Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ năm 28/11/2024
Kết quả triển khai Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020
 
 
Lai Châu sau 04 năm triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, Chiến lược công tác dân tộc được cụ thể hóa vào điều kiện thực tế của tỉnh thực hiện phân công, phân nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các cấp, các ngành trong thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.
  
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, phía Tây Bắc Tổ quốc giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, có đường biên giới dài 265,095km; diện tích tự nhiên 9.068km2; toàn tỉnh hiện có 07 huyện, 01 thành phố (trong đó, có 4 huyện biên giới, 6 huyện nghèo); 108 xã, phường, thị trấn, trong đó: 62 xã đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới với có 1.169 thôn bản; dân số 452.456 người, gồm 20 dân tộc (trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La Hủ và Si La), đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%; số hộ nghèo toàn tỉnh là: 28.257 hộ, số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 11.322 hộ.
 
Những thuận lợi khó khăn trong quá trình thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2014 - 2017
 
Thuận lợi
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội đã kịp thời giải quyết những khó khăn của người dân, tạo điều kiện cho Nhân dân các dân tộc phát triển về mọi mặt, giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, các vùng trong cả nước.
 
Nhiều cơ chế, chính sách được Trung ương, địa phương ban hành để cụ thể hóa Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn qua đã tạo điều kiện về nguồn lực để địa phương thực hiện các chính sách an ninh xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, cải thiện nâng cao thu nhập cho người dân góp phần xóa đói giảm nghèo.
 
Sự phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả giữa các sở, ban, ngành... và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc.
 
2.2. Khó khăn
 
Địa bàn sinh sống của đồng bào chủ yếu ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, địa hình bị chia cắt phức tạp, khí hậu diễn biến thất thường, giao thông đi lại khó khăn nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện Chiến lược công tác dân tộc.
Trình độ nhận thức của một số DTTS còn hạn chế, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại nên công tác tuyên truyền vận động người dân gặp nhiều khó khăn. Một số cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò tầm quan trọng của Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.
 
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
 
1. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu
 
1.1. Công tác chỉ đạo điều hành
UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: Số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013, phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013, ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 10/9/2014, về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
 
1.2. Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số 
 
UBND tỉnh đã tổ chức xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 34/2016/NQ-HĐND ngày 28/7/2016 thông qua Đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Quyết định số 150-QĐ/TU ngày 20/6/2016 của Tỉnh ủy Lai Châu.
 
Thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho người học; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập từ cơ sở; khắc phục tình trạng chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng, địa phương; chăm lo hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, cụ thể: Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú được củng số, mở rộng quy mô theo hướng chuyển đổi cấp học từ THCS lên THPT cho trường PTDTNT các huyện (hiện toàn tỉnh có 09 trường PTDTNT), phát triển hệ thống trường PTDTBT (Tiểu học 64 trường, THCS 54 trường) phân bố ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Công tác liên kết đào tạo được chú trọng, tăng cường tổ chức với nhiều hình thức, ngành nghề (ưu tiên hình thức đào tạo vừa học vừa làm và tập trung vào những ngành nghề còn đang thiếu, yếu, có nhu cầu) để cán bộ người dân tộc thiểu số được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
  
1.3. Về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; củng cố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số
 
1.3.1. Công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ nguồn là người DTTS
 
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 46/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 về việc ban hành quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đặc biệt là cán bộ công chức, viên chức cấp xã thuộc 05 dân tộc đặc biệt ít người: Mảng, Si La, La Hủ, Cống và Khơ Mú. Kết quả từ năm 2014 - 2017 đã cử 4.939 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo quản lý, ngoại ngữ, tiếng dân tộc....
 
1.3.2. Công tác tuyển dụng, bố trí học sinh, sinh viên DTTS sau khi tốt nghiệp trường nghề, đại học
 
Từ năm 2014 - 2017, tỉnh đã tổ chức xét tuyển dụng 830 công chức, viên chức là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp ra trường.
 
1.3.3. Công tác tạo nguồn cán bộ cơ sở là người dân tộc Mông tại địa bàn cơ sở các xã trọng yếu
 
 Đến nay, tổng số cán bộ hợp đồng theo Đề án là 40/49 cán bộ trên tổng số 17/20 xã được bố trí; Trình độ văn hóa: THCS: 24 người, chiếm 50%; THPT: 16 người, chiếm 40%; Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Chưa qua đào tạo: 9 người, chiếm 22,5%; Trung cấp: 22 người, chiếm 55%; Cao đẳng, Đại học: 9 người, chiếm 22,5%; Về cơ bản đội ngũ cán bộ là người dân tộc Mông đang làm hợp đồng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ giúp cấp ủy, chính quyền theo dõi tình hình an ninh, trật tự tại các xã địa bàn trọng yếu. Tuy nhiên, một số đồng chí do chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, do vậy trong thực hiện nhiệm vụ còn một số hạn chế nhất định.
 
