Tình hình kinh tế - xã hội
Chủ nhật 1/12/2024
Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021 tỉnh Lai Châu
 
Khống chế bệnh Dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh Dại. Trên 95% số xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) lập được danh sách hộ nuôi chó. Tỷ lệ chó nuôi được tiêm phòng vắc xin Dại tại các xã, phường, thị trấn đạt trên 85% vào năm 2021. Trên 70% số huyện, thành phố không có ca bệnh Dại trên chó trong 02 năm liên tiếp. Giảm 60% số người tử vong do bệnh Dại ở người vào năm 2021 so với số ca mắc Dại trung bình giai đoạn 2011-2016.
 
Đó là mục tiêu chính của Kế hoạch Kèm theo Quyết định số 450 /QĐ-UBND ngày 09 /5/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu Thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh Lai Châu. (Văn bản QĐ 450/QĐ-UBND) 
 
 
Căn cứ Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1537/QĐ-BNN-TY ngày 24/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lai Châu xếp vào vùng có nguy cơ trung bình, do đó việc phân vùng nguy cơ bệnh Dại trên địa bàn tỉnh dựa trên số người tử vong do bệnh Dại từ năm 2011 đến nay và tạm thời được xác định như sau:
  
Các huyện có nguy cơ trung bình: Gồm 02 huyện có trên 3 người tử vong là Tam Đường và Phong Thổ.
 
Các huyện có nguy cơ thấp: Gồm thành phố Lai Châu và 05 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè có dưới 3 người tử vong do bệnh Dại.
   
Trong các năm tiếp theo của Kế hoạch, việc phân vùng nguy cơ sẽ thay đổi dựa vào việc xuất hiện các trường hợp đã được chẩn đoán chính xác là bệnh Dại trên người và động vật. Hàng năm tiến hành rà soát để chuyển đổi vùng nguy cơ, khoảng thời gian để xem xét phân vùng nguy cơ được tính trong vòng 5 năm trở về trước kể từ thời điểm rà soát.
 
Công tác thông tin tuyên truyền
 
Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp phòng, chống bệnh Dại hiệu quả và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại. Nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh Dại để kịp thời xử lý.
  
Công khai địa chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.
  
Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền thông qua các cơ quan báo chí địa phương, qua hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố và  Đài Truyền thanh các xã, phường, thị trấn; qua hình thức cổ động trực quan như treo băng zôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp và thông qua các đội tuyên truyền lưu động, vận động trực tiếp tại các cuộc họp tổ dân phố, khu, bản, tại các trường học... Mít tinh, diễu hành hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống bệnh Dại (ngày 28/9 hàng năm). Nội dung và phương pháp tuyên truyền phải phong phú, hấp dẫn, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền bằng ngôn ngữ các dân tộc, phù hợp với văn hóa địa phương để mọi người dân dễ tiếp thu.
  
Quản lý đàn chó nuôi
  
Quản lý đàn chó nuôi nhằm giảm thiểu việc chó cắn người và hỗ trợ cho công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại triệt để trên đàn chó.
- Triển khai tới toàn thể người dân, yêu cầu chủ nuôi chó thông báo, đăng ký nuôi chó với chính quyền địa phương, đồng thời cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật khi tham gia nuôi chó. Công khai tại cộng đồng hoặc thông báo danh sách những hộ nuôi chó nhưng không chấp hành tiêm phòng vắc xin Dại, thả rông chó nơi công cộng, để chó cắn người,…
 
  
 
      
Lập danh sách hộ nuôi chó, thống kê số lượng chó nuôi trong từng hộ gia đình; cấp phát “Phiếu đăng ký nuôi và cam kết” cho người nuôi chó, cấp phát sổ quản lý đàn chó nuôi, quản lý tiêm phòng cho các hộ nuôi; nắm biến động đàn chó cung cấp cho lực lượng Thú y nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại và công tác giám sát bệnh Dại.
  
Thành lập các Đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại và áp dụng chế tài để xử lý theo đúng quy định đối với các trường hợp vi phạm. Trang bị đầy đủ các vật tư, dụng cụ cần thiết cho Đội bắt chó gồm: Găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ, chuồng nhốt giữ chó, vợt bắt chó...
  
Tiêm vắc xin phòng bệnh Dại trên đàn chó
  
Thời gian tổ chức chiến dịch tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo vào tháng 3 - 4 hàng năm; sau đó hàng tháng rà soát, tiêm phòng bổ sung số chó mới sinh, chó mới nhập đàn, chó còn sót lại chưa được tiêm phòng trong chiến dịch để tạo miễn dịch khép kín và đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng theo quy định.
 
Thành lập các tổ, đội tiêm phòng và tổ chức đợt tiêm phòng tập trung theo địa bàn từng thôn, bản hoặc cụm dân cư; xử lý nghiêm đối với những hộ không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho đàn chó.
 
