Bất chấp nguy cơ bị bức xạ cao và có thể bị ảnh hưởng sức khỏe suốt đời, ngày càng có thêm nhiều kỹ sư tình nguyện bám trụ, sẵn sàng "xông trận" tại nhà máy Fukushima để khắc phục sự cố, bảo vệ an toàn cho hàng triệu con người.
|
Những kỹ sư tại nhà máy Fukushima I vẫn làm việc quên ăn quên ngủ để khắc phục sự cố. |
"Đã chuẩn bị tư tưởng cho cái chết"
Tuần trước, 800 công nhân được lệnh sơ tán khỏi nhà máy Fukushima gặp sự cố do nồng độ phóng xạ lên quá cao. Sau đó, khoảng 50 người quyết tâm ở lại khắc phục khó khăn và đối mặt nguy hiểm. Họ đã được tôn vinh như anh hùng và được gọi với cái tên trìu mến: "Fukushima 50". Đến nay, con số những người tình nguyện xin ở lại, cùng kề vai sát cánh tại nhà máy đã tăng lên khoảng 100 người. Trong đó, thậm chí còn có cả những kỹ sư, chuyên gia của các nhà máy khác như Toshiba và Hitachi.
Một thực tế không thể phủ nhận là, dù các kỹ sư nhà máy Fukushima I có thể khắc phục thảm họa, nguy cơ họ bị nhiễm phóng xạ và sức khỏe có thể bị ảnh hưởng suốt đời vẫn có thể xảy ra. Nói như Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, họ thậm chí "đã chuẩn bị tư tưởng cho cái chết" để đánh đổi lấy mạng sống của hàng triệu, triệu con người khác.
|
Nguy cơ nhiễm phóng xạ rất cao đối với các nhân viên tại nhà máy. |
Những nỗi khổ tâm
"Tôi vẫn sẽ làm việc cho tới khi nào không thể", một kỹ sư trạc 30 tuổi của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO - đơn vị chịu trách nhiệm điều hành nhà máy Fukushima I) nói trong cuộc họp báo chiều hôm qua 20.3.
Không chỉ vậy, trả lời tờ nhật báo Mainichi hôm nay 21.3, môt kỹ sư khác giãi bày về những hiểm nguy mà họ đang đối đầu cũng như nỗi khổ tâm trong lòng: "Đương nhiên là tôi lo ngại chứ. Chúng tôi đang làm việc trong khu vực nguy cơ nhiễm xạ cao và thậm chí chúng tôi không biết chắc điều gì sẽ xảy ra, có thể là một vụ nổ nữa hay nguy cơ bức xạ lại tăng cao".
Dẫu sao, người kỹ sư này và hàng trăm nhân viên khác đang bám trụ tại nhà máy Fukushima không vì thế mà bỏ cuộc cho dù họ biết những người thân đang vô cùng lo lắng. "Đây quả là một quyết định khó khăn. Dĩ nhiên chúng tôi có thể bỏ cuộc theo ý muốn của gia đình. Chúng tôi hiểu những gì mà họ đang phải trải qua", người công nhân nói.
Họ được tán dương như những vị cứu tinh của đất nước Nhật Bản. Một quan chức của Phòng Cứu hỏa Tokyo ví cuộc chiến gay go giữa họ và phóng xạ như cuộc chiến với "những kẻ thù vô hình".
|
Một người bị bức xạ ở nồng độ 400 millisivert sẽ bị giảm bạch cầu nhanh chóng. |
Nguyện cầu cho họ được bình an
"Những nhân viên vẫn làm việc tại nhà máy mà không hề bỏ chạy", cô Michiko Otsuki, một đồng nghiệp từng làm việc tại nhà máy Fukushima II, nơi cũng bị ảnh hưởng sau cơn động đất hôm 11.3 nói. Bạn trai của Michiko Otsuki hiện cũng đang có mặt tại nhà máy Fukushima I để nỗ lực khắc phục sự cố.
Viết trên mạng xã hội Mixi, Otsuki tâm sự: "Những con người đang làm việc tại nhà máy có thể bị ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe. Họ ở đó, làm việc quên ăn quên ngủ. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho họ được bình an... Đừng quên rằng, họ đang làm việc, đang đánh đổi mạng sống của mình vì những người khác".
Các nhân viên tại nhà máy hạt nhân này được mặc bộ quần áo chuyên biệt Tyvex màu trắng, có khả năng phát ra tiếng "bíp" nếu phát hiện thấy nồng độ phóng xạ vượt quá 100 millisivert.
TEPCO từ chối tiết lộ danh tính và số lượng những nhân viên đã bị phơi nhiễm phóng xạ trên mức 100 millisilvert/năm với lý do "riêng tư". Các chuyên gia cho biết, người bị bức xạ ở nồng độ 400 millisivert sẽ bị giảm bạch cầu nhanh chóng. Nếu vượt quá mức độ này có thể gây ra các triệu chứng như rụng tóc, nôn mửa cấp và một số triệu chứng đặc biệt nguy hiểm khác.