1.4. Phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số
 
1.4.1. Sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản
 
Thông qua các chính sách hỗ trợ nhiều giống mới có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu được đưa vào sản xuất; nhận thức của người trồng chè chuyển biến rõ nét, chú trọng đầu tư thâm canh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến chè, thu nhập của người trồng chè ngày càng tăng. Các công ty, Hợp tác xã chế biến đã chú trọng đổi mới dây chuyền, công nghệ chế biến, tạo ra các sản phẩm chè có chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu....; Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi; 12 trang trại được cấp giấy chứng nhận có hoạt động sản xuất chăn nuôi; khoảng 46.176 hộ chăn nuôi trâu, bò, trong đó có 29.536 hộ có chuồng trại, chiếm 64%; diện tích cỏ đạt 758,76 ha; có khoảng 56,8% hộ có dự trữ thức ăn; Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm, chú trọng. Diện tích nuôi cá ao năm 2014 đạt 808,2 ha, năm 2017 đạt 911 ha, tăng 102,8 ha; Tỷ lệ che phủ rừng là 48,16%; diện tích rừng hiện có là 446.412 ha.
 
1.4.2. Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
 
Trong giai đoạn 2014 - 2017, các ngành công nghiệp chế biên nông, lâm sản phát triển phù hợp với vùng nguyên liệu; hình thành nhiều cơ sở sản xuất mới; việc cải tiến công nghệ, thiết bị được quan tâm đầu tư, sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng đảm bảo như: Chè Ô Long, chè Sencha, Matcha, Shan Tuyết được sản xuất và xuất khẩu sang thị trường các nước: Nhật Bản, Đài Loan và một số nước Trung Đông.
 
 Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống bước đầu được khôi phục, phát triển với nhiều loại hình cơ sở cùng đan xen tham gia. Sản xuất các sản phẩm thổ cẩm như: chăn, ga, gối, đệm, váy, áo…. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 04 làng nghề và 01 nghề truyền thống, gồm: 01 làng nghề sản xuất các loại bánh dân tộc tại bản San Thàng 1, xã San Thàng, thành phố Lai Châu; 03 làng nghề sản xuất miến dong tại bản Thống Nhất, Hoa Lư, Vân Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường và nghề nấu rượu Ngô truyền thống tại bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu.
 
1.4.3. Phát triển thương mại – du lịch trong vùng dân tộc thiểu số
 
Hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân với giá cả hợp lý, chủng loại và mẫu mã đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2014 - 2017 đạt 17.036 tỷ đồng, năm 2017 đạt 4.771 tỷ đồng tăng 1,2 lần so với năm 2013.
 
1.4.4. Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất, thực hiện tốt chính sách xuất khẩu lao động, hỗ trợ người dân tộc thiểu số về vốn, kỹ năng lao động và thủ tục để đi lao động ở nước ngoài, cụ thể:
 
- Công tác lao động – giải quyết việc làm: Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 31/12/2017 đã giải quyết việc làm cho 27.225/27.100 lao động đạt 101% kế hoạch; trong đó giải quyết việc làm cho 22.569 người dân tộc thiểu số, chiếm 82,9%.
 
- Việc xuất khẩu lao động: hàng năm tổ chức tuyên truyền công tác xuất khẩu lao động cho trên 5.000 lượt người tham gia. Trong 04 năm có 416 lao động tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả - Rập – Xê – Út, Đài Loan..., trong đó có 386 người dân tộc thiểu số, chiếm 92,8%.
 
- Công tác đào tạo nghề: Toàn tỉnh trong 04 năm đã đào tạo cho 20.833 người lao động, đối tượng tham gia đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cơ bản là người dân tộc thiểu số chiếm trên 95% và học nghề nông nghiệp là chủ yếu.
 
- Công tác giảm nghèo: UBND đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu thực hiện tốt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của toàn tỉnh như sau: Năm 2014 giảm 3,74%; Năm 2015 giảm 4,73%; Năm 2016 giảm 5,59%; Năm 2017 giảm 4,98 %.
 
