Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ bảy 30/11/2024
Đại... công chức
 
 Họ đang làm xấu đi hình ảnh giới công chức vốn cần mẫn, lịch lãm và ít nhiều đáng kính...
Họ có thể già, có thể trẻ, có thể sồn sồn... song thảy đều giống nhau ở cái vẻ bất cần đời, cao ngạo và hách dịch. Họ đang làm xấu đi hình ảnh giới công chức vốn cần mẫn, lịch lãm và ít nhiều đáng kính...
 
Những gã … trời con”
 
Ảnh minh họa
 
Nhật Cường có vẻ mặt lạnh lùng và cái nhìn lúc nào cũng lừ lừ, thô lỗ khi gặp bất cứ người nào, quen hay lạ, dù tuổi công chức của hắn còn chưa kịp... thôi nôi. Có lẽ chưa ai dạy hắn như thế là bất lịch sự và khiếm nhã, nhưng điều đáng "khóc" hơn là người ta lại đặt hắn vào cương vị quản lí trong một đơn vị tư vấn thiết kế.
 
Các cán bộ cấp dưới cùng ngành mỗi khi có công việc liên quan phải "lên" gặp Cường thảy đều ngao ngán. Người ta không chỉ ngại cái ánh mắt nhìn như thụi của hắn, mà còn vì cái cách nói như rít qua kẽ răng, cái cách nhả chữ dè sẻn và cộc lốc như đốp vào mặt người đối diện: "Gì đấy", "Sao?", "Hả?", "Cái gì?"... Tóm lại nếu không vì công việc, chẳng ai muốn đi gặp hắn để phải mang về cái cảm giác bực tức của kẻ vừa tắm xong phải ra đứng trước ống pô xe cho khói phụt vào người.
 
Vào cái thời buổi cạnh tranh như hiện nay ai cũng biết mang cái bộ mặt như hắn ra mà làm ăn chắc có ngày sập tiệm, nhưng cái "giá trị" của hắn nằm ở chỗ quyền hạn "điều tiết", "xét duyệt" của ông bố nên khách hàng vẫn miễn cưỡng tới lui. Cơ quan hắn vẫn "ăn nên, làm ra" và người ta phải nghĩ đến cách làm quen với gương mặt của hắn hơn là khó chịu.
 
Ở một bộ phận giao dịch thuộc cơ quan bưu chính có một nhân viên nữ vừa xinh lại vừa... hách dịch, khiến bao khách hàng điêu đứng không chỉ vì nhan sắc của cô mà còn vì bị cô hành cho khốn khổ. Do học vấn quá "hẻo", cô được các bác quản lí đơn vị phân công vào công việc vừa đơn giản vừa phù hợp với "chuyên môn"... nhan sắc của cô: Bán phong bao, poster và một số vật phẩm của ngành bưu điện.
 
Lần nọ, trong dịp kỷ niệm thành lập thành phố, cô cùng đồng nghiệp được giao nhiệm vụ phát miễn phí cho khách hàng một số huy hiệu mang biểu tượng của địa phương. Và chuyện gì đến đã đến khi vị khách hàng đầu tiên trong ca làm việc của cô phải chấp nhận trả món nợ, mà mãi sau này anh mới nghĩ ra, là có lẽ do mình chưa kịp thanh toán dứt điểm với cô từ... kiếp trước. 
 
Vị khách đến từ một địa phương khác và vì yêu mến vùng đất cô đang sống, đã đứng như người ta chờ... mua gạo thời bao cấp, để mong có được một chiếc huy hiệu khiêm tốn, chỉ vì lúc đó cô đang... giũa móng tay.  Sự kiên nhẫn cuối cùng thì cũng có giới hạn, anh thông báo với cô điều đó khi cất tiếng nhẹ nhàng: "Em ơi, làm ơn cho anh xin một chiếc huy hiệu kẻo muộn mất rồi!".
 
Đáp lại lời anh là một tiếng rơi, khô như ngói vỡ: "Nốt cái này đã. Chờ đấy!". Anh kiên nhẫn cho đến giờ kết quả: "Hết huy hiệu rồi, lúc khác đến đi!". Tới lúc này, khách mới giật mình nhớ đến những câu chuyện cổ tích đọc thời tấm bé, về những mụ phù thủy giả dạng ngây thơ để hại người lành. Anh tức giận nhưng vẫn còn hoài nghi phát hiện của mình, dù mọi thứ sờ sờ trước mắt: "Nếu em cố tình làm khó, tôi sẽ báo với lãnh đạo của em". "Đi mà báo cáo!".
 
Đó là câu nói cuối cùng vị khách nghe được từ khóe môi người đẹp mà gần 100 phút đồng hồ trước còn khiến anh mê mẩn. Không kiềm chế được nữa, anh bước thẳng lên cầu thang tìm đến phòng giám đốc và yêu cầu ông ta giải quyết sự việc kỳ quặc đã xảy ra. Người lãnh đạo rót nước mời anh, ái ngại lắng nghe và cuối cùng thốt ra những lời mà có nằm mơ anh cũng chưa từng tưởng tượng: "Mong anh thông cảm, "nó" được "trên" gửi, nếu kỷ luật "nó" thì người phải ra đi là tôi chứ không phải "nó" đâu!".
 
Trả lại tên cho... công chức
 
Công bằng mà nói không phải bất cứ trường hợp nào hễ bố mẹ, người thân có vai vế trong xã hội cũng tự biến mình thành những ông bà... “trời con” và ngược lại không phải vị "trời con" nào cũng thuộc nhà quyền thế. Đó là những trường hợp... đột xuất nhưng không phải ít. Và cũng như nhân vật đầu tiên của phóng sự này, họ cảm nhận hai chữ "công chức" có một sức mạnh vô biên, trở thành người của nhà nước nghĩa là có trong tay quyền lực và tha hồ "tiêu xài" cho bõ những ngày "nếm mật, nằm gai", nhũn như con chi chi khi bị sai vặt, "tự giác" dọn vệ sinh, pha chè, đun nước...
 
Thảo là nhân viên văn phòng một cơ quan cấp vụ. Vừa nhận quyết định biên chế hôm trước, hôm sau Thảo hùng hồn tuyên bố với bạn bè từ nay mình thoát "kiếp trâu ngựa"(!?). Lời nói của cô nhanh chóng được "giải mã" bởi chỉ sáng hôm sau, người ta thấy cô túc tắc đến cơ quan lúc... 9 giờ và những người có thói quen chờ cô đun nước uống cũng chỉ hơi bất ngờ rồi... tự hiểu. Cũng ngay trong ngày đầu tiên thành "bà biên chế", Thảo lập tức gọi điện đến những nơi có quan hệ công tác và các cơ quan thuộc ngành dọc cấp dưới để... chia sẻ niềm vui và bóng gió rằng ngoài các lãnh đạo ra, sự tồn tại của cô ở cơ quan từ nay là "có thật". 
 
Dĩ nhiên, thiếp chúc mừng bay về như bươm bướm, còn những thứ không bay được thì theo đường tàu hỏa, ô tô... hoặc do chính khổ chủ đi công tác mang theo.  Ai cũng biết nếu họ không nhớ đến cô thì cũng có ngày công văn, giấy tờ gửi lên cũng có thể bị "quên" trong ngăn tủ! Tất nhiên, những chuyện "tình nghĩa" kiểu Thảo không thể xảy ra từ một phía, nếu không có sự sẵn sàng và đôi khi quá "hiểu biết" của bên kia.
 
Thế nhưng nếu gặp phải những đối tượng "trong sáng" hơn thì Thảo sẽ "đào tạo" bằng cách: "Công văn giấy tờ mà làm như thế hả?" hoặc "Dạo này sếp bận quá chưa trình lên được. Thôi nhé!". Khi "đương sự" đã thấm đòn vì chờ đợi, lặn lội hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số đến nơi thì cô ra vẻ hậm hực, xô bàn, đá ghế: "Định làm trò gì đấy. Không tin tôi à?". Và, cho tới nước này mà còn không hiểu, thì có thể kết luận cái thứ ở trên cổ người đứng trước mặt cô là cục đá chứ không phải cái đầu.
 
Ảo tưởng về quyền hạn là điều có thật đang diễn ra ở một bộ phận công chức. Trong khi đó, thực chất của cái thứ quyền mà họ tưởng tượng chỉ giống như "quyền" ngã xe không sợ... chấn thương, đi thi không sợ rớt và... nhịn ăn không sợ đói, có nghĩa đã là công chức thì không bao giờ sợ mất việc. 
 
Một chế độ ràng buộc về trách nhiệm chuyên môn và danh dự công chức rõ ràng cần thiết, không chỉ để lấy lại uy tín và hiệu quả cho công việc mà còn giúp những người có lương tâm không phải phiền lòng, những người giỏi giang không phải ra đi vì quá... nản.
 
Theo.giadinh.net.vn
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Ngành nào trả lương cao nhất Việt Nam?   (25/03/2011)
  • Lãi vài nghìn, thu nhập bạc triệu   (24/03/2011)
  • Cảnh báo mới về bảo mật thông tin trên di động   (24/03/2011)
  • Sẽ cấm hẳn phát ấn đền Trần?   (24/03/2011)
  • CPI tháng 3 tăng cao nhất trong vòng 34 tháng qua   (24/03/2011)
  • Tháng Tư bắt đầu thực hiện khảo sát lương 2011   (24/03/2011)
  • Việt Nam sẵn sàng hợp tác chiến lược về nông nghiệp với Saudi Arabia   (23/03/2011)
  • Thêm nhiều kỹ sư Nhật sẵn sàng chết vì nhà máy hạt nhân   (23/03/2011)
  • Đất nền, chung cư Hà Nội không phải là “miếng bánh” ngon   (23/03/2011)
  • Bốc trúng “thuốc” trị lạm phát   (23/03/2011)
  • Cảnh giác với gạo thơm “rởm”   (23/03/2011)
  • Nhật Bản chưa thay đổi chính sách ODA cho Việt Nam   (22/03/2011)
  • An toàn lao động trên công trường Thủy điện Lai Châu   (22/03/2011)
  • Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 của Bộ GD&ĐT, sẽ thêm nhiều đối tượng được tuyển thẳng, ưu tiên   (22/03/2011)
  • Tặng quà cho học sinh nghèo và đồng bào biên giới   (21/03/2011)