Sáng ngày 11/1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP). Tại điểm cầu Chính phủ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và 63 điểm cầu trên cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, dự Hội nghị có đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; 6 điểm cầu của các huyện và 48 điểm cầu của các xã.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP giai đoạn 2016-2019 và định hướng thời gian tới. 3 năm qua, với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, công tác ATTP đã có những chuyển biến rõ rệt, tích cực. Hệ thống thể chế về quản lý ATTP tiếp tục được hoàn thiện. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam đã tiếp cận được phương thức quản lý trên thế giới.
Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, vận động thực hiện ATTP được đẩy mạnh với sự tham gia của nhiều ngành, nhất là các đoàn thể. Các hoạt động vận động, giám sát với nhiều phương tiện, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đối tượng và mục tiêu truyền thông, gắn với vận động thực hiện sản xuất sản phẩm an toàn.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, các đoàn thể theo nhiều chương trình phối hợp, nhất là trong các dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán, mùa du lịch, lễ hội, tết Trung Thu… Số cơ sở thanh tra, kiểm tra, số cơ sở bị xử lý trung bình/năm, số tiền phạt trung bình/năm đã tăng lên rất nhiều, điều này thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm.
Các địa phương đã tích cực chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn, thông qua các giải pháp quy hoạch các vùng chuyên canh, thúc đẩy các chuỗi sản xuất an toàn, thúc đẩy áp dụng công nghệ cao, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Mạng lưới kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là hệ thống phân phối thực phẩm có kiểm soát đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP vẫn còn có những khó khăn, thách thức như số hộ sản xuất nhỏ lẻ cao, với nhiều nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm; việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không đảm bảo ATTP vẫn hết sức khó khăn; thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn nhiều; tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản tuy có giảm nhưng vẫn cao hơn các nước trong khu vực; việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả nhất là trên các tuyến biên giới, qua đường tiểu ngạch, lối mở còn khó khăn, phức tạp…
Để công tác bảo đảm ATTP đạt hiệu quả cao, thời gian tới Bộ Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương sẽ tập trung hoàn thiện, đổi mới, hướng dẫn và nâng cao hiệu quả của công tác hậu kiểm ATTP; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi gắn liền với bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm…
Tại tỉnh Lai Châu, năm 2019 tổng số lượt kiểm tra, giám sát các cơ sở thuộc Ngành Y tế là 6.144/6.660 lượt, đạt 92,3% kế hoạch; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành là 4.098 lượt cơ sở; giám sát các cơ sở thuộc Ngành Nông nghiệp, Công thương quản lý là 1.310 lượt cơ sở… Qua các cuộc kiểm tra, giám sát cho thấy hầu hết các cơ sở đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai đồng bộ, toàn diện về ATTP. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần tăng cường tuyên truyền đảm bảo quyền lợi cho Nhân dân về ATTP; tiếp tục hoàn thiện thể chế ATTP; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, bố trí nguồn lực thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ ATTP; nhân rộng các mô hình thí điểm thực hiện quy hoạch các vùng, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi đảm bảo ATTP; tăng cường quản lý các hoạt động nhập lậu, chống gian lận thương mại; tiếp tục truyền thông đầy đủ quy trình sản xuất, nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật; rà soát, loại bỏ trong danh mục các thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo an toàn…