1.4.5. Công tác an sinh xã hội khác
 
- Chính sách hỗ trợ tiền điện: Giai doạn 2014-2017 thực hiện hỗ trợ cho 116.493 lượt hộ ngheo, hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí thực hiện là 52.750 triệu đồng.
 
- Hỗ trợ mua BHYT: Giai đoạn 2014-2017 toàn tỉnh đã mua và cấp phát thẻ BHYT cho 835.463 lượt người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số sống tại địa bàn thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
 
- Công tác phòng chống ma túy, mại dâm: Giai đoạn 2014-2017 toàn tỉnh đã cai nghiện ma túy cho 1.803 lượt người trong đó: Cai tại Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc tỉnh và Trung tâm chữa bệnh GDLĐXH các huyện, thành phố là: 328 lượt người. Cai tại cộng đồng là 1.475 lượt người. Đội KTLN 178 tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Đội KTLN 178 các huyện, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng chống mại dâm tại 8 huyện, thành phố với trên 160 lượt cơ sở. Trong 4 năm qua, tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội và các sở, ngành liên quan phối hợp với Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai tiếp nhận 46 nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về.
- Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em: Công tác xây dựng xã, phường lành mạnh với trẻ em được chú trọng, từ 44 xã, phường năm 2014 tăng lên 75 xã, phường năm 2017, theo đó tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm năm 2014 là 57% đến năm 2017 là 65%.
 
- Công tác bình đẳng giới: Triển khai có hiệu quả chiến lược về Bình đẳng giới, nhận thức về vấn đề giới và bình đẳng giới đã có sự thay đổi; công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được chú trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; vị trí vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội đã được cải thiện; các hành vi bạo lực gia đình, xâm hại nhân phẩm người phụ nữ có chiều hướng giảm; các tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình từng bước được xóa bỏ.
 
1.5. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số
 
1.5.1. Công tác thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực
 
UBND tỉnh đã chỉ đạo một số sở, ban, ngành tổ chức thẩm định đề cương, dự toán thành lập hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, đảm bảo tiến độ, chất lượng và đúng theo quy định, cụ thể: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường, Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên, Nậm Nhùn; Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực: Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển vùng kinh tế nông - lâm sinh thái sông Đà tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế Văn hóa, thể thao, Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp học ngành giáo dục và đào tạo đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030; Điều chỉnh Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Lai Châu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020; điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...; Rà soát quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Lai Châu.
 
 
 
1.5.2. Xây dựng chính sách thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư trên địa bàn tỉnh
 
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh rà soát các văn bản pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, đề án; Cụ thể hóa cơ chế, chính sách để thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Các văn bản hướng dẫn kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; Quy định lập, thẩm định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư công theo nội dung Nghị định 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ; Quy chế phối hợp trong việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh; Quy định về giao nhiệm vụ chủ đầu tư, phân cấp quyết định đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và quy chế hoạt động của BCĐ thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định ban hành danh mục loại dự án áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020; Hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020,... Tham mưu ban hành các Nghị quyết như: Nghị quyết về xây dựng Đề án ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các công trình thủy điện quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các xã biên giới giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020,... trong đó quan tâm xây dựng các chính sách, lồng ghép bố trí vốn theo hướng ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
 
 
1.5.3. Cân đối, lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình, chính sách đầu tư ở vùng dân tộc thiểu số
 
Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện và các Chủ đầu tư rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn, đăng ký kế hoạch vốn NSTW đảm bảo đúng đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí quy định; hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch nguồn NSĐP, chương trình MTQG theo hướng dẫn của các Bộ, ngành TW và theo các quy định của tỉnh; Cân đối, lồng ghép, phân bổ các nguồn vốn, giao kế hoạch đảm bảo thời gian, đúng đối tượng theo đúng các quy định Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Luật Đầu tư công, và các Quyết định giao kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
1.5.4. Phối hợp triển khai các nhiệm vụ về tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế -  xã hội vùng dân tộc thiểu số
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh công tác tăng cường hợp tác, thu hút các nguồn lực, vốn đầu tư của nước ngoài để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số. Các dự án hợp tác, hỗ trợ quốc tế đều mang lại hiệu quả nhất định, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường an sinh xã hội và phát triển kinh tế -  xã hội của địa phương.
 
