Tình hình di cư tự do trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều biến động tương đối phức tạp, nhất là tình trạng di cư tự do ở vùng biên giới.
Ảnh minh họa
Thực trạng
Theo số liệu của UBND tỉnh từ năm 1998 đến hết năm 2003 đã có hơn 2.000 hộ di cư và bằng 11.516 khẩu di cư tự do vào địa bàn tỉnh.
Từ năm 2004 đến 28/2/2011 có 803 hộ bằng 4.215 khẩu di cư tự do trong đó di cư tự do đi là 451 hộ bằng 2.373 khẩu, di cư đến là 166 hộ bằng 848 khẩu, 140 hộ hồi cư bằng 810 khẩu và di cư nội tỉnh là 46 hộ với 184 khẩu.
Những kết quả bước đầu
Những năm gần đây, các chính sách của Trung ương và của Tỉnh ngày càng phù hợp với tình hình thực tế, đã tác động tích cực đến việc giải quyết tình hình dân di cư tự do. Công tác chỉ đạo, quản lý và phối hợp giải quyết tình hình dân di cư tự do ở các cấp, các ngành các địa phương được tăng cường, phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn.
Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo di cư tự do đến tỉnh chấp hành đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được tỉnh chấp nhận cho ở lại đều được cấp đất ở, đất sản xuất và được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mới. Công tác hỗ trợ của Nhà nước đã đầu tư đúng mục đích, hỗ trợ trực tiếp và cấp phát đến người dân. Số hộ có nhà dột nát, tranh tre, nứa lá, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt giảm mạnh. Tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội góp phần tăng thêm thu nhập giúp người dân ổn định cuộc sống thông qua các chương trình, dự án.
Nhờ các chính sách đã giúp cho các hộ di cư tự do có điều kiện cải thiện cuộc sống, phát triển sản xuất xoá dần khoảng cách giữa các dân tộc, các vùng trong khu vực, nhất là các khu vực nằm trong vùng đặc biệt khó khăn và thực hiện đẩy mạnh phong trào tương thân, tương ái, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng các dân tộc. Củng cố hơn nữa lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, góp phần vào khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn.
Tổng số hộ đã được hưởng chính sách hỗ trợ cấp của Đảng và Nhà nước 203 hộ bằng 1.065 khẩu và còn 149 hộ với vẫn chưa được nhận chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
Những hệ lụy...
Tuy nhiên, vì một số lý do như vi phạm quy định về bảo vệ rừng, chưa chấp hành đúng chủ trương, chính sách, phát luật của Nhà nước, quy định của Tỉnh, không cam kết định cư lâu dài tại địa phương và điều kiện khách quan khác nên còn một số ít hộ chưa được thụ hưởng các chính sách; do đó cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, bốn bề lo toan như chỗ ở tạm bợ, đất sản xuất không có, phải tìm một khu đất mới để khai hoang nhưng rất manh núm, nước sinh hoạt không có.
Đã xảy ra tình trạng tranh chấp đất canh tác và đất ở giữa dân di cư với dân sở tại. Việc tranh chấp này diễn ra rất phức tạp, qua thống kê chưa đầy đủ thì hàng năm đã xảy ra hàng chục vụ lớn nhỏ khiếu kiện về đất đai. Có vụ khiếu kiện kéo dài hàng năm, có nhiều vụ xảy ra xô sát, dùng vũ khí tự tạo như búa rìu, đánh đập nhau dẫn đến sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt, đặc biệt là xuất hiện mâu thuẫn dân tộc trong vùng tranh chấp.
Di cư tự do dẫn đến tình trạng đốt phá rừng thiên nhiên, rừng đầu nguồn để làm nương rẫy, ảnh hưởng đến khu quy hoạch và khu bảo tồn tự nhiên. Làm cho môi trường sinh thái bị phá vỡ, việc săn bắn các loài chim, thú quý hiếm và khai thác lâm sản không kiểm soát được. Làm cho sự quản lý của chính quyền các cấp gặp nhiều khó khăn như quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào như: y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội,… tranh chấp đất đai đã làm xáo trộn phương án cấp giây chứng nhận về quyền sử dụng đất ở cấp xã.