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Dại trên tổng đàn chó được nâng dần qua các năm cụ thể: Từ năm 2018-2021 tỷ lệ tiêm phòng Dại phải đạt tối thiểu lần lượt qua các năm là 70%, 75%, 80%, 85% tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh, trong đó:
  
+ Tất cả các xã, phường của thành phố Lai Châu; các thị trấn, trung tâm của các xã thuộc 07 huyện: Hàng năm tỷ tiêm phải đạt trên 90% tổng đàn chó.
 
+ Đối với các xã thuộc huyện có nguy cơ xảy ra bệnh Dại mức độ trung bình; các xã đã xảy ra bệnh Dại trên người thuộc các huyện có nguy cơ thấp: Từ năm 2018 - 2021 tỷ lệ tiêm phòng Dại phải đạt tối thiểu lần lượt qua các năm là 70%, 75%, 80%, 85% tổng đàn chó.
 
+ Đối với các xã thuộc huyện có nguy cơ thấp và chưa xảy ra bệnh Dại trên người: Từ năm 2018 - 2021 tỷ lệ tiêm phòng Dại phải đạt tối thiểu lần lượt qua các năm là 60%, 70%, 80%, 85% tổng đàn chó của xã.
  
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người
  
Củng cố, duy trì các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh Dại và huyết thanh kháng Dại tại 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu mở rộng số lượng các điểm tiêm khác khi cần thiết để phục vụ công tác điều trị dự phòng, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
  
Tiếp tục hỗ trợ tiêm vắc xin phòng Dại miễn phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiêm vắc xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho cán bộ thú y (làm các công việc lấy bệnh phẩm, xét nghiệm, tiêm vắc xin Dại cho chó, thành viên của Đội bắt và xử lý chó thả rông), cán bộ y tế (khám, chữa bệnh cho người bệnh nghi mắc bệnh dại) và người tham gia phòng chống bệnh Dại.
  
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục người dân bị động vật nghi mắc bệnh dại cắn đi tiêm vắc xin phòng bệnh và huyết thanh kháng Dại kịp thời, đầy đủ.
  
Giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch
  
Chủ động giám sát (chủ yếu là giám sát lâm sàng)chặt chẽ tình hình dịch bệnh Dại động vật từ cấp tỉnh đến cơ sở thông qua mạng lưới thú y, y tế, các cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn và cộng đồng dân cư.
  
Tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh để nâng cao năng lực giám sát, thu thập thông tin dịch tễ về bệnh Dại ở người và động vật.
  
Khi phát hiện chó nghi mắc bệnh Dại, thông báo ngay cho cơ quan Thú y, Y tế nơi gần nhất hoặc chính quyền địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dại. Các ổ dịch bệnh Dại được điều tra, xử lý theo hướng tiếp cận một sức khỏe, có sự phối hợp của ngành Thú y và Y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
  
Kiểm soát vận chuyển chó
 
Thực hiện kiểm soát chặt và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển chó bất hợp pháp theo quy định tại Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 và Thông tư số 25/2016/TT-BNN ngày 30/6/2016.
  
Duy trì và tăng cường hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông.
  
Thành lập và duy trì hoạt động của các Đội kiểm tra, đội liên ngành lưu động để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn các huyện, thành phố.
 
Xây dựng vùng an toàn bệnh Dại
  
Khuyến khích các xã, phường, thị trấn, đặc biệt ở thành phố Lai Châu tiến hành xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh Dại theo Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư và động vật nuôi.
 
   
 Phối hợp phòng, chống bệnh Dại
 
Duy trì công tác phối hợp liên ngành giữa Y tế và Nông nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
 
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành quản lý với UBND các cấp và cộng đồng dân cư để triển khai các hoạt động tuyên truyền, giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh và một số hoạt động khác trong phòng chống bệnh Dại.
  
Nghiên cứu khoa học
   
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng các sáng kiến kinh nghiệm nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng hoạt động của công tác phòng chống dịch bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.
  
Thực hiện:
   
Sở Nông nghiệp và PTNT
 
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch Phòng chống bệnh Dại trên động vật theo nội dung Kế hoạch.
 
Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc tổ chức tuyên truyền phòng chống bệnh Dại. Thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
 
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) thực hiện:
 
Cung cấp các biểu mẫu và hướng dẫn cách thức ghi chép sổ quản lý đàn chó các cấp (huyện, xã, thôn), Bản đăng ký và cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại động vật,... cho các địa phương để tổ chức thực hiện.
 
Tăng cường kiểm tra trong công tác kiểm dịch động vật, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm các quy định về vận chuyển, kinh doanh, giết mổ chó, mèo.
 
Làm đầu mối, phối hợp với Sở Y tế định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền kết quả thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 và nội dung của Kế hoạch này.
 