1.6. Phát triển toàn diện các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe
 
Công tác phòng bệnh, chữa bệnh không ngừng được nâng lên, quy mô cơ cấu tổ chức ngày một mở rộng, mạng lưới y tế dần được hoàn thiện theo quy định. Các dịch vụ y tế ngày một phát triển, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế cơ bản. Ý thức, nhận thức về việc tự bảo vệ sức khoẻ của Nhân dân đã có nhiều thay đổi, thói quen sinh hoạt tự nhiên của đồng bào dân tộc đã dần thay đổi theo thời gian, họ đã quan tâm đến việc vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch cho bản thân và cộng đồng... Công tác Dân số KHHGĐ đã và đang được ngành y tế triển khai thực hiện có hiệu quả. Triển khai có hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng dân số các dân tộc Cống, Mảng, Si La, La Hủ trên địa bàn huyện Mường Tè, Sìn Hồ góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh nói chung và các dân tộc có nguy cơ suy giảm nói riêng. Triển khai thực hiện mô hình giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống ở 18 xã thuộc địa bàn 6 huyện; Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án 1816 của Bộ Y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, và các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh….
 
1.7. Bảo tồn, phát triển văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số
 
1.7.1. Công tác bảo tồn giá trị văn hóa vật thể các dân tộc
 
 Trong giai đoạn 2014 – 2017 đã hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 5 di tích (01 di tích cấp Quốc gia, 04 di tích cấp tỉnh) và 01 Bảo vật Quốc gia; có 02 di tích được trùng tu tôn tạo (Di chỉ khảo cổ học Nậm Tun huyện Phong Thổ và Địa điểm lưu niệm Vua Lê Thái Tổ tại huyện Nậm Nhùn) nâng tổng số di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Lai Châu là 25 di tích.
 
Hoạt động sưu tầm, bảo tồnhiện vật bảo tàng được duy trì thường niên: Giai đoạn 2014 – 2017 tiến hành sưu tầm mới gần 200 hiện vật của các dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông và sưu tầm gần 500 hiện vật của dân tộc Si La, Cống, Giáy trong dự án “Bảo vệ cấp thiết văn hoá các dân tộc trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu”.
 
1.7.2. Công tác bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc
 
Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh được quan tâm nghiên cứu. Giai đoạn 2014 – 2017 đã triển khai và phối hợp nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc.
 
1.7.3. Công tác tổ chức các hoạt động truyền thống, giao lưu văn hóa vùng dân tộc thiểu số
 
Công tác tổ chức các hoạt động truyền thống, giao lưu văn hóa vùng dân tộc thiểu số cũng luôn được quan tâm đầu tư, thực hiện. Hoạt động văn hóa văn nghệ có nhiều nét mới, các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ được quan tâm và tổ chức thực hiện tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các dân tộc, các xã, huyện, giữa Nhân dân biên giới với lực lượng Biên phòng được tổ chức hiệu quả.
 
1.7.4. Công tác xây dựng các thiết chế văn hóa
 
Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn như: Bưu điện văn hóa xã, các trạm truyền thanh, nhà văn hóa các cấp, điểm vui chơi văn nghệ, thể thao, thư viện. Việc xây dựng, củng cố phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phù hợp góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc rất ít người, các dân tộc vùng di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu, từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
 
1.7.5. Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc 
 
 Hiện tượng sử dụng song ngữ, đa ngữ phổ biến. Hiện nay, ảnh hưởng lớn nhất đối với các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu là tiếng nói phổ thông (tiếng Kinh) và văn hóa của người Kinh. Bên cạnh đó, họ còn chịu ảnh hưởng của 04 dân tộc có dân số đông và trình độ kinh tế - văn hóa phát triển hơn, gồm các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Hà Nhì trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Các dân tộc cư trú ở khu vực biên giới còn chịu ảnh hưởng của tiếng “Quan Hỏa” và kinh tế - văn hóa của các dân tộc ở bên kia biên giới. Vì vậy, hiện tượng song ngữ (tiếng Việt – tiếng dân tộc) và đa ngữ khá phổ biến trong các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu;Cũng như các thành tố khác của văn hóa tộc người, chữ viết của các dân tộc chỉ được bảo tồn và trao truyền thông qua các sinh hoạt văn hóa dân gian. Ở tỉnh Lai Châu có 06 dân tộc được xác định là có chữ viết trong lịch sử, gồm các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Lào, Lự, Hoa nhưng hiện chỉ có các dân tộc Dao, Thái có sử dụng chữ viết trong các hoạt động văn hóa.
 
