Xã Bình Lư nằm ở phía Đông nam của huyện Tam Đường, Phía Đông giáp với xã Sơn Bình, phía Tây giáp với xã Hồ Thầu, phía Nam giáp với xã Bản Hon, Nà Tăm, Khun Há và phía Bắc giáp với xã Trung Lèng Hồ- huyện Bát Xát- tỉnh Lào Cai. Là một trong số 5 xã được Tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới.
Nằm ở dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, với độ cao từ 600-1200m so với mực nước biển, đồi núi thấp, hệ thống sông ngòi phân bố đồng đều, đất đai phì nhiêu đã tạo cho xã có hai cánh đồng Bình Lư và Nà Hum có diện tích rất lớn để phát triển nông- ngư- nghiệp và đa dạng hóa các sản phẩm có chất lượng cao. Khí hậu ở đây được phân hóa thành hai mùa rõ rệt tạo điều kiện cho vùng phát triển các loại cây lương thực, rau màu và người dân chủ động trong trồng trọt và chăn nuôi.
Cánh đồng lúa Bình Lư
Tổng diện tích của toàn xã hơn 456 ha, trong đó có gần 500 ha lúa và hơn 200 ngô, còn lại là các cây hoa màu, cây công nghiệp và cây ăn quả. Năm 2010 toàn xã đã đạt được gần 3.000 tấn lương thực và bình quân theo đầu người đạt 700kg/người/ năm, tăng so với năm trước 30%. Xã có gần 6.000 con gia súc, hơn 9 ha nuôi trồng thủy sản, trên 2.000 diện tích rừng. Các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn được chú trọng, toàn xã có 06 mô hình trang trại, tập trung chủ yếu tại các khu vực bản Nà Phát, Tân Bình và Hưng Bình, thu nhập đạt 50 triệu đồng/năm. Các mô hình VACR, mô hình nông – lâm nghiệp được khuyến khích góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 xã đạt trên 10 triệu đồng người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn chiếm hơn 30%.
Hiện nay trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác và sản xuất gạch xây dựng sản lượng đặt 20.000 m3/ năm/, doanh thu cả năm đạt trên 1 tỷ đồng. Xã có 3 điểm họp chợ tự phát, chủ yếu là bán thực phẩm, xã còn duy trì các ngành nghề thủ công như mây tre đan, dệt thổ cẩm, rèn đúc tại một số bản Nà Đon, Nà San... Toàn xã có một nhà máy chè công suất trên 5 tấn và 3 nhà máy chế biến chè "mini" của các hộ gia đình, 5 cơ sở xay bột tập trung, trên 100 hộ chế biến sợi miến dong thủ công sản lượng đạt 661 tấn, thu nhập đạt gần 17.000 triệu, tạo công ăn việc làm ổn định và thu nhập để xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho các hộ chế biến miến dong. Bên cạnh đó các hộ dân cư đều có máy xay gạo, xay ngô đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.
Xã có nhiều tiềm năng về du lịch, điểm du lịch Động Tiên Sơn, Thác Tác Tình, suối khoáng Nà Đòn hàng năm đã thu hút lượng khách đáng kể đến thăm quan và nghỉ ngơi. Nằm ngay cạnh thị trấn Tam Đường, là nơi trung tâm kinh tế chính trị văn hóa- xã hội của huyện, có đường quốc lộ 4D chạy qua. Tương lai gần đường Thị xã – Sân Bay Tân Uyên chạy qua phía nam của xã. Rất thuận tiện cho du khách tham quan, du lịch theo tour Lào Cai - Sa Pa - Bình Lư - Sìn Hồ.
Về mặt giáo dục xã có 5 trường cho các bậc học với cơ sơ và thiết bị hiện đại, giáo viên có trình độ và chuyên môn, đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Trạm y tế luôn sạch sẽ, thoáng mát và đạt tiêu chuẩn Quốc gia, giao thông đi lại luôn thuận tiện, đảm bảo đường ngõ xóm sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 15/13 bản được sử dụng lưới điện quốc gia, hệ thống nước cũng đã được đưa vào sử dụng.
Bộ máy cán bộ, công chức xã nhiệt tình, có năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện các dự án chi tiết cho việc đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng CNH – HĐH, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhân dân các dân tộc đoàn kết, luôn đồng thuận hưởng ứng tham gia các hoạt động của địa phương phát động, nâng cao sản xuất, đời sống và tinh thần.
Khó khăn, thử thách với Bình Lư hiện nay là xã mới được chia tách và thành lập, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, cơ sở hạ tầng còn thiếu và không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất của người dân trong thời kỳ CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Xã có nhiều dân tộc cùng sinh sống, phân bố không tập trung, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều tập quán sản xuất và sinh hoạt cũ, lạc hậu như chăn thả gia súc tự do, nuôi dưới gầm sàn, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo và đói nghèo còn cao. Tiểu thủ công nghiệp và một số mặt hàng thế mạnh của địa phương phát triển còn tự phát, thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ bé, chưa gắn được thương hiệu hàng hóa, nên hiệu quả thấp. sản phẩm chủ yếu là phục vụ tạo chỗ nên chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa và sản phẩm truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn.
Với chính sách mới của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, hi vọng trong tương lai tỉnh, huyện sẽ xem xét phân bổ nhiều nguồn vốn đầu tư, ưu tiên tập trung vốn đầu tư đẩy mạnh tiến độ xã Bình Lư đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015 và trở thành xã điểm trong thời kỳ đổi mới của huyện Tam Đường.