Theo ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh - tổng cộng trường có 52 ngành. Mỗi ngành có chỉ tiêu khoảng 50- 60 TS. Trong đó, các ngành Lâm nghiệp, Chế biến lâm sản, Nông học, Cơ khí... do có tên không “kêu” nên nhiều TS bỏ qua. Trong khi các ngành có “tên đẹp” ở trường như: Công nghệ tin học, Công nghệ hóa học thực phẩm... năm nào nhà trường cũng phải tuyển NV2 và NV3 mới đủ số lượng, mặc dù có điểm chuẩn có năm lên đến 23 điểm, ngược lại điểm chuẩn các ngành tên “xấu” chỉ từ điểm sàn hoặc hơn sàn một điểm trở lên.
|
Ảnh Lê Anh Dũng
|
Ông Nguyễn Văn Thư - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM - cho rằng: “Điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu thủy là 2 ngành có chỉ tiêu cao nhất trường nhưng nhiều năm nay giậm chân ở mức 13-14 điểm và khó tuyển. Năm nay trường dự kiến tuyển sinh viên nữ cho 2 ngành này do chủ tàu ở Bắc Âu đặt hàng”.
Một số chuyên gia tuyển sinh cho biết, hiện nước ta có 13 liên doanh lắp ráp và sản xuất ôtô. Nhu cầu việc làm ngành này hiện tương đối lớn do các thành phố lớn đã mở ra nhiều đại lý, garage sản xuất máy móc, sửa chữa ôtô... Vì thế, ông Thái Bá Cần (Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều năm trở lại đây, các ngành liên quan đến Công nghiệp cơ khí, Chế tạo ô tô... đã được nhiều TS lựa chọn. Hàng năm, có đến vài chục doanh nghiệp đến tận trường để tuyển nhân lực nên TS có thể an tâm về đầu ra ở những ngành công nghiệp mà mới nghe tên đã... sợ.
Một nhóm ngành cũng dễ đỗ nhưng ít TS quan tâm là các ngành liên quan đến thủy sản. Trong vài năm trở lại đây, ĐH Nha Trang - một trong những nơi đào tạo chuyên về nhóm ngành này - đều có điểm trúng tuyển khoảng 13 điểm khối A và 14 điểm khối B. Các ngành Chế biến thủy sản, Nuôi trồng thủy sản, Bệnh học thủy sản, Kinh tế-quản lý nuôi trồng thủy sản... tại các trường ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang... cũng chỉ bằng điểm sàn, hoặc cao hơn sàn 1 điểm.
Dễ xin việc
Chỉ tiêu ổn định, ít TS dự thi, khả năng đỗ cao do tỷ lệ “chọi” không cao, tuy nhiên hàng năm ít TS dự thi vào những ngành này vì tâm lý “sợ không xin được việc làm”.
Ông Hùng khẳng định: “Do tâm lý của TS chỉ thích ngồi phòng máy lạnh, sợ thực tập ở xưởng, vất vả, nặng nhọc nên ít chọn ngành “xấu”. Nhưng các em không biết những ngành này rất dễ kiếm việc làm. Hàng năm, các doanh nghiệp đều đến tận trường để tuyển nhân lực. Tất nhiên, mức lương còn tùy thuộc vị trí, tùy thuộc ngành nghề. Nhưng theo tôi được biết, một số ngành Lâm nghiệp, lương khởi điểm từ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Thậm chí, các tập đoàn còn tài trợ học bổng đến hàng trăm triệu đồng/năm cho TS học các ngành chế biến gỗ”.
Ngoài ra, hiện nay nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nông học rất lớn, có thể làm việc tại các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp, viện sinh học nhiệt đới, các Sở NN&PTNT, trung tâm khuyến nông, chi cục hay trạm bảo vệ thực vật... Vì thế, Nông học cũng là một trong những ngành dễ dàng xin việc.
Ông Thái Bá Cần thì cho rằng không thể ép TS đi học. Tuy nhiên, để các ngành ít hấp dẫn lôi kéo được TS, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích để các em yên tâm hơn khi ra trường, đi làm. Ví dụ, công nhân đi hợp tác lao động phải trả một số nợ rất lớn. Nhưng nếu các đơn vị giúp họ trang trải được những khoản này, sẽ không thiếu người đi. Hoặc việc điều cán bộ đi miền núi, hải đảo chẳng hạn, chỉ cần tăng mức ưu đãi hấp dẫn và thời hạn lao động nhất định sẽ không thiếu người theo đuổi.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng nhu cầu nhân lực giai đoạn 2011-2015 của ngành lên đến 45.000 người.
Cả nước có 78 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ các ngành, chuyên ngành về tài nguyên và môi trường và 45 trường đào tạo trung cấp chuyên nghiệp các ngành quản lý đất đai, địa chính, môi trường, đo đạc và bản đồ, địa chất… nhưng người học thì hiếm dần.
|