Tình hình kinh tế - xã hội
Thứ bảy 30/11/2024
Nghe cổ vật sông Hồng kể chuyện
 
Hai “khúc củi” khổng lồ được một người khách Trung Quốc trả tới 150.000 USD lại là một cổ vật có giá trị lịch sử rất lớn.
Hai “khúc củi” khổng lồ nằm chềnh ềnh và hầu như choán hết không gian sát mé tường của phòng khách, đến mức, để có thể “chất” cả hai khúc gỗ kềnh càng ấy trong căn nhà chật chội, chủ nhân của nó phải thiết kế hở một mép tường gác xép lấy khoảng trống để “nhét” chúng vào. Đã có lần, ông định “thoát xác” cho nó thành… nguyên liệu luộc bánh chưng; nhưng rồi, nhờ một cái “tặc lưỡi”, ông đã kịp ngăn ý nghĩ dại dột của mình. Và, cũng nhờ thế, hai khúc gỗ tưởng như mục nát chìm nghỉm dưới lòng sông Cái hàng trăm năm, bỗng nhiên sống dậy để kể câu chuyện ly kỳ…
Người đánh vật với… hai cổ vật quý hiếm
Một ngày đẹp trời mùa hè năm 1999, người đàn ông nhỏ bé và điềm tĩnh có tên Quách Văn Địch thư thả đi hóng gió bên bờ sông Hồng. Chẳng biết run rủi (hay may rủi) thế nào, ông lạc bước đến bờ Nam sông Hồng, vị trí có tour du lịch sông Hồng với những chiếc phà nổi được ghì sát mé sông, để làm vài “quại” bia chiều cùng mấy người bạn quân ngũ. Thế nhưng, cái ý định đó bỗng chốc biến mất, khi ông tình cờ nhìn thấy một chiếc mỏ neo cũ kỹ nằm kềnh càng trên bãi đất trống.
Tò mò, ông dừng chân nhìn ngắm mà không hề biết rằng, đó là một bước chân định mệnh. Chiếc mỏ neo gỗ có hình dáng kỳ lạ chưa từng được nhắc đến: thân chính của mỏ neo dài gần chục thước; hai ngạnh hai bên được ghì với thân chính bằng một cái đai sắt, và lại được “khóa” thêm bằng một lần dây chão quấn ghì nhiều vòng, kiểu buộc chỉ có thít chặt vào chứ không bao giờ mở ra. Độ mở của hai chiếc ngạnh hai bên từ vị trí thân trụ của mỏ neo, mỗi bên cũng gần ba thước.
Ban đầu, ông Địch nghĩ đó là một mô hình người ta dựng lên để làm trang trí không gian cổng vào của bến tàu du lịch sông Hồng - một mô hình khổng lồ, kỳ dị mà các hãng kinh doanh vẫn thường làm với mục đích quảng bá. Thế nhưng, xem kỹ, ông Địch thấy kỳ lạ bởi nước gỗ đã xám xịt màu thời gian; những dăm gỗ trên bề mặt trục chính và hai ngạnh bị nước và độ nóng làm nở ra, đều tăm tắp hệt như một bức tranh sắp đặt mà ai đó cố tình tạo ra.
Dò hỏi, hóa ra đó là một chiếc mỏ neo được người dân thuyền chài khu vực Bến Gỗ mới trục vớt được vài ngày, còn đang để nhờ ở Công ty Du lịch Sông Hồng. Sẵn có quán ăn mà hai vợ chồng ông mở lấy kế sinh nhai, ông quyết định mua chiếc mỏ neo to đuềnh đoàng này về làm… vật trang trí ở quán ăn, như là một chiêu quảng cáo hoàn hảo để khách một lần vào sẽ không thể quên được… nhà hàng mỏ neo.
Hai "khúc củi" của ông Địch được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm.
Thế là ông Địch “rước” khúc củi mục kềnh càng ấy về, đặt ở giữa quán bia mà vợ chồng, con cái ông đang mưu sinh, bất chấp bà vợ nghiến răng nghiến lợi vì kiểu… đầu tư không giống ai của ông chồng “trái khoáy”.
