Tiết kiệm là giải pháp tốt nhất hiện nay: Trong thời gian qua, trước những biến động của nền kinh tế quốc tế, giá cả các mặt hàng trong nước đã tăng nhanh, khiến cho người dân trong cả nước nói chúng và người dân Tuyên Quang chúng tôi nói riêng rất lo lắng. Thế nhưng, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp cụ thể để kiềm chế lạm phát. Một trong những giải pháp đó là điều chỉnh tăng giá xăng, dầu và giá điện. Vẫn biết việc tăng giá xăng, dầu và giá điện có tác động không tốt đến cuộc sống của mọi gia đình, nhưng chúng tôi cho rằng đây là việc làm tất yếu trong lúc này. Chính vì vậy, chúng tôi đồng tình với quyết định của Chính phủ. Chúng tôi cho rằng, sự sẻ chia của mỗi người, mỗi gia đình với Chính phủ cần phải được thể hiện qua những hành động và việc làm cụ thể. Ví dụ, mỗi người, mỗi gia đình hãy thắt chặt chi tiêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mỗi người, mỗi gia đình hãy là những “dũng sĩ chống lại tên giặc lạm phát”. Mỗi gia đình, hãy tắt một bóng điện khi không cần thiết, đi lại bằng phương tiện công cộng và đặc biệt, đề cao khẩu hiệu người Việt Nam dùng hàng Việt Nam...
|
Tiết kiệm điện, nhiều gia đình ở Hà Nội đã tìm mua và sử dụng đèn compact. Ảnh: Phạm Yên
|
Làm được điều này chắc chắn chúng ta sẽ cùng với Chính phủ, tiết kiệm, kiềm chế được lạm phát... Chung tay cùng Chính phủ, mỗi người, mỗi gia đình hãy hành động ngay.
Trần Đình Lam
(xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang)
Hà Giang, hỗ trợ giá điện cho người nghèo: Căn cứ vào kết quả tổng điều tra, xác định hộ nghèo tiêu chuẩn mới giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh Hà Giang có 63.453 hộ nghèo, chiếm 41,8% tổng số hộ toàn tỉnh. Số hộ nghèo này chủ yếu là do thiếu vốn sản xuất, chiếm trên 61,5%, số còn lại là do thiếu đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất, đông người ăn theo và thiếu lao động.
Theo tiêu chí mới, số hộ nghèo này sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ giá điện trực tiếp của Nhà nước cho 50kWh/tháng, tương đương với mức 30.000 đồng/hộ/tháng kể từ tháng 3. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Công ty Điện lực Hà Giang kể từ ngày 1-3 triển khai thực hiện nghiêm chỉnh việc tính giá bán điện cho các hộ thuộc diện nghèo theo quy định.
Việc làm này của UBND tỉnh và Công ty điện lực tỉnh Hà Giang đã được đông đảo hộ nghèo trong tỉnh đồng tình, ủng hộ. Không ít các hộ nghèo cho rằng, việc làm này thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với những hộ nghèo và tạo cơ hội cho họ vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu, mạnh.
Nguyễn Phương Hoa (phường Minh Khai, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang)
* Thái Bình, điều tiết nguồn điện: Hiện toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 3,8 triệu kWh/ngày, nhưng Công ty Điện lực miền Bắc phân bổ 2,2 triệu kWh/ngày, chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Theo dự báo, trong tháng 3-2011, toàn tỉnh Thái Bình sẽ thiếu 250.000 kWh/ngày; sang tháng 4 thiếu khoảng 360.000 kWh/ngày; tháng 5 thiếu 480.000 kWh/ngày và tháng 6 thiếu 660.000 kWh/ngày. Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 3, tỉnh Thái bình đã chỉ đạo ngành điện xây dựng kế hoạch điều tiết, cắt giảm điện luân phiên tại các địa phương.
Nhằm giảm thiểu thiếu điện, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới và để điều tiết nguồn điện phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân và doanh nghiệp, Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện của tỉnh yêu cầu ngành điện ưu tiên cấp điện cho sản xuất công nghiệp trong tháng 3 và tháng 4. Trong tháng 5 và tháng 6 ưu tiên cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông… UBND tỉnh còn chỉ đạo cắt ưu tiên cho điện ánh sáng tiêu dùng, bảo đảm công bằng lợi ích của tất cả khách hàng.
Cùng với việc phấn đấu giảm tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn xuống còn 15%, tránh cắt điện sinh hoạt trên diện rộng và kéo dài…, ngành điện của tỉnh Thái Bình còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Trần Minh Quốc (phường Tiền Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình)
*Nghiêm trị hành vi “té nước theo mưa”: Mặc dù Chính phủ đang thực hiện các biện pháp tìm cách kiềm chế làm phát, nhưng từ đầu năm đến nay, giá cả tăng cao, vẫn chưa có dấu hiện chững lại hay giảm xuống. Một số doanh nghiệp lấy lý do giá xăng dầu, giá điện tăng… để đẩy giá lên cao, khiến người tiêu dùng cả nước điêu đứng.
Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết các mặt hàng thiết yếu, như: Gas, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… giá đều tăng vài chục phần trăm so với thời điểm trước Tết Tân Mão. Hầu hết người dân đều cho rằng, giá cả nhiều mặt hàng tăng lên không phải do nguồn cung thiếu, mà do tác động tâm lý. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp, chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt của doanh nghiệp mình, mà quên đi mối nguy hại đối với nền kinh tế của cả một đất nước. Họ đã tự ý nâng giá bán, theo kiểu “té nước theo mưa”.
Hành vi này cần phải được lên án và xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Có như vậy, chúng ta mới có cơ sở để giữ bình ổn thị trường, góp phần giữ ổn định an ninh-chính trị của đất nước./.
Mai Minh Nhẫn (thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa)