(BLC) - Phát triển cây cao su đại điền là định hướng đúng trong trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh ta. Nhưng sau 3 năm thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ.
KẾT QUẢ BAN ĐẦU
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình trồng cây cao su tỉnh, từ năm 2008 đến nay, diện tích trồng cây cao su đạt hơn 5.600ha, trong đó năm 2010 trồng được 2.532ha. Huyện Sìn Hồ triển khai trồng cây cao su đại điền tại 7 xã: Ma Quai, Nậm Tăm, Noong Hẻo, Căn Co, Nậm Cuổi, Nậm Cha và Chăn Nưa; sau 3 năm thực hiện diện tích cây cao su đạt hơn 4.600ha. Đến nay diện tích cây cao su đại điền trên địa bàn toàn tỉnh đang phát triển tốt. Chương trình phát triển cây cao su đại điền đã và đang có tác động mạnh mẽ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nguồn lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là những kết quả ban đầu đáng ghi nhận trong Chương trình trồng cây cao su đại điền trên địa bàn tỉnh ta.
|
Nhân dân xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ) chăm sóc cây cao su. |
Theo đồng chí Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình trồng cây cao su đại điền tỉnh đánh giá: “Để đạt được những kết quả trên, tỉnh ta đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia chương trình. Cùng với đó đã đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng phục vụ chương trình: các tuyến đường Nậm Bó – Can Hồ - Vàng Bon – Ma Quai; Hồng Quảng – Pa Khóa và hàng chục kilômét đường công vụ. Tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân trong vận chuyển cây giống, phân bón trong quá trình trồng, chăm sóc cây cao su. Bên cạnh đó, nhà ở cho công nhân được tỉnh quan tâm hỗ trợ sửa chữa, xây mới tại các xã: Căn Co, Chăn Nưa, Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ), Nậm Hàng (huyện Mường Tè).
Các công ty cổ phần cao su trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về giống, phát triển đường công vụ và các cơ sở hạ tầng. Tính đến thời điểm này đã thành lập 1 vườn ươm cố định, 8 vườn ươm tạm thời, làm hơn 300km đường giao thông nội vùng, công vụ và xây dựng 18 nhà đội. Để phục vụ trồng mới, chăm sóc cây cao su, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu đã thành lập 8 tổ đội sản xuất, tuyển dụng hơn 1.200 công nhân, phần lớn là người dân địa phương.
NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ HƯỚNG THÁO GỠ
Ông Từ Hữu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Hiện nay, việc quy chủ, giao nhận đất còn chậm, ảnh hưởng tới thời gian tổ chức thực hiện làm đất trồng cây cao su. Thời gian làm đất rơi vào những tháng thời tiết không thuận lợi.
Để giải quyết khó khăn này, đồng chí Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: giữa 2 huyện: Sìn Hồ, Mường Tè và các công ty cổ phần cao su Lai Châu cần có sự phối hợp sát sao hơn. Trên khảo sát thực tế, những diện tích đất phù hợp phát triển cây cao su cần có cơ chế bàn giao sơ bộ, phát dọn thực bì. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đo đạc, quy chủ của cơ quan chức năng, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ trồng cây cao su.
Rút kinh nghiệm những năm trước đây làm đất vào tháng mưa, xuống giống vào những tháng nắng nóng. Từ năm 2011, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các công ty cổ phần cao su chủ động về cây giống, tranh thủ thời tiết thuận lợi trồng rải vụ quanh năm. Các công ty cổ phần cao su cần tiếp tục tuyển dụng công nhân để đáp ứng công việc.
Những năm qua, triển khai Chương trình trồng cây cao su đại điền ảnh hưởng tới sản xuất của một số nông dân. Ông Tẩn A Chẩu - Chủ tịch UBND xã Căn Co cho biết: Đất canh tác, bãi chăn thả gia súc nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây cao su đại điền nên nông dân không có đất sản xuất, đặc biệt với những hộ không có người được tuyển dụng vào các công ty cổ phần cao su - đây là vấn đề cấp bách cần có hướng giải quyết kịp thời khi cây cao su chưa cho thu hoạch.
Để giải quyết vấn đề này, một số xã: Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ), Khổng Lào, Nậm Xe, Mường So (huyện Phong Thổ) đã thí điểm thành công mô hình trồng xen canh lúa nương, ngô và các giống cây họ đậu trên diện tích cây cao su chưa phát tán, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho nhân dân.
Để giải quyết việc chăn nuôi gia súc cho các hộ nông dân khi không còn bãi chăn thả, phương án nuôi nhốt gia súc được xem như chìa khóa giải quyết khó khăn này. Một số tỉnh bạn: Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái, mô hình trồng cỏ voi, cỏ mật làm thức ăn chăn nuôi gia súc theo trang trại nhỏ đã thành công và đang được nhân rộng. Đây là cách làm hay mà trong năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện giúp bà con nhanh chóng ổn định chăn nuôi sản xuất, yên tâm, tích cực tham gia Chương trình trồng cây cao su đại điền của tỉnh.
Những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân và tinh thần năng động, khẩn trương của các công ty cổ phần cao su trên địa bàn tỉnh, Chương trình trồng cây cao su đại điền trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả khả quan. Để Chương trình tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả trong quá trình triển khai, đặc biệt thực hiện tốt kế hoạch năm 2011: tiếp tục chăm sóc diện tích đã trồng và trồng mới 3.500ha cây cao su, cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn nêu trên, đồng thời có sự đầu tư thích đáng vào các công trình phụ trợ, phục vụ sản xuất.