Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ bảy 30/11/2024
Sức mạnh lúa gạo
 

Dân số thế giới được dự báo là sẽ tăng lên 7 tỷ người trong năm 2011 - 2012. Giá lương thực hiện đang leo thang một lần nữa lại đẩy hàng triệu người phải đi ngủ với cái bụng lép kẹp hàng đêm. Thực tế này cho thấy thế giới đã không nuôi nổi số dân hiện tại, vậy 9,1 tỷ người như dự báo vào năm 2050 sẽ phải tính thế nào? Bên cạnh đó là nỗi lo về bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu...có thể làm cho lúa gạo trở thành một sức mạnh thực sự, một thứ “vũ khí” của thế kỷ?

... Sẽ tới một ngày, thay vì đối đầu bằng vũ khí, các quốc gia sẽ đối đầu với nhau bằng nước để uống, bằng lương thực để ăn, sự tăng vọt của giá cả và nhu yếu phẩm sẽ kèm theo gia tăng sự tức giận trong dân chúng và các bất ổn chính trị... đúng là "Phi Nông thì bất ổn". Kỷ nguyên thực phẩm giá rẻ đã kết thúc!... Nông sản đang là lợi thế của các nước nông nghiệp... liệu đây có phải thời cơ "Phi Nông bất phú"?
Có gì cho bữa tối?
Nếu cuốn sách nổi tiếng "The Omnivore's Dilemma" (tạm dịch: Thế lưỡng nan của loài ăn tạp) của Michael Pollan, bắt đầu bởi một câu hỏi: "Chúng ta nên ăn gì trong bữa tối?" thì ngược lại, những người lo lắng về nguồn cung thực phẩm lại hỏi: "Có gì để ăn cho bữa tối?"
Theo tính toán của Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO), để đủ lương thực cho thế giới vào năm 2050 thì sản lượng lương thực thế giới sẽ phải tăng 70% so với hiện nay. Riêng tại các nước đang phát triển sản lượng lương thực phải tăng gấp đôi mới đủ đáp ứng nhu cầu.
Khủng hoảng thực phẩm đã thật sự bắt đầu từ đây. Giá thực phẩm trên thế giới đã tăng vượt mức đỉnh của đầu năm 2008. Đó cũng là thời điểm mà hàng trăm triệu người rơi vào nghèo đói, các cuộc bạo động vì lương thực đã làm lay chuyển chính quyền ở nhiều nước đang phát triển, các nước xuất khẩu đã cấm bán lúa ra nước ngoài, và việc các nước nhập khẩu giàu chiếm dụng đất của những nước nông nghiệp nghèo đã làm dấy lên một câu hỏi khó về cách tốt nhất để giúp các nước nghèo.
Cũng tại thời điểm này, đã có những cấm vận xuất khẩu, bạo động lương thực, sự hoang mang trong tiêu dùng và kiểm soát giá khẩn cấp, giống như năm 2007 - 2008. Sự bất mãn về việc giá bánh mì tăng cũng là một trong những lý do làm dấy lên các cuộc nổi loạn tại Trung Đông. 4 năm với 2 lần tăng giá thực phẩm đột ngột, 2 lần khác nhau nhưng đều cho thấy dấu hiệu của mối đe dọa nghiêm trọng lên chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.
Nhu cầu lương thực sẽ tiếp tục tăng ở các nền kinh tế mới nổi đang có tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, trong khi nhiều người dự đoán các nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu trên thế giới sẽ có những vụ mùa thất bát trong thời gian tới do các cơn bão thảm khốc, hạn hán và các hiện tượng bất thường khác về khí hậu. Trong khi đó, khối lượng tiền mặt trong lưu thông do các chính sách tiền tệ nới lỏng đang tràn ngập các thị trường hàng hóa. Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng tăng giá hàng hóa sẽ được kiềm chế trong tương lai gần.