Một bộ phận đồng bào di cư tự do đã tuyên truyền đạo trái pháp luật làm phá vỡ truyền thống, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc đã được tạo dựng và phát triển hàng ngàn đời như bỏ nhạc cụ dân tộc, bỏ bàn thời tổ tiên, đồ trang sức dân tộc,…ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự an toàn, văn hoá xã hội ở nông thôn, bản, địa bàn dân cư; ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của đồng bào sở tại.
Biện pháp giải quyết
Đứng trước tình hình trên, để quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn UBND tỉnh Lai Châu đã có những kiến nghị, đề xuất với Trung ương và các Tỉnh có dân di cư tự do.
Đối với Chính phủ, đề nghị tiếp tục ban hành các chương trình, dự án và các chính sách mang tính đặc thù đối với các dân tộc vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, tạo tâm lý yên tâm, ổn canh ổn cư lâu dài.
Đề nghị Chính phủ và các Bộ, Ngành TW quan tâm, bố trí kinh phí cho tỉnh có đủ nguồn vốn triển khai dự án quy hoạch, sắp xếp và ổn định dân cư tự do. Đây cũng là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giải quyết, ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân di cư tự do nhằm ổn định dân cư và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giải quyết an sinh xã hội ở những vùng khó khăn có nhiều khả năng dân di cư.
Bên cạnh đó UBND tỉnh Lai Châu cũng đề nghị TW thống nhất chủ trương, tạo điều kiện cho tỉnh được chuyển đổi mục đích chuyển đổi đất do dân di cư tự do khai phá hiện nay họ đang canh tác, có khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp, để giải quyết dứt điểm việc sắp xếp các khu dân cư và bố trí đất sản xuất lâu dài, đi đôi với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao rừng theo quy định.
Đối với các tỉnh có dân di cư tự do, đẩy mạnh công tác phối hợp, đồng thời phải có trách nhiệm cùng với UBND tỉnh có dân di cư tự do đến để có biện pháp ngăn chặn và giải quyết kịp thời tình trạng di cư tự do. Tăng cường tuyên truyền, vận động bà con ổn canh, ổn cư; đồng thời quan tâm đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng KT - XH, tạo công ăn, việc làm ổn định đời sống cho đồng bào. Vận động những hộ dân muốn di dịch cư đến nơi ở mới chấp hành tốt việc xin phép nơi đi nơi đến, chấp hành quy hoạch, sắp xếp dân cư, bố trí sản xuất của chính quyền địa phương nơi đến.
Về phía tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường phối hợp với các đoàn thể quần chúng, tập trung tuyên truyền, giáo dục về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để cho người dân sở tại và người dân di cư tự do nâng cao hiểu biết thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương.
Thuyết phục và động viên người dân người dân sở tại thấy được việc di cư tự do gây ảnh hưởng tiêu cực và tác động không tốt đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương để người dân chủ động và tự giác phát hiện dân di cư tự do đến trình báo cho chính quyền địa phương xử lý, vận động người dân phát huy tinh thân đoàn kết giữa các dân tộc để cùng nhau xây dựng quê hương và ngăn chặn dân di cư tự do đến.
Mặt khác, chỉ đạo cơ sở quản lý chặt chẽ dân cư, nắm chắc các biến động nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý, phân loại và có biện pháp xử lý đối với những tổ chức và cá nhân có hành vi lợi dụng tôn giáo, lợi dụng những khó khăn trước mắt của đồng bào dân tộc để lôi kéo, kích động, môi giới dân di cư tự do.
Tăng cường công tác quản lý rừng, khoán bảo vệ rừng một cách chặt chẽ, nhằm hạn chế việc lấn chiếm rừng. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách sản xuất tập trung ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư theo kế hoạch hàng năm.
Hy vọng, với những giải pháp biện pháp quyết liệt trên, thời gian tới tình trạng di dịch cư tự do sẽ giảm hẳn. Tạo sự ổn định để phát triển KT- XH những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Tỉnh.