Mọi chuyện tưởng đâu vào đấy. Bẵng đi mấy tháng, vào một ngày mùa đông cuối năm 1999, một thanh niên nước da sạm đen và rắn rỏi tìm đến quán bia nhà ông. Anh thanh niên này cho biết, anh cũng có một chiếc mỏ neo gỗ to như thế, nhưng hình dáng kỳ lạ hơn: chỉ có một ngạnh. Biết ông Địch là người “rước” chiếc mỏ neo khổng lồ về để làm… cảnh, anh này mới mạo muội đến đặt vấn đề bán lại cho ông Địch, khỏi tiếc công trục vớt.
Lúc đầu, ông Địch nghĩ rằng, mỏ neo thì cái nào chả giống nhau, và nếu có to thế nào đi chăng nữa, chắc cũng chỉ suýt soát như cái mỏ neo mà ông đã tậu về mấy tháng trước. Nhưng đằng này, anh chàng thanh niên lạ mặt nhất mực khẳng định, “phải đến xem mới biết”. Thế là ông Địch đến xem, ở mãi bãi sông Hồng đoạn Chèm. Xem xong, ông không cầm lòng được. Và, lừa lúc vợ vắng nhà, ông mới dám “mở két” để “rước” thêm về một… khúc củi.
Từ độ ấy đến nay, hơn chục năm trời, hai chiếc mỏ neo khổng lồ trở thành một "thành viên" trong gia đình ông, kể cả khi ông giã từ nghề bán bia, chuyển nhà về mạn Bồ Đề, ông cũng rước hai chiếc mỏ neo theo mình, thiết kế một khoảng không riêng trong căn nhà của mình và đặt nó trang trọng vào đó.
Vàng ròng
Năm 2002, một đoàn khách du lịch người Trung Quốc vào quán bia của ông để giải nhiệt. Sau mấy chầu bia, một ông khách to béo, sang trọng chợt bỏ cuộc nhậu, đắm đuối nhìn hai chiếc mỏ neo của ông. Sau đó, ông này đã nhờ cô hướng dẫn viên giúp, ngỏ ý muốn mua lại một chiếc mỏ neo hai ngạnh với giá… 30.000USD, tính theo giá vàng lúc đó, số tiền này là cả một gia tài. Ông Địch chỉ cười, vì ngỡ rằng ông khách Trung Quốc nói đùa.
Nhìn vẻ mặt của ông Địch, ông khách du lịch lại cho rằng mức tiền mà mình đưa ra chưa hợp lý. Sau mấy ngày vào TP.HCM theo tour, ông này quay trở lại và quyết định nâng giá lên gấp… 5 lần: 150.000USD. Bây giờ thì đến lượt ông Địch giật mình. Ông giật mình không phải vì khoản tiền khổng lồ mà ông khách lạ bỏ ra để mua lại “khúc gỗ”, mà trước đấy, ông nghĩ trên thế gian này chỉ có mình ông là người “rồ dại”. Sau đấy nghĩ lại, ông mới lờ mờ suy đoán, hẳn chắc chắn đấy là một cổ vật có giá trị lịch sử rất lớn, chứ không chỉ đơn thuần là một vật vô tri bấy lâu nay trầm tích dưới sông Hồng, được người ta tình cờ phát hiện.
Năm 2006, một đoàn khách nước ngoài gồm các chuyên gia nghiên cứu của 4 nước: Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Australia đến gặp ông. Trước khi đoàn này đến, đã có cả một câu chuyện rất dài.