Theo Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), trong giai đoạn từ 2010 - 2050, biến đổi khí hậu sẽ thu hẹp đáng kể diện tích đất nông nghiệp trên thế giới và giảm năng suất cây trồng. Những thực tế này sẽ kéo theo giá lương thực tăng vọt, cụ thể giá ngô có thể tăng tới 42% - 131%, giá gạo tăng 11% - 78% và giá lúa mỳ tăng 17% - 67%.
"Nông" hay "Công"?
Việt Nam có câu "Phi Nông bất ổn" trước khi nói đến "Phi Công bất phú". Lương thực đang là một vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn thế giới trong khi Việt Nam có thế mạnh thì không có lý do gì lại không nâng sức mạnh đó lên. Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới Josette Sheeran đã cảnh báo: "Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên bất ổn lương thực, nguồn cung xáo động. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng cho thế giới".
Vậy một khi giá lương thực thế giới đột ngột lên cao, những nước có thế mạnh nông nghiệp, có nhiều gạo xuất khẩu như Việt Nam sẽ có được lợi thế cạnh tranh và nếu tận dụng tốt cơ hội, có thể sẽ biến cơ hội này thành sức mạnh và được hưởng lợi. Như vậy là rõ ràng nông nghiệp Việt Nam đã tỏ rõ thế mạnh và có đóng góp đáng kể giúp kinh tế nước nhà vượt qua giai đoạn khó khăn. Và trong thực tế, điều này đã được minh chứng trong thực tiễn phát triển đất nước những năm qua.
Trong một số phiên họp của Chính phủ với các ngành, địa phương về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đầu năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh về bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường xuất khẩu. Theo đó, Chính phủ khuyến khích và tạo mọi điều kiện, làm sao để năm 2011, ngoài sản lượng lương thực dự tính, Việt Nam phải tăng thêm 1 triệu tấn lúa, vừa để xuất khẩu, vừa để tiêu dùng. Như vậy có nghĩa là trong những lúc khó khăn, nông nghiệp lại được nhắc đến để khẳng định vai trò, vị thế của mình trong nền kinh tế nước nhà.
Trở lại thực tế ở các vùng nông thôn hiện nay. Xu hướng đô thị hóa cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã phần nào ảnh hưởng tới quan niệm của người dân về nghề nông. Không ít nông dân đã bỏ hoang ruộng vườn, đoạn tuyệt với cày cuốc. Nhất là trong tình hình giá cả phân bón tăng cao như hiện nay thì việc bỏ hoang ruộng vườn ở nhiều vùng nông thôn xem ra càng phổ biến hơn.
Đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp, để người dân hiểu "tấc đất tấc vàng". Các địa phương cũng cần chỉ đạo kiểm soát và quản lý nghiêm ngặt quỹ đất nông nghiệp, không cho phép chuyển đổi đất trồng lúa sang các mục đích khác.
Phát huy thế mạnh...
Việt Nam đã chứng minh được bằng việc có thật, từ chỗ là nước thiếu ăn phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản. Xuất khẩu gạo Việt Nam đã đứng thứ hai thế giới trong 22 năm liền, gạo Việt Nam hiện chiếm 1/5 tổng lượng gạo thương mại thế giới.
Thành công quả là kỳ diệu bởi mỗi năm nông nghiệp đã đóng góp tới 20% GDP, nhưng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn chưa tới 9% tổng vốn đầu tư cả nước. Trong khi đó, với "thùng lúa gạo" trong tay, Việt Nam đã tránh bị cuốn vào vòng xoáy của các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính - tiền tệ thế giới và khu vực. Trong hoàn cảnh như thế hàng chục triệu nông dân Việt Nam với thửa ruộng nhỏ bé của mình đã làm nên kỳ tích. Nói cách khác, Việt Nam đã là "nước lớn" về xuất khẩu nông sản nhờ khai thác thế mạnh của mình. Hơn thế, đây chính là những ngành giúp giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho phần lớn người dân Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là nông sản Việt Nam thường chỉ dừng ở mức sơ chế hoặc gia công. Việc đầu tư vào những khâu có giá trị gia tăng cao hơn dường như chưa được chú ý đúng mức.
