Tháng 5 và 6/2011, chính sách tài khóa thắt chặt và cắt giảm đầu tư công sẽ phát huy tác dụng. Khi đó, việc kiểm soát lạm phát sẽ được nhận diện rõ ràng.
Sau một tháng triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, các bộ - ban – ngành và chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành... đã triển khai quyết liệt 6 nhóm giải pháp. Trong đó, giải pháp về chính sách tiền tệ, đặc biệt là thị trường ngoại hối đã có dấu hiệu thành công bước đầu.
Chặt chẽ, thận trọng
Năm 2011, Chính phủ chủ động đưa tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%. So với dư nợ cho vay của năm 2010 là hơn 2.300.000 tỉ đồng thì năm 2011, số tiền tăng thêm trên 460.000 tỉ đồng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Tuy chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng đó là cơ hội cần thiết cho các ngân hàng (NH) rà soát tín dụng bảo đảm an toàn hoạt động. Thực tế nhiều năm qua, các NH đã tăng trưởng tín dụng quá nhanh khiến không ít chi nhánh của một số NH phải đối mặt với tình trạng lừa đảo về vay vốn.
Thế nhưng, tính đột phá của chính sách tiền tệ là thị trường ngoại tệ. Những năm gần đây, Việt Nam liên tục điều chỉnh tỉ giá nhằm khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu nhưng chưa hiệu quả và gây phản ứng phụ rất lớn. Cụ thể, trong suốt 20 năm qua, VNĐ liên tục mất giá nhưng tình trạng nhập siêu vẫn diễn ra, lạm phát cứ tiếp tục gia tăng vì độ mở lớn trên 150% GDP.
Nhiều biện pháp quản lý thị trường ngoại hối đã phát huy tác dụng.
Do tỉ giá là nhân tố thường làm bất ốn kinh tế vĩ mô nên Chính phủ kiên quyết đưa thị trường ngoại tệ, vàng vào khuôn khổ pháp luật. NHNN và các bộ - ngành đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý thị trường ngoại hối, bình ổn tỉ giá, tạo niềm tin cho người dân giữ VNĐ rồi gửi tiết kiệm. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng.
Thắt chặt, cắt giảm
Giải pháp quan trọng nhất vẫn là chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công và giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP. Do đó, các địa phương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư... đang khẩn trương lên danh mục cắt giảm chi tiêu, dự án đầu tư công dự kiến cuối tháng 3/2011 sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.
Trong đó, Chính phủ và các đơn vị sử dụng ngân sách sẽ giảm 17% chi tiêu thường xuyên, tức khoảng 40.000 tỉ đồng. Về cắt giảm đầu tư công, Chính phủ sẽ tập trung vốn cho các công trình thiết yếu để sớm đưa vào hoạt động, tránh lãng phí bởi thời gian thi công kéo dài có thể làm tăng chi phí đầu tư 30% - 40%...
Ngoài ra, Chính phủ có thể chuyển một số dự án của Nhà nước cho tư nhân đầu tư hoặc liên kết với nước ngoài nhằm giảm áp lực chi ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tạo niềm tin cho nhân dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào cho xuất khẩu và hàng hóa quan trọng mà trong nước chưa sản xuất được; hạn chế vay vốn bằng ngoại tệ, cho vay tiêu dùng và bất động sản để nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng đề cập việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nhưng cần cụ thể hóa. Do đó, Chính phủ cần ban hành chính sách miễn, giảm thuế... cho DN nhỏ và vừa. Cụ thể, DN nào sản xuất hàng hóa thay thế cho hàng hóa nhập khẩu thì được miễn thuế thu nhập DN trong nhiều năm.
Nên miễn thuế đầu tư chứng khoán
Để tăng thu ngân sách và tái cấu trúc DN Nhà nước, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa từng phần vốn DN Nhà nước theo hướng không đem về nguồn thu cho Nhà nước mà chủ yếu là thay đổi phương thức quản lý DN, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Sau một thời gian DN hoạt động hiệu quả thì tiếp tục cổ phần hóa phần vốn còn lại.
Muốn làm được điều này, cần phải có cơ chế hỗ trợ thị trường chứng khoán. Đơn cử, năm 2010, phần lớn các nhà đầu tư đều thua lỗ nhưng vẫn đóng thuế nên năm 2011, Chính phủ cần miễn thuế cho nhà đầu tư chứng khoán. Động thái này không chỉ đem lại công bằng cho nhà đầu tư mà quan trọng hơn cả là thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, giải quyết bài toán vốn cho DN.
Mặt khác, Nhà nước cũng nên tăng thêm tỉ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các NH, DN mà Nhà nước nhận thấy không cần thiết nắm quyền chi phối. Bởi khi thị trường ngoại tệ đã ổn định, đầu tư công hiệu quả..., các nhà đầu tư sẽ tăng niềm tin và dồn vốn vào cổ phiếu kích thích thị trường chứng khoán phát triển bền vững, giảm áp lực vốn lên hệ thống NH.
Tín hiệu lạc quan
Thực tế cho thấy thị trường ngoại tệ, lãi suất đang diễn biến tích cực. Tỉ giá VNĐ/USD tự do đã giảm 1.100 đồng/USD, từ 22.400 đồng/USD (ngày 19/2) xuống còn 21.300 đồng/USD (ngày 22/3).Các NH có dấu hiệu dư thừa ngoại tệ, biểu hiện rõ nhất là kể từ ngày 23/3, NH Đông Á cam kết bán ngoại tệ cho người dân. Nếu trong thời gian tới, các NH được phép bán ngoại tệ có thu phí 2% thì tỉ giá trong và ngoài NH sẽ ngang bằng nhau.
Thị trường lãi suất không còn hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Lãi suất huy động VNĐ bình quân xuống còn 13,4%/năm, lãi suất tiết kiệm USD phổ biến ở mức 5,5%/năm.
Số liệu thống kê cũng cho thấy 2 tháng đầu năm 2011, cung tiền tăng 1,7%, dư nợ tín dụng tăng 3,6% và vẫn trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2011 tăng 2,2% nhưng vẫn thấp so với nhiều dự báo khi giá điện và giá xăng dầu tăng mạnh từ đầu tháng, điều này chứng tỏ Việt Nam bước đầu kiềm chế được lạm phát. Đến tháng 5 và 6/2011, chính sách cắt giảm đầu tư công cũng sẽ phát huy tác dụng, khi đó việc kiểm soát lạm phát sẽ được nhận diện rõ ràng.
|