1.8. Về bảo vệ môi trường vùng dân tộc thiểu số
 
Đã tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số về bảo vệ môi trường qua các ngày: Môi trường thế giới 05/6; Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; Đa dạng sinh học; Nước thế giới 22/3; Ngày Khí tượng thế giới 23/3... bằng các hình thức tổ chức lễ Mít tinh phát động bảo vệ môi trường, phát động toàn dân tham gia các hoạt động trồng cây, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, thu gom rác thải, xây dựng các công trình vệ sinh, khơi thông cống rãnh, dòng chảy...; Hướng dẫn người dân về kiến thức thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và xử lý chất thải rắn sinh hoạt qua các hội nghị triển khai, tập huấn công tác bảo vệ môi trường lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”.
 
1.9. Tập trung đầu tư phát triển địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số
 
Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo; Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, bản đặc biệt khó khăn; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc đặc biệt khó khăn....
 
 1.10. Phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ
 
Nghiên cứu, xây dựng chương trình khoa học cấp tỉnh về các hoạt động liên quan đến công tác dân tộc; ưu tiên bố trí vốn cho các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số; Chú trọng đổi mới việc triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.
1.11. Công tác đảm bảo an ninh trật tự trong vùng dân tộc thiểu số
Trong những năm qua tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, tình hình hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội đã từng bước được kiềm chế, một số loại tội phạm giảm, tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông gia tăng.
2. Kết quả thực hiện các chương trình, chính sách, dự án, đề án thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2014 – 2017
2.1. Củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội
2.1.1. Đề án củng cố và xây dựng hệ thống chính trị xã Tà Tổng: Đã kiện toàn chức danh Bí thư đảng uỷ xã và giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XVIII, nhiệm kỳ 2010 – 2015; Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, văn hóa. Đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức xã đã có bước phát triển;Tập trung trồng cây lương thực, khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, chủ động tưới tiêu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng được quan tâm. Cơ sở hạ tầng và hệ thống đường giao thông cơ bản ổn định;Thường xuyên duy trì bám nắm địa bàn, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tăng cường nắm chắc tình hình an ninh chính trị; công tác tuyển quân hàng năm đảm bảo 100% chỉ tiêu kế hoạch giao; Bình quân mỗi năm kết nạp trên 15 đảng viên mới, đạt mục tiêu đề án; năm 2016 đã thành lập 2 chi bộ, củng cố 01 tổ chức đảng yếu kém.
2.1.2. Đề án củng cố và xây dựng hệ thống chính trị xã Pa Ủ:  Đã bố trí, sắp xếp, thay thế chức danh Bí thư đảng ủy và một số vị trí việc làm của cán bộ công chức xã phù hợp trình độ chuyên môn, năng lực; Triển khai thực hiện và hoàn thiện công tác quy hoạch cán bộ giai đoạn 2015-2020; Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, văn hóa cho cán bộ CCVC trên địa bàn xã; Tiếp tục thực hiện các nội dung phát triển kinh tế - xã hội; Vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công tác cải cách hành chính; tổ chức tiếp công dân. Triển khai thực hiện “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước, nâng cao tầm quan trọng của người uy tín trong đồng bào DTTS;Tập trung quán triệt, học tập các Nghị quyết hội nghị Trung ương (Khóa XI) của Đảng, các Nghị quyết của tỉnh, của huyện và của xã; tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chú trọng công tác phát triển đảng. Đến nay ở tất cả các bản, nhà trường, y tế đều đã có Chi bộ.
2.1.3. Đề án củng cố và xây dựng hệ thống chính trị xã Bum Tở: Cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức xã đều nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ sự phân công của tổ chức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Công tác chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh bảo vệ rừng được quan tâm. Chất lượng dạy và học ngày một nâng lên, tỷ lệ học sinh chuyển lớp và tốt nghiệp ở các cấp học các năm đạt 99%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp đạt 95% trở lên đối với cấp tiểu học và mầm non; tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 95%; đạt 100% so với Nghị quyết Đại hội. Công tác dân số KHHGĐ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em có chuyển biến tích cực. Thực hiện tốt việc tu sửa và mở mới đường giao thông dân sinh liên bản theo chỉ tiêu kế hoạch, 9/9 bản có đường giao thông dân sinh, 6/8 bản có đường ô tô đi lại thuận tiện. Đã tu sửa lại 7 kênh mương; 8/9 điểm trường tại các bản trong xã đều được kiên cố hóa, cơ bản đủ các phòng, lớp học, đảm bảo cho công tác giảng dạy và học tập của các nhà trường. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được tập trung chỉ đạo, định hướng kịp thời theo tinh thần Nghị quyết đại hội các cấp đã đề ra về tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đổi mới chất lượng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo ở cơ sở. Công tác dân vận cũng đã được quan tâm, kiện toàn, thường xuyên tuyên truyền theo hướng đổi mới, vận động Nhân dân thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
2.1.4. Đề án củng cố hệ thống chính trị xã Nậm Khao: Tập trung rà soát đội ngũ lãnh đạo trưởng các ban, ngành, đoàn thể của xã và cán bộ không chuyên trách của xã để thay thế, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở; Chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch cán bộ giai đoạn 2016-2020. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ xã theo nhiệm kỳ và hàng năm;Đảng ủy đã ra chủ trương và lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã đề ra; Hệ thống trường học từng bước được kiên cố hóa; toàn xã có một trường phổ thông cơ sở và một trường mầm non; Công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân ngày một nâng lên, 100% nhân dân trong địa bàn xã đều được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí; Các hoạt động văn hóa văn nghệ tiếp tục được duy trì;Ban Chỉ huy Quân sự xã đã tuyên truyền và động viên công tác tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu trên giao, tham mưu tốt với cấp ủy chính quyền địa phương về công tác quân sự của xã và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thường xuyên bố trí lực lượng bám nắm địa bàn các bản, giữ vững trật tự an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; Đã chỉ đạo hoàn thành 100% hộ dân thuộc diện TĐC đến nơi ở mới, Nhân dân yên tâm ổn định cuộc sống, tích cực phát triển sản xuất; Việc quán triệt, học tập, xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết của Đảng các cấp từ xã đến cơ sở có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công tác tuyên truyền đã có nhiều đổi mới theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả. Vì vậy các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được hiện thực hóa đi vào thực tiễn.
2.1.5.  Đề án củng cố hệ thống chính trị xã Vàng San, Tá Bạ, Pa Vệ Sủ:  Đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị thực hiện đề án giai đoạn 2017 - 2020 đối với các xã trên.
2.1.6. Đề án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị xã Nậm Ban giai đoạn 2013 - 2015
Về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ nên sản xuất nông nghiệp đã từng bước phát triển; Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được quan tâm thực hiện. Chú trọng phát triển mô hình trang trại chăn nuôi đại gia súc, mức tăng trưởng đàn gia súc đạt khoảng 6%/năm; Công tác giao khoán, bảo vệ rừng được thực hiện đúng quy định đến từng điểm bản; Hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã, liên bản đã được đầu tư xây dựng; Các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt của Nhân dân được quan tâm triển khai xây dựng; Có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã và các bản;
Về văn hóa - xã hội: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học đã được đầu tư, sửa chữa. Hằng năm, đội ngũ cán bộ, giáo viên được tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; Mạng lưới y tế từ xã đến các bản được kiện toàn củng cố. Công tác khám bệnh cấp phát thuốc cho Nhân dân được đẩy mạnh; Các hoạt động văn hoá, văn nghệ ngày một phát triển góp phần giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" được triển khai tích cực, số hộ, số bản đạt gia đình văn hóa tăng hằng năm; Công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai thực hiện có hiệu quả; Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi với người nghèo, người có công, người tàn tật, người già cô đơn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Về đảm bảo quốc phòng - an ninh: An ninh địa phương được đảm bảo, chủ quyền lãnh thổ và đường biên cột mốc được giữ vững ổn định; Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững và ổn định, đã chủ động phối kết hợp nắm tình hình và triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm thất bại âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch.
 
