không phải thông tư ban hành là giá viện phí đã thu ngay theo mức tăng tối đa. Đây chỉ là khung giá, có tối đa, tối thiểu và tùy theo tình hình kinh tế - xã hội ở các địa phương, bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định mức thu của các BV thuộc Trung ương, chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức thu của các BV thuộc địa phương trong phạm vi khung giá. Như vậy, nhiều BV sẽ chỉ được thu ở mức trung bình của khung.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, nhìn chung, việc điều chỉnh viện phí lần này không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, đối tượng chính sách xã hội vì người có công với cách mạng; gần 15 triệu người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và gần 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi đã được Nhà nước mua thẻ BHYT nên khi đi khám - chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% theo quy định của Luật BHYT.
Bệnh viện thu không đủ chi
Từ năm 1995 đến nay, những chi phí trong bảo đảm hoạt động của BV đang tăng rất nhiều: Tiền điện từ 640 đồng/KWh tăng lên 1.366 đồng/KWh; tiền nước từ 2.000 đồng/m3 lên 6.270 đồng/m3; tiền xăng từ 4.700 đồng/lít lên 21.300 đồng/lít; găng tay từ 200-300 đồng/chiếc lên 2.500-3.000 đồng, có loại dùng cho chuyên khoa 6.000 - 7.000 đồng/chiếc...
Một BV tuyến huyện có quy mô khoảng 100 giường bệnh, hiện nay thu tiền khám bệnh 1.000-2.000 đồng/khám, một ngày có khoảng 150 người bệnh khám thu được 300.000 đồng, tiền giường bệnh tối đa 9.000 đồng, nếu có 100 bệnh nhân thu tối đa 900.000 đồng, tổng cộng 1.200.000 đồng, trong khi đó, riêng tiền điện, nước, xử lý chất thải đã hết khoảng 3-5 triệu đồng/ngày.
|