Sở Y tế
  
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh Dại trên người theo nội dung Kế hoạch.
 
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại (ngày 28/9 hàng năm) phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh và tình hình diễn biến dịch bệnh Dại.
 
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thú y tỉnh nắm bắt tình hình dịch Dại trên động vật, trao đổi thông tin để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ lây truyền bệnh Dại từ động vật sang người.
 
Duy trì và tăng cường các điểm tư vấn, tiêm vắc xin phòng bệnh Dại và huyết thanh kháng Dại. Hướng dẫn người dân khi bị chó cắn đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý, tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh Dại. Cung ứng đầy đủ vắc xin, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho người dân khi bị chó mèo nghi dại cắn. Thực hiện kiểm tra, giám sát tại các điểm tiêm vắc xin phòng Dại cho người trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
  
Đảm bảo chuẩn bị đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, khu vực cách ly, cấp cứu và điều trị cho người mắc bệnh Dại tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
 
Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát, điều trị, chăm sóc và dự phòng bệnh Dại trên người cho các cán bộ tham gia công tác phòng, chống bệnh Dại.
  
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Dại trên người tại các địa phương.
 
Sở Giáo dục và Đào tạo
   
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền về phòng chống bệnh Dại nhằm nâng cao nhận thức về bệnh Dại cho học sinh trên địa bàn.
  
Chỉ đạo các trường học cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn kiến thức về bệnh Dại do UBND huyện, thành phố tổ chức; cán bộ được tập huấn là nòng cốt trực tiếp triển khai các hoạt động truyền thông về bệnh Dại tại trường học.
  
 Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
  
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh đảm bảo kinh phí cho Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Dại hàng năm trên địa bàn tỉnh.
  
 Sở Thông tin và Truyền thông
  
Chỉ đạo các cơ quan Báo, Đài phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tăng cường thời lượng chuyên trang, chuyên mục trong công tác tuyên truyền phòng chống bệnh Dại đảm bảo đầy đủ về nội dung, đa dạng về hình thức; thông tin kịp thời về bệnh Dại, mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng chống, trách nhiệm của người dân trong việc tiêm phòng bệnh Dại bắt buộc cho đàn chó mèo, không thả rông chó, đặc biệt khi để chó cắn người phải chịu mọi chi phí về chăm sóc y tế, kể cả chi phí tiêu hủy chó; chủ động đi tiêm phòng Dại ở người tại các cơ sở y tế khi bị chó, mèo nghi dại cào, cắn,…
  
Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các Đoàn thể tỉnh
  
 Phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia và tích cực hưởng ứng Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.
 
 Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
  
 Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh Dại theo nội dung của Kế hoạch này; chịu trách nhiệm về diễn biến, tình hình dịch bệnh Dại trên địa bàn quản lý.
 
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, chính quyền cấp xã, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia nuôi chó mèo, tăng cường công tác truyền thông, tập huấn và thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh Dại trên người và động vật trên địa bàn huyện, thành phố.
 
Thành lập, duy trì đội chuyên trách tăng cường tuần tra bắt và xử lý động vật nghi Dại, chó thả rông nơi công cộng. Áp dụng thực hiện các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về nuôi chó và phòng, chống bệnh Dại theo quy định.
  
Hàng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện, đưa kết quả công tác phòng, chống bệnh Dại làm một trong những tiêu chí xét thi đua, khen thưởng của địa phương, đơn vị.
 
Huy Dương
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Tình hình thực hiện KH phát triển XT-XH tháng 02 và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2018   (30/03/2018)
  • Thực hiện kế hoạch phát triển XT-XH tháng 01 và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 02 năm 2018   (30/03/2018)
  • Tình hình thực hiện phát triển KT-XH, QP-AN năm 2017, kế hoạch 2018   (04/12/2017)
  • Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 10, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm   (14/11/2017)
  • Phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017   (14/11/2017)
  • Tình hình thực hiện KH phát triển XT-XH tháng 08 và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 09 năm 2017   (08/09/2017)
  • Tăng cường điều hành NSNN đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017   (24/08/2017)
  • Phân bổ 1.756.425 kg gạo hỗ trợ cho học sinh kỳ I năm học 2017 - 2018   (24/08/2017)
  • Tình hình thực hiện phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017   (26/06/2017)
  • Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II   (12/04/2017)
  • Kinh tế - Xã hội, An ninh - Quốc phòng tháng 02, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2017   (29/03/2017)
  • Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH tháng 01, nhiệm vụ trọng tâm tháng 02 năm 2017   (29/03/2017)
  • Thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo QP - AN năm 2016, kế hoạch năm 2017   (20/12/2016)
  • Kinh tế - Xã hội 9 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2016   (11/10/2016)
  • Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH tháng 8 và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2016   (05/10/2016)