2.2. Tuyên truyền, thông tin truyền thông
 
Công tác truyền thông được đẩy mạnh nhằm nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin chính là đáp ứng nhu cầu thông tin của toàn xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cụ thể: Năm 2016, tỉnh đã tổ chức 01 lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho khoảng 108 cán bộ công chức làm công tác thông tin truyền thông tại cơ sở trên địa bàn tỉnh, tổ chức biên tập 2.467 cuốn ấn phẩm truyền thông theo chuyên đề phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh; năm 2017 tỉnh đã triển khai các nôi dung: Đẩy mạnh tuyên truyền các tin, bài, phóng sự trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, sản xuất 01 chương trình phát thanh và 01 chương trình truyền hình phục vụ công tác thông tin và tuyên truyền vê giảm nghèo tỉnh Lai Châu năm 2017 và phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh – Truyền hình các huyện, thành phố, cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu. Qua đó giúp người dân nâng cao nhân thức nhằm góp phần thay đổi và chuyển biến, khơi dậy ý chí chủ động, tích cực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo. Xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở, trong năm 2017 triển khai dự án: Thiết lập mới đài truyền thanh xã Mường Mít huyện Than Uyên, xã Mường Mô huyện Nậm Nhùn; nâng cấp đài truyền thanh xã Mường Tè, Kan Hồ, Bum Nưa huyện Mường Tè. Qua đó nâng cao chất lượng hệ thống truyền thanh cơ sở nhằm mở rộng diện phủ sóng truyền thanh ở địa phương, rút ngắn khoảng cách thụ hưởng thông tin trong tỉnh.
 
