Ngày 24/11, UBND tỉnh Lai Châu ban hành văn bản số 332/BC-UBND báo cáo Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo Quốc phòng - An ninh năm 2017, Kế hoạch năm 2018.
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 trên địa bàn tỉnh mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các cấp, các ngành đã tích cực chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2017, tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết, Đề án của Tỉnh ủy, HĐND; các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, với phương châm “Hành động - kỷ cương - hiệu quả” đã tạo nên kết quả toàn diện trên các ngành, lĩnh vực, đã đạt và vượt kế hoạch 9/9 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, một số kết quả nổi bật như:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế,thu NSNN trên địa bàn đạt vượt kế hoạch. Các hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp được tích cực triển khai, cơ cấu các loại giống, cây trồng, vật nuôi có sự chuyển biến tích cực, xác định được các loại cây chủ lực, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng mới rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện tốt; công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được các cấp, các ngành quan tâm. Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới được tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả, được Nhân dân đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng, nhất là công nghiệp sản xuất điện; thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, giá trị xuất khẩu hàng địa phương tăng cao; ngành dịch vụ du lịch có sự khởi sắc. Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học tiếp tục được đầu tư, số trường chuẩn quốc gia vượt kế hoạch đề ra; công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, không có dịch lớn xảy ra... Bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được sắp xếp, củng cố, kiện toàn. Quốc phòng - An ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, phối hợp tổ chức thành công giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 4. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng.
Bên cạnh những kết quả đạt được kinh tế - xã hội của tỉnh còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như:
Tính chủ động của các cấp, các ngành và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ở một số đơn vị trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa cao. Công tác phối hợp giữa ngành với ngành, ngành với UBND các huyện, thành phố có lúc, có việc chưa kịp thời, hiệu quả.
Công tác cải cách thủ tục hành chính còn chậm, xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công và chỉ số cải cách hành chính còn thấp. Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định của một số cơ quan, đơn vị chậm. Việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tại một số khu vực chưa hoàn thành; việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa theo hướng hiện đại còn hạn chế.
Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại một số xã đạt chuẩn còn khó khăn, việc phân bổ kinh phí Chương trình xây dựng NTM ở cấp huyện còn chậm...
Công tác triển khai một số nội dung của chính sách giảm nghèo còn chậm. Đời sống của một bộ phận dân cư vẫn còn gặp khó khăn nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Tình hình khiếu nại, tố cáo tăng cả về số lượt tiếp công dân và số lượng đơn thư gửi đến các cơ quan hành chính nhà nước và còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nhất là các khiếu nại liên quan đến việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư,…
Tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn các yếu tố phức tạp nhất là hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm về ma túy tuy có giảm về số vụ nhưng số lượng tang vật ma túy thu giữ ngày càng lớn, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; tai nạn giao thông tăng cả ba tiêu chí so với năm trước...
Việc triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 dự báo sẽ có những thuận lợi cơ bản là: Ở trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển miền núi, biên giới tiếp tục được triển khai thực hiện. Ở trong tỉnh, những thành quả đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội những năm qua cùng với truyền thống đoàn kết của toàn Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Bên cạnh những thuận lợi, còn có nhiều khó khăn: Ở trong tỉnh, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, nhu cầu đầu tư cho phát triển rất lớn trong khi ngân sách đầu tư rất hạn hẹp, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, với quyết tâm tiếp tục thực hiện phương châm “Hành động - kỷ cương - hiệu quả”, thi đua đạt thành tích hướng tới chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh trong năm 2019, sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội trong năm 2018, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; các Đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời chấp hành nghiêm túc Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Mục tiêu chung
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tập trung thực hiện có hiệu quả các Đề án, Nghị quyết của tỉnh ủy, HĐND tỉnh nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển các ngành kinh tế; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế.
Thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.
Các chỉ tiêu chủ yếu
(1). Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 9,02%; cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16,81%; công nghiệp, xây dựng 45,12%; dịch vụ 38,07%; GRDP bình quân đầu người: 26,8 triệu đồng.
(2). Tổng sản lượng lương thực có hạt: 216 nghìn tấn; diện tích cây chè: 5.772 ha, trong đó trồng mới 750 ha; tỷ lệ che phủ rừng 49,11%; năm 2018 có thêm 06 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 30 xã, đạt 31,25% số xã.
(3). Thu ngân sách trên địa bàn: 1.950 tỷ đồng.
(4). Giá trị xuất khẩu hàng địa phương 11 triệu USD. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 6,78%.
(5). 96/96 xã có đường ô tô mặt đường được cứng hóa; 88% bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận lợi; 93% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 87% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 80,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
(6) Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp học: Mầm non: 41,79%, Tiểu học: 43,94%, Trung học cơ sở: 27,35%, Trung học phổ thông: 16%.
(7) 76 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (chiếm 70,37% số xã), 9,2 bác sỹ/1vạn dân, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 16,98%o, tỷ lệ giảm sinh 0,5 %o, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 21,3%.
(8) Giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,76%, trong đó các huyện nghèo giảm 4,5%. Giải quyết việc làm mới: 7.020 lao động; đào tạo nghề 6.300 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo: 46,3%.
(9) 83% hộ gia đình, 66% thôn, bản, khu phố, 93% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.