Ngay sau khi xảy ra việc ông khách Trung Quốc không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền lớn để mua lại chiếc mỏ neo, ông chủ quán bia Quách Văn Địch đã “liều mạng” viết một bức thư dài, chụp lại ảnh chiếc mỏ neo mang đến gửi nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông Địch nói với ông Dương Trung Quốc rằng ông đang có hai chiếc mỏ neo rất kỳ lạ và cổ kính. Ông không phải là chuyên gia, nhưng ông biết nó là những thứ mà các nhà sử học cần, nhất là khi địa điểm trục vớt được hai chiếc mỏ neo này nằm ở đoạn hiểm nhất của con sông Hồng đoạn qua Hà Nội, ngay trước cửa Bạch Đằng, Hàm Tử Quan, Bến Gỗ - những địa danh mà nhắc đến cũng khiến một người vô tình nhất cũng có liên tưởng đến những cột mốc lịch sử của nước nhà.
Hai hôm sau, ông Dương Trung Quốc đến cùng Tiến sỹ Vũ Thế Long, một chuyên gia ngành khảo cổ. Cả ông Quốc và ông Long sửng sốt trước hai chiếc mỏ neo kỳ lạ và hai ông hứa sẽ không vô tình với những hiện vật này. Lời hứa của ông Quốc và ông Long dẫn tới câu chuyện mà chúng tôi vừa nhắc đến, đó là sự xuất hiện của các chuyên gia, giáo sư đầu ngành… của những nước có ngành hàng hải phát triển. Và, những người khách lạ đến tìm hiểu, nghiên cứu về chiếc mỏ neo cổ của ông Địch là những chuyên gia đầu ngành.
Đoàn nghiên cứu sau khi tìm hiểu, quan sát hình dáng, đặc điểm bên ngoài của hai chiếc mỏ neo đã cẩn thận lấy mẫu vật về giám định để xác định niên đại hai chiếc mỏ neo này. Theo đó, chiếc mỏ neo một ngạnh có tuổi đời từ khoảng thế kỷ 13. Còn chiếc mỏ neo hai ngạnh có niên đại khoảng thế kỷ 15. Hai chiếc mỏ neo này đều có nguồn gốc từ những loại gỗ tốt, họ cây bồ kết, và là một phần của những chiếc tàu lớn, chưa xác định cụ thể là tàu buôn hay tàu chiến, và thuộc các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nghe được những thông tin chính xác từ các chuyên gia hàng đầu này, ông Quách Văn Địch là người hạnh phúc nhất. Ông ngỡ ngàng hiểu ra, bấy lâu nay ông đang bảo vệ những cổ vật độc nhất vô nhị. Nó là minh chứng cho cả một giai đoạn lịch sử quan trọng của ngành hàng hải Việt Nam, hay chí ít cũng là nhân chứng của một thời kỳ giao thương phát triển của Nhà nước phong kiến Việt Nam.
 
Theo qdng.vn
 print   send mail
Các tin đã đăng
  • Nâng cao đạo đức hành nghề trong hoạt động kế toán, kiểm toán   (16/03/2011)
  • 146 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh 2011   (16/03/2011)
  • Quân, dân cùng làm - dân thụ hưởng   (16/03/2011)
  • Đẩy nhanh hoàn thiện các hạng mục công trình BV Đa khoa tỉnh   (15/03/2011)
  • Khởi động Dự án đưa hơn 600 trí thức trẻ về huyện nghèo   (15/03/2011)
  • Đánh giá tài sản và vốn của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước   (15/03/2011)
  • Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 21 tỉnh   (15/03/2011)
  • Vì sao cảnh cướp bóc không xảy ra trong thảm họa ở Nhật?   (15/03/2011)
  • Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội   (15/03/2011)
  • Hà Nội: Thí điểm bán xăng một mức giá 40.000 đồng   (14/03/2011)
  • Dịch bệnh lở mồm long móng đã lan rộng ra 26 tỉnh   (12/03/2011)
  • Chia sẻ cùng Chính phủ bằng những hành động cụ thể   (11/03/2011)
  • Thiết bị tiết kiệm xăng: Coi chừng tiền mất tật mang   (11/03/2011)
  • Xử lý nghiêm các vi phạm về giá thuốc   (10/03/2011)
  • Kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP tại Lai Châu   (10/03/2011)