  
2.3. Phát triển văn hóa
 
Trong giai đoạn 2014-2017 các chương trình, dự án được triển khai độc lập như: Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gắn với công tác trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu, khôi phục và bảo tồn các giá trị tín ngưỡng lễ hội truyền thống dân tộc Mông huyện Sìn Hồ phục vụ du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng; Sưu tầm, bảo tồn tri thức dân gian trong y học cổ truyền của dân tộc Dao ở huyện Sìn Hồ; Sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Lự phục vụ các hoạt động du lịch cộng đồng ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường; đề án phục dựng Lễ cúng bản dân tộc Cống, Hà Nhì. Ngoài ra một số đề án được triển khai lồng ghép như: Nghiên cứu, khôi phục các sắc thái văn hóa đặc sắc các dân tộc huyện Tam Đường phục vụ du lịch cộng đồng, xóa đói giảm nghèo; sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị ẩm thực các dân tộc tỉnh Lai Châu phục vụ du lịch, xóa đói giảm nghèo.
2.4. Môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được quan tâm và chú trọng đối với các dự án về môi trường được thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; việc kiểm soát ô nhiễm môi trường được thực hiện ngay từ những bước đầu tiên triển khai dự án để đảm bảo không ảnh hưởng, tác động xấu tới môi trường sống của Nhân dân, đồng bào vùng dự án; Thực hiện các dự án Biến đổi khí hậu và đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam tại Lai Châu giai đoạn 2014-2017 và các dự án di dời dân cư ra khỏi vùng sạt lở đất và lũ quét cao, xây dựng các công trình kè chống sạt lở chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tỉnh Lai Châu.
2.5. Thương mại, du lịch
Trong giai đoạn 2014 – 2017, hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân với giá cả hợp lý, chủng loại và mẫu mã đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2014-2017 đạt 17.036 tỷ đồng, năm 2017 đạt 4.771 tỷ đồng tăng 1,2 lần so với năm 2013. Mở rộng giao lưu, trao đổi, quảng bá hàng hóa nông, lâm sản tại các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh, chú trọng nâng cấp, cải tạo, quy hoạch hợp lý chợ biên giới, chợ nằm trong vùng kinh tế cửa khẩu, chợ tại các trung tâm cụm xã, cụ thể: Giai đoạn 2014 – 2017 đã đầu tư xây dựng mới 04 chợ gồm: chợ Bản Bo huyện Tam Đường, chợ trung tâm xã Mường Tè huyện Mường Tè, chợ Thị trấn Nậm Nhùn huyện Nậm Nhùn, chợ Thị trấn Phong Thổ huyện Phong thổ với tổng kinh phí 21,79 tỷ đồng và cải tạo nâng cấp 02 chợ gồm chợ Trung tâm thành phố, chợ phường Tân Phong 1 thuộc thành phố Lai Châu với tổng kinh phí 746 triệu đồng. Như vậy đến nay toàn tỉnh có 28 chợ trên địa bàn các huyện, thành phố góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các khu vực trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu hàng hoá phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Thông qua các chương trình Tiết kiệm điện năng trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm và bảo vệ môi trường trong toàn xã hội nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
2.6. Phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội
Trong giai đoạn 2014 – 2017 nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất góp phần thay đổi tập quán canh tác, tăng năng xuất, góp phần tăng thu nhập cho bà con nhân dân, cụ thể: chọn lọc và sản xuất trên 10 tấn, giống lúa cấp xác nhận; ươm nuôi được 102 vạn cá giống; thực hiện 03 phiên chợ giống cây ăn quả; tư vấn cho hơn 6.000 lượt người về kỹ thuật chăm sóc và chữa bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi thủy sản, kỹ thuật sản xuất láu trên địa bàn các huyện, thành phố. Đã hình thành và phát triển vùng sản xuất tập trung liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân, cụ thể: Trong giai đoạn 2014- 2017, hệ thống khuyến nông trong tỉnh đã triển khai thực hiện 183 mô hình dự án khuyến nông mới trong đó có (139 mô hình dự án về trồng trọt; 26 mô hình dự án chăn nuôi và dự án về Thủy sản; 02 dự án về khuyến công).
(Có biểu tổng hợp kết quả thực hiện các mục tiêu gửi kèm)
 
   
  
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
 
1. Mặt đạt được
 
1.1. Công tác chỉ đạo điều hành
 
UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Trong đó Quyết định số 832/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2020. Đây là văn bản quan trọng nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ của tỉnh Lai Châu trong việc triển khai Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.
 