Trong khi đó, thời gian qua, nhiều ngành công nghiệp như ô tô, sắt thép, hay đóng tàu đã được đầu tư hay trợ cấp thông qua ưu đãi thuế nhiều tỉ USD. Tuy nhiên, chắc hẳn nhiều người sẽ e dè khi nói rằng đây là những ngành thế mạnh và hứa hẹn của Việt Nam. Đơn giản là việc phát triển chúng không dựa vào thế mạnh quốc gia mà do những yếu tố khác.
Vậy "Tại sao các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Canon hay Samsung này lại đặt cược hàng tỉ USD để xây dựng các nhà máy tại Việt Nam? Vì chỉ cần 1/10 dân số Việt Nam sử dụng chip Intel thì quy mô thị trường đã lên đến 3 - 4 tỉ USD. Vì nguồn nhân lực chất lượng cao giá rẻ của Việt Nam.
Vũ khí ở đâu?
Với lập luận, một quốc gia có thể chuyển sang sản xuất những mặt hàng công nghệ cao mà không cần quan tâm đến nền tảng hiện tại, cộng với hình ảnh so sánh một tấn gạo xuất khẩu chỉ đem lại khoảng 500 USD, chỉ bằng một cái máy ảnh nặng chừng 100 gam, hay một con chip chưa đến vài gam quả là cám dỗ để nhiều nước tập trung nguồn lực cho những ngành thâm dụng vốn và chất xám. Vì họ cho rằng không thể giàu được nếu cứ sản xuất giản đơn. Tuy nhiên, mong muốn và khả năng thường là hai phạm trù khá khác biệt.
Trên cơ sở lập luận của Adam Smith về "Bí mật về sự giàu có của các quốc gia", một nhóm học giả của Đại học Harvard (gồm Barabási, Hausmann, Hidalgo, Klinger) đã đưa ra lý thuyết Monkey Jumping (bước nhảy của những con khỉ). Theo đó, nhóm này đã không thừa nhận lập luận một nước có khả năng tham gia vào bất kỳ sản phẩm nào và cho rằng các quốc gia nên lựa chọn phát triển các sản phẩm tiếp theo dựa trên những sản phẩm hiện có, nhất là các sản phẩm xuất khẩu nhằm phát huy năng lực sẵn có.
Nếu cách tiếp cận lý thuyết này là hợp lý thì hình như định hướng phát triển các ngành công nghiệp hay công nghiệp hóa của Việt Nam có điều gì đó chưa ổn. Chắc chắn, việc tinh chế, chế biến các sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn từ con tôm, con cá hay hạt gạo, hạt cà phê chỉ là bước nối tiếp của các hoạt động sơ chế nông sản và thủy sản, khác xa so với sản xuất sắt thép hay xe hơi... Khoảng cách giữa những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và những ngành đang được tập trung nhiều vốn và ưu đãi có lẽ quá xa nên các doanh nghiệp khó lòng mà chuyển đổi được. Đây có thể là điều đang gây rắc rối cho kinh tế Việt Nam.
Trở lại câu hỏi, làm thế nào để thế giới có thể cung cấp đủ lương thực cho 9 tỷ người vào năm 2050? Nhiều quốc gia đã bắt tay vào cuộc, chẳng hạn như Nga, Ấn Độ... Đến năm đó, nếu trong GDP của Ấn Độ được kỳ vọng sẽ góp mặt 450 triệu tấn lương thực /năm thì chiến lược của Nga sẽ táo bạo hơn nhiều. Với lợi thế 10% đất canh tác trên thế giới nằm trên lãnh thổ nước này. Trước Mùa hè 2010, Nga mới cung cấp gần 20 triệu tấn ngũ cốc cho thị trường thế giới, nhưng với những gì Nga đang làm giới phân tích tính toán rằng, Nga sẽ xuất khẩu 100 triệu tấn ngũ cốc/năm. Đó là lý do để người ta tin rằng, chẳng bao lâu trong cơ cấu ngành xuất khẩu của Nga, dầu mỏ sẽ nhường chỗ cho lương thực. Vậy chiến lược của Việt Nam?
