Với tình hình kinh tế hiện nay, việc tăng giá xăng, giá điện và hình thành mặt bằng giá mới là điều tất yếu, cho dù có muốn hay không. Cơn “bão giá” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cái ăn, cái mặc của người nghèo. Do đó Chính Phủ cũng đã kịp thời đưa ra các giải pháp để giúp người nghèo như hỗ trợ tiền điện, tăng mức lương tối thiểu cho những người làm công ăn lương có mức thu nhập thấp, trong đó kể cả cán bộ viên chức nhà nước. Đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
Nhưng, còn nông dân, những người chiếm số đông ở một nước nông nghiệp như Việt Nam thì sao? Chúng ta vẫn đang cố gắng dùng nhiều biện pháp để bình ổn giá nông sản (dùng ngân sách để hỗ trợ các nhà phân phối bán nông sản giá thấp là một ví dụ). Nói cách khác là kiềm chế giá nông sản tăng. Liệu đó có là biện pháp công bằng?
Dù chưa tính đến tác động của việc kìm giá nông sản, nghề nông Việt Nam cũng đã gặp muôn vàn khó khăn: đất hẹp người đông nên diện tích canh tác trên một nông hộ khá thấp, thiên tai bão lụt xẩy ra thường xuyên, rồi dịch bệnh nguy hiểm , biến đổi khí hậu bất lợi... Chính vì vậy thanh niên nông thôn tìm cách bỏ làng ra thành thị hay xuất khẩu lao động là một điều dễ hiểu.
Chính vì lẽ đó, nếu chúng ta chưa giúp được gì nhiều cho nông dân thì ít ra cũng đừng tìm cách kìm giá nông sản.
Khi giá nông sản tăng, sẽ giúp cải thiện đời sống của hơn 70% dân số, tăng sức mua đáng kể của xã hội. Và điều đó kích thích cho mọi ngành sản xuất phát triển, đặc biệt là những ngành phục vụ đời sống thiết yếu. Kết quả là doanh nghiệp có điều kiện để cải thiện đời sống cho người lao động, nhà nước tăng thu ngân sách và có điều kiện để cải thiện thu nhập cho cán bộ viên chức thực sự có thu nhập thấp, đồng thời có khả năng thực hiện những công việc an sinh xã hội khác.
Những mặt hàng cần kiểm soát giá là những mặt hàng nhập khẩu và phân phối độc quyền, ví dụ như thuốc, sữa … bằng luật cạnh tranh và chống độc quyền thích hợp.
Xăng, dầu, điện nhất thiết phải thị trường hóa thì gạo, rau, thịt càng phải thị trường hóa. Bởi giá tốt, thị trường tốt là điều kiện tối thượng để phát triển bất cứ ngành nghề nào kể cả ngành nông nghiệp.
Mặt khác, để ổn định bền vững và đảm bảo giá nông sản có tính cạnh tranh cao mà vẫn đảm bảo cải thiện đời sống nông dân là giúp họ giảm giá thành sản xuất bằng cách hỗ trợ nâng cấp hệ thống thủy lợi, nghiên cứu và phổ biến tiến bộ khoa học công nghệ để ứng dùng vào thực tế sản xuất và bảo quản chất lượng sản phẩm, tìm kiếm cây con giống mới có năng suất cao thích nghi với môi trường và phù hợp với sở thích của người tiêu dùng.