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời đã xác định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên đại bàn tỉnh đến năm 2020 và đề ra 10 nhiệm vụ chủ yếu, tập trung ở các ngành, lĩnh vực: Đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và bảo vệ môi trường.
 
1.2. Hiệu quả các nội dung nhiệm vụ chủ yếu
 
Sau 04 năm triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả bước đầu, cụ thể như sau: Việc triển khai Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 được tỉnh Lai Châu đặc biệt coi trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến được triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh. Chiến lược công tác dân tộc được cụ thể hóa vào điều kiện thực tế của tỉnh thực hiện phân công, phân nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các cấp, các ngành trong thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.
 
Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn được quan tâm. Bộ máy quản lý điều hành các chính sách dân tộc được thành lập và kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở; công tác lồng ghép các nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc được quan tâm và đạt được những kết quả bước đầu, phổ biến chính sách đến người dân được coi trọng với sự tham gia vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành.
 
1.3. Hiệu quả các chương trình, chính sách
 
 Các chính sách được đầu tư, hỗ trợ đã phát huy có hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo và tạo ra được việc làm đem lại thu nhập tương đối ổn định cho bà con Nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng.
 
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác triển khai chiến lược công tác dân tộc cũng còn những tồn tại, hạn chế sau:
 
Tại một số huyện, việc triển khai thực hiện Kế hoạch Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 chưa được quan tâm đúng mức; một số phòng, ban chuyên môn của huyện chưa nhận thức sâu sắc về mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chiến lược.
 
Công tác lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc đã được quan tâm và đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên do các chính sách ban hành với cơ chế quản lý khác nhau nên việc lồng ghép còn gặp nhiều khó khăn.
 
Việc bố trí nguồn kinh phí để thực hiện mục tiêu Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn còn hạn chế.
 
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
 
Đề nghị rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, định mức thực hiện hỗ trợ đến nay không còn phù hợp.
 
Ban hành các chính sách mới hỗ trợ theo vùng, dân tộc. Tập trung đầu mối quản lý các chính sách để đảm bảo thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
 
Quan tâm hơn nữa và kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành.
 
V. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2018 – 2020
 
1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu về: Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, củng cố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số; Phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo đồng bào vùng dân tộc thiểu số; Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Phát triển thương mại – du lịch trong vùng dân tộc thiểu số; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; Phát triển toàn diện các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe; Bảo tồn, phát triển văn hoá, xã hội vùng dân tộc thiểu số; Về bảo vệ môi trường vùng dân tộc thiểu số; Tập trung đầu tư phát triển địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số; Phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; Công tác đảm bảo an ninh trật tự trong vùng dân tộc thiểu số.
 
2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án, dự án thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2020.

 
Huy Dương
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương   (04/10/2018)
  • Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các công trình thuỷ điện đang thi cô   (27/09/2018)
  • 02 năm thực hiện ĐA “Tăng cường công tác DV trong vùng đồng bào DTTS các huyện biên giới(2016-2020)   (25/09/2018)
  • Chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020, định hướng chính sách giai đoạn 2021-2025   (12/09/2018)
  • Kết quả giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động 6 thángđầu năm 2018 của doanh nghiệp nhà nước   (12/09/2018)
  • Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 – 2025 có xét đến năm 2035   (05/09/2018)
  • Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển du lịch đến 2020   (04/09/2018)
  • Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án XD triển khai KH thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng VH - XH ASEAN   (22/08/2018)
  • Tiếp nhận công trình điện được đầu tư bằng vốn NN theo Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017   (14/08/2018)
  • Triển khai thực hiện Dự án 513 trên địa bàn tỉnh Lai Châu   (13/08/2018)
  • Bốn năm thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2014 - 2017, nhiệm vụ giai đoạn 2018-2020   (09/08/2018)
  • Đánh giá giữa kỳ thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020   (03/08/2018)
  • Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 của doanh nghiệp nhà nước và DN có vốn Nhà nước   (01/08/2018)
  • Đánh giá 1 năm triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ   (24/07/2018)
  • Lựa chọn doanh nghiệp tham gia “Hội chợ Hàng Việt – Đà Nẵng 2018”   (24/07/2018)