Bài học chỉ học 1 lần
Ngày nọ, công ty rượu Sake nổi tiếng của Nhật phát hiện ra một giống nếp lai Việt Nam rất phù hợp với công việc sản xuất của họ, đã đặt mua một lượng đáng kể với giá cao hơn rất nhiều giá gạo dùng làm lương thực. Một thương vụ hời, thế mà mặc cho cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn chu đáo, chất lượng gạo vẫn không thể đồng đều nên chỉ dừng lại ở một lần xuất khẩu duy nhất với vài chục tấn. Đối tác đành ngậm ngùi chia tay và không biết bao giờ mới quay trở lại.
Nhìn sự việc của ta mới nghĩ đến "gương sáng" Nhật Bản những năm nửa đầu thế kỷ 20, khi người Mỹ thường coi hàng hóa có nguồn gốc từ Nhật (made in Japan) là loại kém chất lượng. Người Nhật "chạnh lòng", một tầng lớp doanh nhân Nhật Bản với mong muốn "rửa" tiếng thấp hèn cho đất nước đã quyết tâm ra nước ngoài học hỏi về công nghệ, tri thức khoa học, kinh nghiệm quản lý, sản xuất, kinh doanh... Chính những con người này đã tìm được hướng sáng cho kinh tế Nhật là công nghiệp hóa, và cũng chính họ đã bắt tay phục hưng đất nước, bằng những thứ mà họ học được.
Cách đây đúng 1 năm, đất nước của công nghiệp dầu mỏ Qatar có ngỏ lời muốn đầu tư 1 tỉ USD để trồng 25.000 ha lúa chất lượng cao tại Trà Vinh và một dự án trồng 25 ha hoa tại Đà Lạt. Tất nhiên còn nhiều vấn đề phải bàn bạc từ mục tiêu, loại hình liên doanh, phân phối lợi nhuận cũng như bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn và hàng loạt vấn đề theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng rõ ràng, đây là một thông tin rất đáng suy ngẫm.
Rõ ràng, để phát triển quốc gia, mỗi nước đều cần chọn cho mình một con đường riêng, một thế mạnh. Tuy nhiên, để đi được tới đích cần cả một chặng đường dài liên tục, đừng như những con đường ngoại ô, đoạn mới đẹp nhưng đoạn cũ rất tệ không đi được, hoặc ngược lại.

 
Theo tgvn.com.vn
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Đại... công chức   (26/03/2011)
  • Ngành nào trả lương cao nhất Việt Nam?   (25/03/2011)
  • Lãi vài nghìn, thu nhập bạc triệu   (24/03/2011)
  • Cảnh báo mới về bảo mật thông tin trên di động   (24/03/2011)
  • Sẽ cấm hẳn phát ấn đền Trần?   (24/03/2011)
  • CPI tháng 3 tăng cao nhất trong vòng 34 tháng qua   (24/03/2011)
  • Tháng Tư bắt đầu thực hiện khảo sát lương 2011   (24/03/2011)
  • Việt Nam sẵn sàng hợp tác chiến lược về nông nghiệp với Saudi Arabia   (23/03/2011)
  • Thêm nhiều kỹ sư Nhật sẵn sàng chết vì nhà máy hạt nhân   (23/03/2011)
  • Đất nền, chung cư Hà Nội không phải là “miếng bánh” ngon   (23/03/2011)
  • Bốc trúng “thuốc” trị lạm phát   (23/03/2011)
  • Cảnh giác với gạo thơm “rởm”   (23/03/2011)
  • Nhật Bản chưa thay đổi chính sách ODA cho Việt Nam   (22/03/2011)
  • An toàn lao động trên công trường Thủy điện Lai Châu   (22/03/2011)
  • Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 của Bộ GD&ĐT, sẽ thêm nhiều đối tượng được tuyển thẳng, ưu tiên   (22/03/2011)